Nhiều hiểm họa trên những chuyến đò ngang

Thứ Tư, 23/02/2011, 09:37
Vượt hàng trăm kilômét đường rừng, chúng tôi tìm về bản Phá, bản Loọng, bản Lót, bản Căm của xã Tam Văn, huyện miền núi Lang Chánh (Thanh Hóa) để chứng kiến cảnh học sinh nơi đây đến trường bằng bè luồng. Để vượt qua con sông Âm nước chảy xiết, người dân ở đây dùng hàng chục cây luồng kết nối thành một chiếc bè thô sơ rồi chở học sinh đi học, gây nguy hiểm đến tính mạng người dân mỗi khi mùa mưa lũ về...

Thầy giáo Nguyễn Văn Mạnh, Hiệu phó Trường THCS Tam Văn cho biết: Phần lớn số học sinh ở bên kia sông Âm đến trường bằng bè luồng đều thuộc diện gia đình khó khăn. Thế nhưng, khi các em qua sông đi học đều bị chủ bè luồng thu tiền như những đối tượng khác với mức từ 2.000 đến 2.500 đồng/học sinh/lượt (tùy theo từng hôm nước sông lớn, hay nhỏ).

Đặc biệt, những hôm mưa lớn kéo dài, nước sông dâng cao, chảy xiết thì toàn bộ số học sinh bên kia sông Âm phải nghỉ học, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của nhà trường. Đặc biệt, tình trạng các em học sinh vượt sông Âm đến trường, nhất là vào mùa mưa lũ rất nguy hiểm. Sông Âm, đoạn chảy qua địa bàn xã Tam Văn hầu như năm nào cũng có tai nạn sông nước xảy ra, nhiều vụ dẫn đến chết đuối.

Gần đây nhất là cuối tháng 8/2010, bà Lương Thị Chiên (38 tuổi, trú tại bản Phá) bị lũ quét từ thượng nguồn đổ về cuốn trôi. Hiện nay, gần 100 em học sinh ở các bản nêu trên hàng ngày phải dậy sớm để qua sông đến trường cho kịp giờ học, bởi mỗi lần qua sông bằng bè luồng chỉ khoảng hơn 10 em, trong khi đó các em không có áo phao. Người điều khiển bè cũng không có chứng chỉ, bằng lái hành nghề.

"Từ lâu, người dân và học sinh nơi đây mong ước có một cây cầu bắc qua sông Âm. Chính quyền cũng nhiều lần kiến nghị lên cấp trên nhưng đến nay vẫn biệt vô âm tín", thầy Mạnh nói.

Học sinh Trường THCS Tam Văn, huyện miền núi Lang Chánh (Thanh Hóa) bằng ngày phải đi bè luồng đến trường.

Theo tìm hiểu được biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có rất nhiều bến đò ngang hoạt động chở hành khách qua sông nhưng không đảm bảo các quy định của Nhà nước. Đây là những hiểm họa khôn lường đối với người dân, học sinh các địa phương khi hằng ngày phải qua những chuyến đò nguy hiểm này. Theo kết quả kiểm tra của Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh hiện có 127 bến khách, 90 phương tiện, 93 người điều khiển phương tiện chở khách ngang sông.

Trong đó, có 33 bến đã được cơ quan chức năng cấp phép mở bến, 51 phương tiện đã đăng ký an toàn kỹ thuật, 60 phương tiện đã đăng ký hành chính, 65 người điều khiển có bằng và chứng chỉ chuyên môn. Cụ thể, tại huyện Quan Hóa có 12/12 bến đều vi phạm không có giấy phép mở bến, 6/6 người điều khiển không có bằng, chứng chỉ chuyên môn.

Huyện Bá Thước có 1 phương tiện đã hết hạn đăng kiểm an toàn kỹ thuật. Huyện Cẩm Thuỷ có 12/14 bến vi phạm không có giấy phép mở bến, 3/7 bến vi phạm không đăng ký hành chính, 4/7 phương tiện không đăng kiểm an toàn kỹ thuật, 4/7 người điều khiển phương tiện không có bằng, chứng chỉ hành nghề. Huyện Ngọc Lặc có 10/10 bến đều vi phạm không có giấy phép mở bến…

Ngoài các huyện kể trên, các địa phương khác như Yên Định, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Thường Xuân, Nông Cống, Tĩnh Gia, Như Thanh... cũng còn tồn tại nhiều bến đò, người điều khiển vi phạm các lỗi tương tự như ở các địa phương nêu trên. Đoàn Thanh tra đã tiến hành lập biên bản yêu cầu đình chỉ đối với nhiều bến, phương tiện, người điều khiển phương tiện chở khách ngang sông không đúng với quy định của pháp luật, đồng thời giao cho chính quyền và địa phương quản lý.

Trao đổi với chúng tôi, ông Mai Đức Ban, chuyên viên Phòng Quản lý Vận tải Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa cho biết: Qua kiểm tra tại các địa phương có bến đò ngang sông, nhiều địa phương đã có chuyển biến tích cực, các tai nạn do hoạt động bến khách đã được phòng ngừa và ngăn chặn có hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương chưa thực sự quan tâm thực hiện công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thuỷ nội địa, nhất là khâu kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện an toàn đối với hoạt động chở khách ngang sông.

Tình trạng bến đò ngang sông chưa được cấp phép còn nhiều, đường lên xuống không đảm bảo, không có nhà chờ, nội quy an toàn, phương tiện chở khách không đảm bảo an toàn, người điều khiển không có chứng chỉ chuyên môn nhưng chính quyền địa phương vẫn để cho hoạt động...

Để các bến đò trên địa bàn hoạt động tốt, đảm bảo an toàn cho người dân, thiết nghĩ tỉnh Thanh Hóa cần chỉ đạo các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra an toàn các bến, phương tiện chở khách ngang sông, có kế hoạch đầu tư đường dốc lên xuống các bến đò, tập trung vào các bến, phương tiện, những nơi trọng điểm có đông người qua lại.

Đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm; tổ chức mở các lớp đào tạo cấp chứng chỉ chuyên môn cho người điều khiển phương tiện, đặc biệt là mở các lớp đào tạo phù hợp với trình độ văn hóa ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn, tạo điều kiện cho người dân chấp hành tốt các quy định của pháp luật

Thái Thanh
.
.
.