Nhiều điểm vui chơi, nhà văn hóa bị sử dụng sai mục đích

Thứ Ba, 05/01/2010, 10:29
Dạo quanh một số khu vực trên địa bàn TP Hà Nội, ta không khỏi giật mình trước việc hiện có nhiều sân chơi, nhà văn hóa đã và đang bị sử dụng sai mục đích. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng mà đi đầu là chính quyền địa phương phải có biện pháp xử lý dứt điểm...

Nhếch nhác, lộn xộn

Gần đây, đường dây nóng Báo CAND nhận được phản ánh của không ít độc giả về việc một số điểm vui chơi, nhà văn hóa trên địa bàn thành phố đang trở nên nhếch nhác, lộn xộn không như những công năng vốn có của nó. Để hiểu rõ hơn những vấn đề có liên quan tới thông tin phản ánh trên, PV Báo CAND đã có cuộc khảo sát thực tế tại một số khu vực. Điểm đầu tiên mà chúng tôi "mục kích" chính là địa bàn xã Trung Văn (huyện Từ Liêm, Hà Nội). Sáng một ngày đầu tuần, chúng tôi có mặt tại trục đường dẫn vào thôn Phùng Khoang (xã Trung Văn).

Đứng trước khu "Nhà văn hóa 2 Phùng Khoang", chúng tôi không khỏi giật mình bởi mặt tiền của khu nhà đang bị choán bởi nhiều tấm biển quảng cáo đại loại như: "Mua bán sửa chữa tivi..", "Rửa xe máy", "Điện dân dụng"… mà bất giác ai đi qua đây cũng phải lắc đầu ngán ngẩm vì sự nhếch nhác, lộn xộn này.

Mặc dù đã chuẩn bị tâm lý từ trước, song khi tiến vào phía trong khuôn viên của nhà văn hóa, chúng tôi vẫn bị "sốc" bởi mặt sân giờ đã không còn chỗ trống. Xung quanh bị nhiều hàng quán kinh doanh án ngữ. Xe máy, xe đạp của khách hàng theo đó cũng "thản nhiên" đỗ chình ình ở nơi đây. Rác rưởi (vỏ thuốc lá, kẹo, bánh…) vứt tóe loe xung quanh. Đáng chú ý, theo quan sát của chúng tôi, vào thời điểm này phía góc của khuôn viên nhà văn hóa còn có sự xuất hiện của vài xe ôtô đang "chờ" chủ.

Tiến sâu vào bên trong địa phận xã Trung Văn, chúng tôi tiếp tục được chứng kiến hình ảnh đối lập với công năng, mục đích sử dụng của sân chơi dành cho trẻ nhỏ ở địa phương. Không đu quay, không cầu trượt, không trẻ vui chơi, bàn ghế xếp ngổn ngang... đó là những gì mà chúng tôi ghi nhận tại "Điểm vui chơi số 1 thôn Phùng Khoang" vào thời điểm hiện tại.

Theo một số người dân địa phương cho biết: Sự lộn xộn, nhếch nhác ở trên đã tồn tại từ lâu, song vẫn chưa được chính quyền xã xử lý, giải quyết. Hiện tượng này khiến số trẻ nhỏ vào những ngày nghỉ đã không có chỗ để vui chơi giải trí.

Nhà văn hóa 2 Phùng Khoang (xã Trung Văn) nhìn rất nhếch nhác.

Tìm hiểu thực tế thêm tại một số địa điểm có tòa nhà tập thể tọa lạc như ở quận Thanh Xuân, chúng tôi cũng nhận thấy nhiều sân chơi nằm dưới các tòa nhà cũng trong tình cảnh tương tự. Xe máy dựng ngổn ngang, rác thải thì vứt bừa bãi, diện tích sân chơi công cộng bị thu hẹp...

Mục đích sử dụng bị biến tướng

Có một thực tế không thể phủ nhận, đó chính là đứng trước thực trạng nhiều điểm vui chơi, nhà văn hóa trên địa bàn thành phố đang bị nhếch nhác, lộn xộn, người dân sinh sống lân cận cảm thấy rất bức xúc. Bởi nhiều khu vực trong khi mật độ dân cư tập trung sinh sống ngày một gia tăng thì các điểm vui chơi dân sinh thì lại bị thu hẹp.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của xã Trung Văn, hiện trên địa bàn xã có khoảng 20 nhân khẩu (bao gồm cả số sinh viên, lao động tự do thuê trọ). Nhìn vào con số trên ta hoàn toàn có thể kết luận rằng, hiện nhu cầu sử dụng sân chơi, nhà văn hóa của người dân bản địa là rất lớn.

Về vấn đề này, trong những năm qua, thành phố cũng đã triển khai hàng loạt các kế hoạch nhằm tu bổ, xây mới nhiều điểm vui chơi cho trẻ em. Thế nhưng, trên thực tế, chính quyền một số địa phương lại chưa thật sự tích cực trong việc quản lý, tu bổ để công năng vốn có của những địa điểm này đến được với người dân. Đặc biệt, không chỉ nhếch nhác, lộn xộn, nhiều sân chơi, nhà văn hóa còn biến tướng mục đích sử dụng.

Trở lại "Điểm vui chơi số 1 thôn Phùng Khoang", theo ghi nhận thực tế của chúng tôi, nơi đây vào các buổi tối đã trở thành địa điểm kinh doanh hàng ăn (bún, miến) của một số cá nhân. Bàn ghế, thức ăn, đồ uống được bày biện ngay sau khi trời tối. Lượng thực khách theo đó cũng ra vào tấp nập khu vực này. Theo chị chủ nơi đây, giờ mở cửa của quán thông thường là từ 16h đến 23h hàng ngày. Thực khách chiếm đa phần là sinh viên, học sinh thuê trọ trên địa bàn.

Còn tại "Sân chơi trẻ em" thuộc khu dân cư số 9, phường Trung Liệt (quận Đống Đa), qua xâm nhập thực tế, chúng tôi cũng nhận thấy, hiện một phần diện tích của khuôn viên sân chơi này đã trở thành bãi trông xe. Ngày 4/1/2010, sau khi vào đây gửi xe, chúng tôi được anh chủ trông xe cho biết giá của 1 chiếc xe máy là 2.000đ. Xe được trông giữ ở đây chiếm đa phần là của bà con kinh doanh trong khu chợ "cóc" hoạt động trước mặt sân chơi.

Như vậy, sự biến tướng về mục đích sử dụng của những sân chơi, nhà văn hóa trên là do đâu? Số tiền kinh doanh dựa trên quỹ đất phục vụ mục đích chung của cộng đồng ở những nơi này "chảy" vào túi ai? Câu hỏi này hiện đang là vấn đề mà nhiều người dân quan tâm, chờ cơ quan thẩm quyền hữu quan lưu ý giải quyết.

Để có thêm thông tin, cũng trong sáng 4/1/2010, chúng tôi đã đem câu hỏi trên tìm tới trụ sở UBND phường Trung Liệt. Tại đây, chúng tôi được đại diện của UBND phường cho biết: Sẽ giao cho cán bộ chuyên trách kiểm tra và sớm thông tin lại những vấn đề có liên quan tới việc phản ánh trên.

Vậy, thiết nghĩ các cơ quan chức năng phải sớm vào cuộc. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này trong các số báo sau

Trần Huy
.
.
.