Nhiều đối tượng liên quan đến vụ sập cầu Bung vẫn chưa bị xử lý

Thứ Ba, 21/06/2011, 14:17
Cây cầu Bung bắc qua sông Ba có ý nghĩa quan trọng về ANQP, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội và giúp bà con các dân tộc huyện Krông Pa, Gia Lai đổi đời... Đáng buồn là sau khi xây dựng, cầu Bung lại bị sập. Sau khi Báo CAND có loạt bài phản ánh về sự vụ này, vụ án đã được khởi tố điều tra từ đầu năm 2009 đến nay, nhưng còn nhiều vấn đề chưa làm rõ để xử lý, gây bức xúc trong nhân dân.
>>Khởi tố, bắt tạm giam một cán bộ liên quan đến vụ sập cầu Bung

Công trình cầu Bung giai đoạn I được duyệt 7.566.870.000 đồng, do Công ty Xây dựng công trình giao thông (XDCTGT) 134, thuộc Tổng Công ty Giao thông (Cienco 1), Bộ GTVT thi công.

Phía chủ đầu tư lúc bấy giờ, ông Trần Duy Hưng, Giám đốc Sở GTVT Gia Lai, kiêm Chủ nhiệm Ban Quản lý dự án giao cho ông Phan Xuân Đức - Phó Chủ nhiệm Ban Quản lý dự án trực tiếp quản lý, theo dõi việc thực hiện dự án cầu Bung, trực tiếp nghiệm thu công trình và ông Trần Chu Toàn - Phó Giám đốc Sở GTVT Gia Lai có trách nhiệm quản lý về việc thẩm định, phê duyệt kỹ thuật. Đơn vị tư vấn giám sát do Công ty Tư vấn xây dựng công trình giao thông Gia Lai do ông Lê Văn Hạnh làm Giám đốc…

Bắt đầu từ ngày 5/10/1999, dưới sự chỉ đạo của ông Lương Minh Tuấn, Đội trưởng Đội cầu 2, Trưởng ban điều hành Công ty XDCTGT 134 tại Tây Nguyên và ông Phan Anh Tuấn, Đội phó Đội cầu 2, Công ty XDCTGT 134, cây cầu Bung bắt đầu được tổ chức thi công xây dựng. Theo thiết kế kỹ thuật, tổng chiều dài của cầu là 243,3m (kể từ đuôi mố) gồm có 11 nhịp, mỗi nhịp dài 21,4m. Trong quá trình thi công, các cán bộ có trách nhiệm đã chỉ đạo cho cắt ngắn cọc sai thiết kế 115/123 cọc ở tất cả 10 trụ của cầu Bung nhưng sau đó vẫn được duyệt quyết toán tất cả theo thiết kế chiều dài mỗi cọc 12,45m.

Vào lúc 12h ngày 5/11/2007, đoạn số 8 cầu Bung bị đổ xuống dòng sông làm rơi 4 dầm của hai nhịp cầu N8 và N9. Đầu nhịp N10 tại vị trí đỉnh trụ T9 bị lệch về phía hạ lưu 10cm. Ngày 14/4/2009, Viện Khoa học và Công nghệ GTVT có kết luận giám định kỹ thuật: Cầu Bung bị sập đổ trụ T8, kéo theo sập đổ 2 nhịp N8, N9 và gây hư hại nặng trụ T9 do chiều dài đóng cọc trụ T8 không đủ theo thiết kế. Kết quả xác định, các cọc trụ T8 chỉ có đóng tối đa là 9,57m, dẫn đến chiều dài ngâm trong lòng đất sau khi xói không đủ theo quy định của quy trình 22TCN 18-79 là 4m.

Ngày 8/4/2009, giám định về tài chính kế toán kết luận, tổng giá trị thiệt hại thành tiền của sự cố đổ trụ T8 gây sập cầu Bung là 1.477.159.000 đồng. Ngày 15/3/2010, giám định về tài chính kết luận, tổng giá trị xây lắp bị thiệt hại cầu Bung giai đoạn I là 6.816.420.000 đồng.

Theo kết quả điều tra, cơ quan chức năng kết luận Phan Anh Tuấn đã chỉ đạo cho công nhân cắt ngắn tất cả các cọc tại trụ T8 sai với thiết kế từ 1đến 5,51m, do đó khi đóng cọc xuống không đảm bảo chiều dài cọc là 12,45m theo như thiết kế… dẫn đến hậu quả sập trụ T8 của cầu Bung.

Cọc cầu Bung đổ vì bị "rút ruột".

Đối với Nguyễn Như Dũng, cán bộ tư vấn giám sát và Bế Văn Lạc, giám sát chủ đầu tư là những đối tượng đã cố ý làm trái nguyên tắc, đã thống nhất với Phan Anh Tuấn cắt đầu các cọc nhưng hiện Dũng và Lạc đã chết nên không đề cập đến trách nhiệm hình sự.

Phan Anh Tuấn (37 tuổi), trú tại phường 16, quận 8, TP HCM bị truy tố theo khoản 3, Điều 165 BLHS (mức án từ 10 năm đến 20 năm tù). Sau nhiều lần hoãn phiên tòa, ngày 20/6, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Phan Anh Tuấn với mức án 3 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" (mức thấp nhất của mức liền kề dưới khung hình phạt).

Như vậy, sau hơn 3 năm điều tra vụ án này đến nay chỉ đưa ra xét xử duy nhất có một bị cáo với mức án rất nhẹ. Trong khi đó, những cá nhân đại diện cho các đơn vị liên quan gồm chủ đầu tư, giám sát thi công, giám sát thiết kế như các ông Phan Xuân Đức, Lê Văn Hạnh, Lương Minh Tuấn… đều chưa được xử lý theo đúng pháp luật.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai, các cá nhân liên quan trên sẽ được xem xét xử lý sau, nhưng không biết sẽ xử lý như thế nào và đến bao giờ xử lý? Ngoài trụ T8 được làm rõ, các trụ còn lại của cầu Bung cũng bị hư hỏng như T6, T7, T9… tổng thiệt hại cây cầu hơn 6,8 tỷ đồng nhưng chưa làm rõ trách nhiệm để xử lý theo pháp luật. Vụ án này đã kéo dài nhiều năm và xử lý chưa triệt để khiến cho dư luận nghi ngờ có biểu hiện "đầu voi đuôi chuột"

Ngọc Như
.
.
.