Nhiều hệ lụy từ lựa chọn giới tính thai nhi

Thứ Năm, 13/06/2013, 08:38
Mất cân bằng giới tính khi sinh đã lên tới mức báo động. Cá biệt ở một số tỉnh, thành, mất cân bằng giới tính đã lên tới mức 130 bé trai trên 100 bé gái (chênh lệch lớn với tỷ số chuẩn là 103 - 105 bé trai/100 bé gái). Đây được coi là một trong những thách thức lớn trong thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam, với những cảnh báo sẽ gây nên những hệ lụy nghiêm trọng cho các gia đình và sự ổn định của xã hội.
>> Mất cân bằng giới tính và những hệ luỵ xã hội

Bàn về các giải pháp giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh từ góc độ giới là chủ đề của hội thảo do Bộ LĐ-TB&XH và Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam diễn ra trong ngày 12/6, tại Hà Nội, với sự tham gia của đại diện các Bộ: LĐ-TB&XH, Bộ Y tế, các chuyên gia trong nước và quốc tế các tổ chức Liên hợp quốc và ĐSQ một số nước, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế ở Việt Nam...

Tình trạng thừa nam, thiếu nữ đang diễn ra trầm trọng và trở thành vấn đề nóng bỏng ở các tỉnh miền Trung. Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh cho biết, số phụ nữ nạo phá thai tuy có giảm, nhưng tỷ lệ phụ nữ nạo phá thai so với phụ nữ sinh đẻ còn cao, nguy cơ phụ nữ nạo phá thai để lựa chọn giới tính ngày càng tăng.

Theo thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, tỷ số giới tính khi sinh đạt từ 135 bé trai (năm 2000) và 120 (năm 2007) trên 100 bé gái. Năm 2012, tỷ số này đang biến động ở mức 113 - 115/100 bé gái. Trong đó một số huyện đã vượt ngưỡng cho phép như Nghi Xuân 122/100; Hương Sơn 120/100; Lộc Hà 119/100; Đức Thọ 118/100…

Theo điều tra của Viện Nghiên cứu và phát triển xã hội, thì tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, diễn ra khá nặng nề ở tỉnh Quảng Bình, tỷ lệ nam-nữ ở tỉnh này lên tới 130/100. Qua nghiên cứu tại Hưng Yên và Cần Thơ, cũng cho thấy đã có trường hợp vì quá áp lực phải có con trai nối dõi, mà người vợ đã phải đi tìm người đẻ con trai cho chồng.   

Cân bằng giới tính là mục tiêu cần hướng tới. Ảnh minh họa: Duy Hiển.

Khi tỷ lệ mất cân bằng giới tính ngày càng có nguy cơ cao, nhiều người cho rằng, con gái đang trở nên “có giá” hơn. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia thì sự thực lại không phải vậy. Nữ giới càng đối diện với nhiều nguy cơ hơn. Thạc sĩ Vũ Ngọc Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ LĐ-TB&XH cũng đưa ra hệ lụy, khi nghiên cứu tình trạng này ở nhiều nước. Các hệ lụy nghiêm trọng tiềm ẩn có nguy cơ khắc sâu thêm vấn đề bất bình đẳng giới và có thể biến đổi xã hội theo chiều hướng xấu, như thiếu phụ nữ sẽ làm gia tăng áp lực buộc họ phải kết hôn sớm hơn và nam giới khó khăn hơn trong việc tìm kiếm bạn đời; có thể gia tăng bất bình đẳng giới trong tiếp cận việc làm; nhu cầu mua bán tình dục, xâm hại tình dục tăng và các mạng lưới buôn bán phụ nữ có thể mở rộng hơn do sự mất cân bằng này. Một số trường hợp bạo lực trên cơ sở giới và mua bán người đã được ghi nhận tại Việt Nam cho thấy những nguy cơ mà phụ nữ và trẻ em gái dễ bị tổn thương phải đối mặt.

Nhiều ý kiến và bài học kinh nghiệm của các nước như Hàn Quốc, Ấn Độ đã thực hiện thành công trong việc kìm hãm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, đã được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo. Bà Trần Thị Vân, Phụ trách văn phòng UNFPA tại Việt Nam đã đưa ra bài học thành công của Hàn Quốc, trong đó nhấn mạnh đến giải pháp mà Chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện là tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia vào các vị trí, công việc quan trọng, đặc biệt là tham gia vào chính trị; tập trung xây dựng các hình mẫu điển hình phụ nữ kinh doanh giỏi…; phạt nặng từ 20 đến 30.000 USD khi phát hiện cơ sở nào cung cấp các dịch vụ lựa chọn giới tính thai nhi. Bà Trần Thị Vân cũng cho rằng, Việt Nam cần tập trung thúc đẩy hơn nữa vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội, nâng cao địa vị của họ và nhận thức về quyền của họ

Thu Uyên
.
.
.