Nguy cơ dịch cúm H7N9 vì gia cầm nhập lậu:

Nhiều kẽ hở cần khắc phục

Thứ Bảy, 06/04/2013, 11:46
Số lượng các ca nhiễm virus H7N9 gia tăng bên phía Trung Quốc nhưng tình trạng nhập lậu gia cầm-nguy cơ mầm bệnh vào nội địa nước ta không hề giảm. Đã có nhiều giải pháp hay trong công tác phòng, chống buôn bán gia cầm nhập lậu nhưng cũng còn nhiều kẽ hở trong công tác này để các đối tượng buôn lậu gia cầm lợi dụng đưa hàng vào trong nước.
>> Nguy cơ dịch cúm H7N9 vì gia cầm nhập lậu

Dịch bệnh cận kề, buôn lậu gia cầm vẫn “nóng”

Hiện các chuyên gia y tế Trung Quốc đã phát hiện virus H7N9 trong chim bồ câu thì chim bồ câu, gà thải loại cũng như nhiều loại thực phẩm bẩn vẫn tiếp tục tuồn vào nước ta. Tại tỉnh Bắc Giang, chỉ riêng lực lượng Công an tập trung phát hiện, đấu tranh từ tháng 11/2012 đến 4/4/2013 đã bắt giữ 14 vụ vận chuyển gia cầm giống, gia cầm thải loại, chim bồ câu và sản phẩm động vật nhập lậu từ Trung Quốc, sau đó đưa về Hà Nội và các tỉnh khác tiêu thụ.

Đáng chú ý, có tới 4 vụ vận chuyển chim bồ câu - loại đã được phát hiện có virus H7N9 số lượng 1.040 con và 213kg chim bồ câu đông lạnh. Điển hình là vụ cán bộ Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Bắc Giang thu giữ 900 con chim bồ câu nhập từ Trung Quốc tại địa bàn xã Quang Thịnh, huyện Lạng Giang; tiếp tục phát hiện, bắt giữ 6 vụ vận chuyển gia cầm giống nhập lậu với số lượng 20.300 con và một vụ  600kg gia cầm thải loại. Ngoài ra, các trinh sát còn bắt giữ gần một tấn sản phẩm động vật như nầm lợn, lòng lợn không được phép nhập khẩu vào nước ta tiêu thụ.

Tại Lạng Sơn, không kể hơn 500 vụ trong phát hiện, xử lý trong năm 2012 với hàng chục ngàn con gia cầm nhập lậu, riêng quý I-2013 các lực lượng chức năng đã kiểm tra bắt giữ, xử lý 276 vụ, tiêu hủy 47,599kg gà thịt, 136.274 con giống gia cầm, 1.934 kg bồ câu… Điều đó cho thấy, khối lượng gia cầm thải loại, chim bồ câu và thịt động vật bẩn nhập lậu vào nước ta không hề giảm, có chăng chỉ giảm vào thời điểm nào đó và vì thế nguy cơ mang theo mầm bệnh H7N9 là rất cao nếu không có biện pháp quyết liệt phòng, chống.

Tiêu hủy gia cầm nhập lậu tại tỉnh Lạng Sơn.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, Thượng úy Nguyễn Mạnh Thắng, Đội phó Đội 4, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Bắc Giang cho biết: Không kể khó khăn do địa hình giao thông phức tạp hay thủ đoạn ngày càng gian manh của đối tượng buôn lậu, quy định xử phạt vi phạm hành chính quá thấp cũng là rào cản trong đấu tranh chống gia cầm nhập lậu. Trường hợp đối tượng khai nhận có hành vi nhập lậu gia cầm thì áp dụng xử phạt theo định giá trị hàng hóa quy định trong Nghị định 06, còn nếu không thực hiện kiểm dịch thì xử phạt theo Nghị định 04 với mức phạt chỉ 1,5 triệu đồng là quá thấp, không đủ sức răn đe. Ngay việc tiêu hủy tang vật sau khi đã bắt giữ gia cầm nhập lậu cũng gặp khó khăn, vì không có kinh phí.

Khắc phục cần chủ động nguồn giống chăn nuôi trong nước

Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ đã có Đề án 2088/QĐ-TTg về phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép, công tác phát hiện xử lý vi phạm đã có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, qua khảo sát trực tiếp của phóng viên Báo CAND trên tuyến chống buôn lậu loại hàng hóa này cho thấy còn nhiều kẽ hở để các đối tượng buôn lậu lợi dụng.

Đại tá Nguyễn Đình Tân, Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết: Trước thông tin dịch bệnh H7N9 làm chết 5 người bên Trung Quốc có nguồn gốc từ gia cầm, trong khi gia cầm vẫn tiếp tục thẩm lậu vào nội địa nước ta, điều đó cho thấy công tác thông tin thông báo tình hình dịch bệnh nhất là tới các lực lượng tuyến trên của ta còn chậm. Chúng tôi nhận thấy cần nhanh chóng có sự phối hợp giữa Công an, ngành Y tế, Quản lý thị trường…để chủ động phòng ngừa dịch bệnh gắn liền với công tác phòng chống buôn lậu gia cầm.

Nếu chỉ làm tốt công tác chống buôn lậu ở tuyến trên là chưa đủ, vấn đề là chống buôn lậu gia cầm phải làm quyết liệt ở tất cả các tuyến, trong đó coi trọng công tác truy quét gia cầm nhập lậu ở tuyến dưới cũng hết sức quan trọng. Một khi cơ quan chức năng truy vấn nguồn gốc gia cầm tại các điểm tiêu thụ trong nội địa, thì sẽ làm rõ đâu là gia cầm nhập lậu, đâu là sản phẩm sản xuất trong nước. Từ đó, từng bước hỗ trợ cho người dân vững tin chăn nuôi sản xuất gia cầm phục vụ tiêu dùng.

Thượng úy Nguyễn Mạnh Thắng, Đội phó Đội 4, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Bắc Giang nêu vướng mắc: Việc phân công trách nhiệm cho các ngành như thời gian vừa qua tạo điều kiện cho các ngành chủ động đấu tranh phòng, chống buôn lậu gia cầm. Tuy nhiên, sự phối hợp giữa các ngành lại thiếu chặt chẽ, thậm chí có hiện tượng “dĩ ngành vi bản” nghĩa là các ngành chỉ coi trọng nhiệm vụ của mình được giao trong khi đối tượng buôn lậu thì luôn thay đổi phương thức hoạt động và lợi dụng kẽ hở để hoạt động. Đơn cử như lực lượng Cảnh sát môi trường không có thẩm quyền tạm giữ phương tiện, tang vật và người vi phạm nên rất khó khăn cho quá trình xác minh và xử lý vụ việc; hay khi lực lượng Công an bắt được vận chuyển gia cầm nhập lậu, thì việc kiểm định, tiêu hủy… lại phụ thuộc vào lực lượng khác, rất mất thời gian và dễ lọt hành vi vi phạm…

Đại tá Nông Văn Định, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn trực tiếp chỉ đạo nhiều vụ phát hiện, bắt giữ buôn lậu gia cầm nêu ý kiến: Một mặt chúng ta tiếp tục đấu tranh với các hành vi buôn lậu gia cầm gắn với công tác phòng ngừa dịch bệnh nói chung, virus H7N9 đang nóng bỏng nói riêng. Nhưng muốn làm triệt để vấn đề này, thì cần hiểu rõ nguyên nhân sâu xa của tình trạng buôn lậu gia cầm.

Đại tá Định cho biết, qua điều tra mỗi kg gà thải loại bên Trung Quốc bán giá 15 đến 20 ngàn, nếu buôn bán trót lọt về đến Hà Nội lãi 30 đến 40 ngàn. Vì siêu lợi nhuận mà các đối tượng không từ bỏ thủ đoạn nào nhằm đạt được mục đích nói trên. Rút kinh nghiệm từ chống buôn lậu bia, bánh kẹo trước đây, hai mặt hàng này hiện “bói” cũng không ai đi buôn lậu vì đơn giản trong nước chúng ta đã sản xuất đáp ứng đủ cho người tiêu dùng, vừa chất lượng và giá cả phải chăng. Giải pháp căn cơ giảm tình trạng buôn lậu gia cầm cũng vậy, điều quan trọng là ngành Nông nghiệp phải chủ động đủ nguồn giống gia cầm phục vụ người dân chăn nuôi. Cùng với đó, thúc đẩy chăn nuôi gia cầm trong nước trong điều kiện lương thực dồi dào chắc chắn đủ nguồn cung ra thị trường, giá cả chấp nhận được, hàng hóa sạch thì chắc chắn người dân sẽ quay lưng với già thải loại, chim đông lạnh vốn không ngon lại dễ lây truyền bệnh.

Bộ Y tế chuẩn bị ứng phó trước diễn biến phức tạp của cúm A/H7N9

Chiều 5/4, TS. Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm A/H7N9, Bộ Y tế đã tổ chức họp BCĐ phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi, về việc tăng cường phòng, chống và các giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Bộ Y tế cũng có công văn khẩn đề nghị các tỉnh triển khai các biện pháp tăng cường phòng, chống bệnh cúm A/H7N9 và hoàn thành kế hoạch phòng, chống bệnh cúm A/H7N9 tại Việt Nam. Để ngăn chặn hữu hiệu dịch cúm A/H7N9, Bộ Y tế đã thành lập các đoàn kiểm tra, gồm lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các Cục, Vụ về các tỉnh biên giới, kiểm tra công tác phòng, chống dịch. Cục Y tế dự phòng đã gửi công điện khẩn đến Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh có hoạt động kiểm dịch, tăng cường phòng, chống lây nhiễm cúm A/H7N9 vào Việt Nam. 

Sở Y tế Hà Nội triển khai kế hoạch phòng chống dịch cúm A/H7N9, trong đó chú trọng các biện pháp giám sát, phát hiện sớm những ca bệnh đầu tiên; các bệnh viện (BV) trên địa bàn thành lập các đội điều trị, cấp cứu cơ động để sẵn sàng tăng cường cho tuyến dưới; chuẩn bị giường, phòng cách ly, thuốc, nhân lực để điều trị cấp cứu cho các bệnh nhân nhiễm cúm A/H7N9. Các BV cũng tăng cường khám, sàng lọc phát hiện sớm ca bệnh viêm phổi nghi nhiễm cúm A/H7N9 để cách ly và điều trị, hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong.

Thanh Hằng

Thanh Phong - Việt Hà - Trần Hằng
.
.
.