Nhiều người lao động vẫn sống dưới mức tối thiểu

Thứ Sáu, 03/07/2015, 06:53
Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tính chung 5 tháng đầu năm 2015, cả nước có trên 30 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và hơn 7.400 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, đã góp phần giải quyết việc làm cho trên 500 nghìn lao động.

Tuy vậy, số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể, tạm ngừng, chấm dứt hoạt động vẫn ở mức cao với trên 3.800 doanh nghiệp phá sản, trên 22.700 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động làm ảnh hưởng rất lớn tới việc làm, thu nhập và đời sống của người lao động.

Đã có trên 180 nghìn lao động đăng ký thất nghiệp. Bên cạnh đó, có một nghịch lý cũng được Tổng Liên đoàn Lao động nhắc tới đó là việc bước sang năm 2015, nền kinh tế có nhiều dấu hiệu khởi sắc nhưng tình hình tranh chấp lao động dẫn đến ngừng việc tập thể và đình công có xu hướng tăng, diễn biến phức tạp.

Con số hơn 500 nghìn lao động được tạo công ăn việc làm trong 5 tháng đầu năm, nhưng có đến 180 nghìn lao động đăng ký thất nghiệp đã phản ánh những khó khăn người lao động đang phải đối mặt hiện nay về vấn đề việc làm. Theo báo cáo của Ban Chính sách kinh tế xã hội và thi đua khen thưởng (Tổng LĐLĐ Việt Nam) thì tính đến ngày 20/5/ 2015 số lao động đăng ký thất nghiệp đã lên tới 182.397 lao động; có 160.457 lao động đã được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó hưởng trợ cấp 3 tháng có 89.695 lao động, 6 tháng có hơn 70 nghìn lao động; trợ cấp một lần có gần 7 nghìn lao động. Tổng số tiền thực thi chính sách là hơn 1.500 tỷ đồng.

Một khó khăn nữa được đặt ra với người lao động là tiền lương, thu nhập của người lao động được điều chỉnh theo quy định của Chính phủ, bình quân tăng 14,75% so với năm 2014 nhưng mức lương tối thiểu vẫn rất thấp so với nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. 

Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, có 32,4% công nhân, lao động có thu nhập từ 3 đến 4 triệu đồng/người/tháng; 26,7% có thu nhập từ 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng, nhưng cũng có tới xấp xỉ 20% có thu nhập dưới 3 triệu đồng/người/tháng. 

Thậm chí nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ khó khăn trong sản xuất kinh doanh chỉ trả tương đương với mức lương tối thiểu vùng hoặc điều chỉnh lương theo quy định nhưng lại cắt giảm một số khoản phụ cấp của người lao động.

Một vấn đề đặt ra hiện nay là việc xử lý tình trạng doanh nghiệp trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Tổng số nợ BHXH hiện là hơn 5.500 tỷ đồng.

Phan Hoạt
.
.
.