Nhiều phức tạp tại bến đò Phú Văn - Bom Bo (Bình Phước)

Thứ Ba, 06/11/2007, 15:04
Con đường ngắn nhất nối liền giữa huyện Bù Đăng với huyện Phước Long (Bình Phước) là phải đi qua bến đò Phú Văn - Bom Bo. Thời gian gần đây, do tranh giành khách, các chủ bến đò đã mâu thuẫn, gây ra hiềm khích, đánh lộn, gây mất ANTT.

Điều đáng quan tâm là các chủ đò đều không đủ điều kiện kinh doanh vận tải hành khách ngang sông, song chính quyền địa phương và các ngành chức năng ở Bình Phước vẫn làm ngơ.

Hiện nay, tại bến đò Phú Văn - Bom Bo chỉ còn hai hộ là bà Trần Thị Phẩm, cư ngụ tại xã Phú Văn, huyện Phước Long, tạm trú tại đội 4, thôn 7, xã Bom Bo, huyện Bù Đăng và ông Võ Đức Hồng, cư ngụ tại đội 6, xã Bom Bo đang hoạt động đưa khách qua sông. Thế nhưng, cả hai hộ này đều chưa được cấp giấy phép, phương tiện chở khách cũng chưa được ngành chức năng kiểm định về ATGT đường thủy nội địa.

Theo xác minh của Công an xã Bom Bo, năm 1997, bà Phẩm có một chiếc ghe chuyên chở khách qua đoạn sông này. Năm 2006, ghe của bà Phẩm bị hư hỏng nặng. Trong lúc chờ mua phà mới, ông Hồng đã đưa phà đến bến chở khách. Bà Phẩm đã nhiều lần yêu cầu ông Hồng phải trả bến lại cho mình nhưng ông Hồng nhất định không nghe.

Cho rằng, bến phà là của gia đình mình sử dụng trước, ông Hồng không có quyền chiếm dụng nên ngày 20/1, con trai bà Phẩm, anh Minh Hồng đã đốt cháy cầu từ bến lên phà của ông Hồng, không cho ông Hồng chạy phà, đón khách tại bến. Lo ngại cho sự an nguy của người thân, ông Hồng đã vay tiền, mua đất lập bến mới, cách bến cũ khoảng 500m.

Ngày 3/10, trong lúc điều khiển phà qua sông, anh Minh Hồng đã cho phà của mình đâm thẳng vào phà của ông Hồng khiến phà của ông Hồng bị hư hỏng nặng. Khi hai phà cập bờ, anh Minh Hồng đã vác rựa nhảy sang phà của ông Hồng, đuổi chém ông Hồng, may được nhân dân kịp thời can ngăn nên đã không gây hậu quả xấu.

Từ đó, mẹ con bà Phẩm tìm cách rào đường, không cho khách xuống bến phà của ông Hồng. Để cắt đứt việc làm ăn của ông Hồng, bà Phẩm đã mua 1.000m2 đất của ông Đỗ Quang Tuyến, cư ngụ tại đội 4, thôn 7, xã Bom Bo (khu đất này nằm ở cuối thôn 7, sát lòng hồ thủy điện Thác Mơ) với giá 100 triệu đồng.

Cho rằng toàn bộ đường xuống bến đò là đất của mình, bà Phẩm đã rào kín, khách hết đường xuống bến đò của ông Hồng, từ đó, mâu thuẫn giữa hai gia đình ông Hồng, bà Phẩm càng trở nên sâu sắc. Bà Phẩm và những người trong gia đình thường tuyên bố: "Đất này tôi đã mua, ai đi qua đất tôi mua phải đi phà của tôi, không được đi phà của người khác".

Thấy việc bà Phẩm lợi dụng việc mua đất của ông Tuyến để rào con đường liên thôn xuống bến đò của ông Hồng là sai, UBND xã Bom Bo đã yêu cầu Ban quản lý thôn 7 yêu cầu bà Phẩm phải tháo gỡ hàng rào để dân tự do đi lại trên con đường liên thôn đã có từ trước. Thế nhưng, hàng rào chỉ được tháo dỡ đúng 2 ngày, bà Phẩm và gia đình lại tiến hành rào lại.

Sau khi bị anh Minh Hồng lái phà đâm vào phà của mình gây hư hỏng, ông Hồng đã làm đơn gửi lên Công an xã Bom Bo. Ngày 26/10, Công an xã Bom Bo đã mời ông Hồng, bà Phẩm và anh Minh Hồng lên giải quyết. Anh Minh Hồng phải làm tờ cam kết không tái phạm và phải có trách nhiệm bồi hoàn toàn bộ số tiền ông Hồng phải sửa chữa lại phà.

Thế nhưng, khi ông Hồng mang hoá đơn sửa chữa phà về yêu cầu bà Phẩm thanh toán thì bà Phẩm không chấp nhận vì lý do ông Hồng đưa hoá đơn sau ngày Công an xã Bom Bo yêu cầu phải thanh toán dứt điểm.

Mặc dù các cấp chính quyền, các ngành ở xã Bom Bo đã nỗ lực giải quyết tạo điều kiện cho người dân đi lại dễ dàng, hai gia đình ông Hồng, bà Phẩm đoàn kết, bảo đảm ANTT, tình làng nghĩa xóm song thực tế, từ việc tranh giành bến đò, giành khách, mâu thuẫn hai gia đình càng trở nên sâu sắc.

Tại Công văn số 252/CV-GTVT  của Sở GTVT tỉnh Bình Phước đã nêu rõ: "Xét theo thực trạng bến khách hiện nay, việc tranh chấp bến khách ngang sông giữa hai bên (ông Hồng, bà Phẩm) là không đúng quy định vì các chủ phương tiện chưa thực hiện đầy đủ các điều khoản trước khi tham gia kinh doanh vận tải đưa khách ngang sông. Theo quy định, ông Võ Đức Hồng và bà Trần Thị Phẩm hiện chưa được phép hoạt động kinh doanh tại bến khách qua sông này".

Để giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp đang diễn ra tại bến đò Phú Văn - Bom Bo cũng như tại một số bến đò khác ở Bình Phước, theo chúng tôi, Sở GTVT Bình Phước cần đề nghị UBND huyện Phước Long và huyện Bù Đăng chỉ đạo kiểm tra thực trạng bến bãi.

Nếu thấy có đủ điều kiện và xét thấy cần thiết phải mở bến đò, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân thì UBND hai xã làm văn bản xin mở bến, trình Sở GTVT để được xem xét giải quyết. Nếu được, UBND xã có thể ký hợp đồng, giao cho tổ chức, cá nhân có năng lực đầu tư xây dựng bến bãi, mua sắm phương tiện bảo đảm an toàn, tổ chức khai thác bến khách ngang sông theo các điều kiện quy định của pháp luật

Anh Ngọc
.
.
.