Nhiêu khê đồng phục học sinh

Thứ Hai, 08/09/2008, 14:01
Một cháu học lớp 12 kể chuyện, cô giáo yêu cầu mỗi em HS mua thêm 1 cái áo đồng phục giá 75.000 đồng. Cả lớp phản đối vì 1 tuần các em chỉ phải mặc 2 buổi đồng phục vào thứ 2 và thứ 7, đồng phục cũ của các em vẫn mặc tốt nên mua thêm là không cần thiết. Thế nhưng, cô giáo chủ nhiệm vẫn khăng khăng giữ quan điểm và bảo "ai thắc mắc lên gặp hiệu trưởng".

Ngày 5/9, tôi đến dự khai giảng tại một trường tiểu học có tiếng tại Hà Nội, câu chuyện bên lề buổi khai giảng của các bậc phụ huynh chỉ xoay quanh các khoản thu đầu năm và chuyện đồng phục.

Chị T.K.A. kể, con chị năm nay học lớp 1, nhưng buổi đến tập trung ngày đầu tiên cháu đã nhận được "trát" của cô chủ nhiệm: Mỗi HS phải mua 4 bộ đồng phục, mỗi bộ 80.000 đồng, vị chi hết hơn 300.000 đồng.

Chị A. chỉ là công nhân một công ty may, chồng chị làm tiếp thị cho một hãng bảo hiểm, thu nhập cả gia đình chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng nên số tiền để mua 4 bộ đồng phục quả là quá khó khăn với vợ chồng chị.

Chị A. đề nghị gặp giáo viên chủ nhiệm và nhất quyết chỉ xin mua 2 bộ nhưng không được, cô chủ nhiệm bảo đó là lệnh của hiệu trưởng. Được biết là quá lãng phí, chị A. rất ngạc nhiên khi nhiều phụ huynh cũng bức xúc như chị nhưng lại "ngại" va chạm, sợ con mình bị cô giáo "thành kiến", nên dù trong bụng không vui, họ vẫn lẳng lặng bỏ tiền ra mua đồng phục cho con.

Hôm qua, một cháu học lớp 12 kể chuyện, cô giáo yêu cầu mỗi em HS mua thêm 1 cái áo đồng phục giá 75.000 đồng. Cả lớp phản đối vì 1 tuần các em chỉ phải mặc 2 buổi đồng phục vào thứ 2 và thứ 7, đồng phục cũ của các em vẫn mặc tốt nên mua thêm là không cần thiết. Thế nhưng, cô giáo chủ nhiệm vẫn khăng khăng giữ quan điểm và bảo "ai thắc mắc lên gặp hiệu trưởng".

Còn đứa cháu học lớp 5 thì kể: Cô giáo bắt HS trong lớp không những phải mua quần áo đồng phục mà năm nay, để tạo phong trào dạy tốt học tốt hơn, nhà trường yêu cầu các em mua cả cặp sách đồng phục (giá 75.000 đồng/chiếc). Cặp đồng phục tưởng thế nào, hoá ra chỉ là chiếc cặp "siêu nhân" có in thêm chữ "Trường tiểu học…". Mà chất lượng thì kém vô cùng. Có cháu vừa mang cặp đi khai giảng, khoá đã bung ra, đường chỉ may ở đáy cặp đứt, hở toang hoác.

Nhiều trường cứ cứng nhắc bắt in logo trường ở trên vai áo nhưng lại kèm tên lớp, thành ra đáng lẽ mỗi HS có thể mặc bộ đồng phục được nhiều năm thì năm nay đành phải mua mới, vì đã lên một lớp, logo cũng khác.

Chị H.T.L, công tác tại một công ty thương mại ở quận Ba Đình đưa cho tôi xem 3 bộ đồng phục của con chị, bộ thứ nhất logo trên cầu vai, bộ thứ 2 logo trên nắp túi áo và bộ thứ 3 logo lại in trên tay áo. Mỗi năm một kiểu, thật hết chịu nổi…

Những bức xúc của phụ huynh và HS xung quanh chuyện đồng phục không phải không có lý. Công bằng mà nói, vào một trường học nhìn các em mặc đồng phục, nhất là trong giờ chào cờ, bạn sẽ thấy lòng rộn ràng hơn và cảm nhận "chất" sư phạm ở một môi trường học đường thân thiện, lành mạnh, môi trường đó thế nào cũng giúp các em học tốt hơn nhiều.

Khi mới xuất hiện trở lại phong trào mặc đồng phục, nhiều em HS rất phấn chấn, mong đợi từng ngày chào cờ để được diện đồng phục, nhất là các nữ sinh ở trường học phía Nam được diện những bộ áo dài thướt tha. Thế rồi, chỉ sau một vài năm, những chuyện "nhiêu khê" quanh bộ đồng phục xuất hiện đã làm mất đi sự thiêng liêng, trân trọng đối với khái niệm đồng phục.

Có trường học ở phía Nam yêu cầu HS nữ cả tuần mặc áo dài, ngày khô ráo thì không sao, có ngày mưa, các em đến trường mà gấu áo, gấu quần dính đầy bùn đất, đó là chưa kể, nhiều khi "đồng phục áo dài" làm các em rất bất tiện trong học tập.

Rồi thay vì mỗi em một số đo, có trường đã may tùm lum, mỗi lớp chung một số đo, có em mặc bộ thì rộng thùng thình, có em lại không xỏ được chân vào, thế là đổi chác cứ um cả lên. Đó là chưa kể chất lượng vải đồng phục. Cấp tiểu học, HS còn hiếu động nhưng đồng phục được may bằng vải nilon không thấm mồ hôi. Nhiều em chạy chơi một lúc mồ hôi túa ra không thoát được ra ngoài, thấm ngược vào cơ thể nên phát ốm…

Lại có trường quy định, trời lạnh dưới 15 độ C, HS mới không phải mặc đồng phục, còn từ 16 - 20 độ C, nếu muốn mặc áo ấm thì cũng phải mặc áo bu - dông đồng phục ra ngoài, trên thực tế, quy định này rất không phù hợp. Trời lạnh như vậy, các em chỉ có vài cái áo mỏng, liệu có đủ sức chống rét mà học tập.

Thầy T, hiệu trưởng một trường THPT ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội tâm sự, trường thầy toàn con em nông dân nghèo nên nhà trường rất "ngại" yêu cầu HS mua nhiều đồng phục, do đó mỗi em, tuỳ hoàn cảnh có thể mua nhiều, mua ít. Theo thầy T, cả 3 năm cấp III, HS của thầy chỉ cần mua 2 bộ đồng phục là có thể mặc suốt 3 năm, năm lớp 12 có thể mua thêm 1 chiếc áo là được.

Thầy T. cho hay, hiệu trưởng không nên ép HS mua nhiều đồng phục làm gì, rất lãng phí và nguy hại hơn, nó sẽ gây hiểu lầm và bức xúc trong xã hội. Rõ ràng, đằng sau câu chuyện đồng phục có trách nhiệm của thầy hiệu trưởng. Rất nhiều phụ huynh đã hoài nghi cho rằng, nếu không có lợi nhuận kinh tế ở đây, liệu con em họ có bị ép mua quá nhiều đồng phục?

Thiết nghĩ, đã đến lúc, các thầy cô giáo chủ nhiệm, thầy hiệu trưởng nên có những động thái ứng xử hợp lí với bộ đồng phục, bởi khi yêu cầu HS mặc đồng phục thì đồng nghĩa với việc, phụ huynh, HS phải đồng thuận, đồng lòng

Thu Phương
.
.
.