Nhiều người vẫn “nhờn” với Nghị định 34/CP

Thứ Sáu, 18/06/2010, 16:06
Trong 20 ngày (từ ngày 20/5 đến 10/6), lực lượng CSGT Hà Nội đã xử lý 28.272 trường hợp, phạt thành tiền gần 6.716.300 đồng. Nếu so sánh về số lượng vi phạm so với 20 ngày trước đó thì giảm 0,9%, song số tiền phạt tăng 68,1%. Các con số nêu trên cho thấy số lượng người vi phạm không giảm đáng kể mặc dù mức xử phạt tăng.
>> Sau 1 tuần triển khai nghị định 34/CP: Hiệu qủa rõ rệt

Nghị định 34/2010/NĐ-CP đã đi vào cuộc sống sau gần một tháng có hiệu lực. Quy định về mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm: Quy tắc giao thông đường bộ; phương tiện giao thông; hạ tầng giao thông... đều tăng, nhất là với các khu vực trong nội thành của đô thị đặc biệt. Phạt nặng có làm cho vi phạm về giao thông giảm?; Người thi hành công vụ có gặp khó khăn gì trong khi thực hiện xử phạt? là những vấn đề dư luận đang quan tâm.

Sáng 16/6, vừa trao đổi với tôi, Trung tá Trần Ngọc Ánh, Đội trưởng Đội Tham mưu Tổng hợp, Phòng CSGT, Công an Hà Nội vừa điều hành việc xử lý vụ chống người thi hành công vụ xảy ra lúc 8h tại dốc đường Trần Khánh Dư, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm.

Thông tin ban đầu cho biết, tổ tuần tra kiểm soát thuộc Đội Tuần tra dẫn đoàn của Phòng CSGT đang thi hành nhiệm vụ thì phát hiện một xe ôtô vi phạm Luật Giao thông. Tổ công tác ra hiệu lệnh dừng xe nhưng lái xe không chấp hành mà bỏ chạy. Đến điểm chốt thứ hai, CSGT lại ra hiệu lệnh dừng xe nhưng lái xe vẫn không chấp hành. Lúc đó, đồng chí Đào Đăng Tuấn đang đứng cạnh cửa xe (xe hạ kính) nên vội bám vào cửa và bị lái xe kéo lê khoảng 200m.

Lái xe chỉ dừng lại khi người dân bất bình đuổi theo và ép dừng lại. Rất may, đồng chí Tuấn không bị thương. Tại cơ quan Công an, lái xe khai tên là Nguyễn Văn Chiến, trú tại đường Hồng Hà, phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm. Lúc vi phạm, anh Chiến đang điều khiển xe taxi BKS 30L-2574.

Trước đó, hồi 10h20' ngày 30/5, tổ công tác Đội tuần tra dẫn đoàn và Đội CSGT số 5 do Đại úy Nguyễn Văn Hải, Phó đội trưởng Đội Tuần tra dẫn đoàn làm tổ trưởng, phối hợp xử lý phương tiện vi phạm tốc độ và các vi phạm khác trên đường Nguyễn Văn Linh, quận Long Biên phát hiện xe ôtô tải BKS 89K-5498 vi phạm chạy quá tốc độ quy định 58/50km. Tổ công tác ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra nhưng lái xe không chấp hành mà điều khiển xe đâm thẳng vào đồng chí Phạm Văn Đức rồi bỏ chạy.

Đồng chí Đức bị thương, được đưa vào bệnh viện khâu 3 mũi ở chân. Trong khi đó, tổ công tác đã tiến hành truy đuổi và bắt giữ lái xe BKS 89K-5498 do Nguyễn Bá Hiếu, 22 tuổi, trú tại thị trấn Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên điều khiển...

CSGT Hà Nội đang điều khiển giao thông.

Trung tá Trần Ngọc Ánh cho biết, theo quy định Nghị định 34/2010/NĐ-CP các mức xử phạt đối với người tham gia giao thông vi phạm đều tăng. Cụ thể, trong 20 ngày (từ ngày 20/5 đến 10/6), lực lượng CSGT thành phố đã xử lý 28.272 trường hợp, phạt thành tiền gần 6.716.300 đồng. Nếu so sánh về số lượng vi phạm so với 20 ngày trước đó thì giảm 0,9% trường hợp vi phạm, song số tiền phạt tăng 68,1%. Các con số nêu trên cho thấy số lượng người vi phạm không giảm đáng kể mặc dù mức xử phạt tăng.

Cũng theo đồng chí Ánh, một số hành vi vi phạm của người điều khiển ô tô có chiều hướng giảm. Còn các hành vi vi phạm như: đi sai phần đường, làn đường; đi vào đường cấm, đường ngược chiều; quá tốc độ; không thắt dây an toàn... đều tăng.

Trước đây, tình trạng chống người thi hành công vụ, đặc biệt là với CSGT khiến người ta lo lắng. Việc các chiến sỹ CSGT phải nhảy lên nắp capô, bám cần gạt nước hoặc bị lái xe kéo rê đi trên đường là biểu hiện cho thấy sự coi thường pháp luật của một số người. Trong tình cảnh lái xe đâm thẳng vào mình, một số chiến sỹ CSGT phải nhảy lên, bám nóc xe thể hiện ý chí bắt giữ người vi phạm đến cùng.

Về vấn đề này, đồng chí Ánh cho rằng, sau những sự cố như trên, cán bộ chiến sỹ CSGT đã được tập huấn, trang bị thêm công cụ hỗ trợ cũng như cách phòng, chống hành vi chống người thi hành công vụ. Trong một số trường hợp, anh em có thể lập biên bản vắng mặt, ghi lại biển kiểm soát, màu xe, lời khai nhân chứng... để xử lý. Tuy nhiên, với những tình huống nghiêm trọng, CSGT sẽ tiến hành truy đuổi đến cùng. Việc này thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật cũng như quyền uy mà Nhà nước đã giao cho các chiến sỹ Cảnh sát làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự giao thông.

Để hạn chế tình trạng chống người thi hành công vụ, ngoài ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, bản thân chiến sỹ CSGT cũng cần có tác phong, ứng xử đúng chuẩn mực... Sự chuẩn mực của người thi hành công vụ và người tham gia giao thông có ý thức pháp luật cao là cơ sở để hạn chế tình trạng chống người thi hành công vụ.

Các tỉnh Miền Trung: Ý thức người dân có chuyển biến

Triển khai thực hiện Nghị định 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; từ ngày 20/5 cho đến nay, các lực lượng chức năng trên địa bàn các tỉnh miền Trung đã đồng loạt ra quân tuyên truyền, tuần tra kiểm soát và xử phạt nghiêm khắc những hành vi vi phạm. Qua hơn 15 ngày đầu cho thấy, ý thức người dân chấp hành Luật GTĐB đã dần chuyển biến. Tuy nhiên, cùng với đó cũng lộ rõ nhiều bất cập, khó khăn.

Theo ghi nhận nhiều ý kiến của lực lượng CSGT trên địa bàn thì cái chính trong mấy ngày đầu triển khai thực hiện NĐ 34/CP đi đôi với xử phạt nghiêm khắc thì lực lượng chức năng kết hợp với tuyên truyền, nhắc nhở đến người tham gia giao thông biết được mức xử phạt mới nặng hơn, dần dần họ sẽ hiểu và trở thành thói quen tốt khi tham gia giao thông.

Theo Thượng tá Nguyễn Đến, Trưởng phòng CSGT TP Đà Nẵng thì các lỗi vi phạm chủ yếu như: Vượt đèn đỏ, dừng đỗ sai quy định, không đội MBH, đi không đúng phần đường... Qua đó, từ ngày 20/5 đến ngày 6/6, CSGT TP Đà Nẵng đã tổ chức 551 ca tuần tra với 1.638 cán bộ, chiến sỹ tham gia. Qua tuần tra kiểm soát đã phát hiện lập biên bản 2.464 trường hợp vi phạm. Xử phạt 2.234 trường hợp; tạm giữ 57 xe môtô; 1 xe ôtô; tước GPLX 34 trường hợp; phạt tiền trên 680 triệu đồng.

Theo Thượng tá Nguyễn Đến thì đối với phương tiện xe môtô, xe gắn máy vi phạm, việc bỏ biện pháp cưỡng chế, tạm giữ phương tiện sẽ giảm tính răn đe, nếu không có biện pháp mạnh sẽ khiến các đối tượng "nhờn luật", cho dù mức phạt có tăng cao. Hay như việc xác định độ tuổi của trẻ em từ 6 tuổi trở lên rất khó khăn. Việc xử phạt người đi bộ vi phạm còn vướng mắc vì đa số họ không có giấy tờ tùy thân hoặc họ là những người dân lao động nghèo, không có đủ tiền để nộp phạt...

Trần Ánh

Cao Hồng
.
.
.