Nhiều giải pháp giảm tải cho học sinh

Thứ Hai, 05/10/2009, 13:40
Bộ GD&ĐT đã thực hiện một số giải pháp sau: Rà soát, chỉnh sửa sách giáo khoa; những chi tiết chỉnh sửa (bằng việc đính chính) được thông báo về các địa phương, kịp thời phục vụ năm học 2009-2010; điều chỉnh một số nội dung của chương trình, sách giáo khoa theo hướng giảm tải một số môn học, tích hợp một số nội dung của các môn học và hoạt động giáo dục để giảm khối lượng kiến thức và thời gian dạy học.

Ngày 2/10, Bộ GD&ĐT đã báo cáo kết quả thực hiện 121 ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ V, Quốc hội khóa XII (theo yêu cầu của Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) để tổng hợp báo cáo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ VI, Quốc hội khoá XII.

Trong rất nhiều nhóm vấn đề, các cử tri đặc biệt quan tâm tới chương trình và SGK giáo dục trung học và cho rằng, Bộ GD&ĐT vẫn chưa khắc phục được những vấn đề tồn tại như: Chương trình học quá tải, nặng về lý thuyết, dạy thay đổi thường xuyên, từ 32 tuần lên 35 tuần nay lại tăng lên 37 tuần…

Về phía Bộ GD&ĐT thẳng thắn thừa nhận, chương trình của hầu hết các môn học đều giảm bớt tính lí thuyết hàn lâm. Tuy nhiên, trong sách giáo khoa còn có một số bài dài và khó, chưa phù hợp với học sinh ở các vùng miền khác nhau. Một số thuật ngữ sử dụng còn trừu tượng, khó hiểu, chưa nhất quán trong một lớp, giữa các lớp và giữa các cấp học; còn có sự trùng lặp nội dung ở một số môn học...

Tiếp thu các ý kiến góp ý, Bộ GD&ĐT đã thực hiện một số giải pháp sau: Rà soát, chỉnh sửa sách giáo khoa; những chi tiết chỉnh sửa (bằng việc đính chính) được thông báo về các địa phương, kịp thời phục vụ năm học 2009-2010; điều chỉnh một số nội dung của chương trình, sách giáo khoa theo hướng giảm tải một số môn học, tích hợp một số nội dung của các môn học và hoạt động giáo dục để giảm khối lượng kiến thức và thời gian dạy học.

Về sự thay đổi kế hoạch giáo dục từ 33 tuần đến 35 tuần và 37 tuần, Bộ cho biết, tháng 5/2008, qua đợt đánh giá chương trình sách giáo khoa phổ thông cho thấy, kế hoạch giáo dục 35 tuần/năm học là không phù hợp, vì theo đó các trường phải dạy 31-33 tiết/tuần, có những buổi phải học 6 tiết hoặc phải học cả sáng, cả chiều. Điều này không chỉ gây khó khăn cho học sinh mà cho cả nhà trường, vì một số nơi thiếu phòng học và giáo viên không có thời gian sinh hoạt chuyên môn, tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp.

Sau khi tham khảo ý kiến của các Sở GD&ĐT, Bộ đã chủ trương điều chỉnh thời gian thực hiện kế hoạch giáo dục cấp THCS và THPT là 37 tuần, vẫn giữ nguyên các nội dung của chương trình, sách giáo khoa. Hiện nay, các Sở đều nhất trí tiếp tục duy trì kế hoạch giáo dục 37 tuần.

Cử tri tỉnh Điện Biên cho rằng: Bộ cho áp dụng bộ sách giáo khoa lớp 1 chung cho vùng cao là không phù hợp với trình độ học sinh dân tộc. Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho hay, Luật Giáo dục 2005 quy định: Sách giáo khoa được biên soạn và sử dụng thống nhất trong toàn quốc, nhưng thực tiễn cho thấy, trong quá trình triển khai bộ sách giáo khoa lớp 1 cho tất cả đối tượng học sinh ở các vùng miền khác nhau trên cả nước đã tồn tại một số bất cập.

Để khắc phục thực trạng đó, Bộ GD&ĐT đã có văn bản hướng dẫn điều chỉnh việc dạy và học cho học sinh tiểu học; hướng dẫn nội dung, phương pháp giáo dục cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; hướng dẫn dạy học lớp 1 cho học sinh dân tộc chưa biết tiếng Việt (từ 350 tiết thành 500 tiết)…

Cử tri tỉnh An Giang và TP Hà Nội đề nghị Bộ cho biết, hướng tới một chương trình có nhiều bộ sách giáo khoa được áp dụng trong giảng dạy do Sở hoặc Hiệu trưởng chỉ định, như vậy, bộ sách đang sử dụng có áp dụng không? Theo Luật Giáo dục, với chương trình giáo dục hiện nay, bộ sách giáo khoa hiện hành đã được Bộ trưởng phê duyệt được sử dụng thống nhất trên toàn quốc. Việc thực hiện một chương trình có nhiều bộ sách giáo khoa là xu hướng trên thế giới, đáp ứng sự đa dạng của các vùng miền, đối tượng học sinh. Phương hướng này đã được Bộ đưa ra để lấy ý kiến góp ý.

Nếu việc sửa đổi Luật Giáo dục 2005 theo phương hướng trên được đề nghị và được Quốc hội thông qua thì mới có cơ sở pháp lí để thực hiện một chương trình có nhiều bộ sách giáo khoa. Tuy nhiên, Bộ cũng cho biết, hiện có nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay ở nước ta chưa đủ điều kiện để triển khai phương án 1 chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa...

T.P.
.
.
.