Nhiều bất cập trong Dự thảo kỳ thi "2 trong 1"

Thứ Bảy, 14/06/2008, 10:08

Hiệu trưởng nhiều trường ĐH phân tích, mỗi năm tính chất cạnh tranh thi thố của kỳ thi sẽ khác nhau nhiều, môn thi từng năm cũng sẽ thay đổi (trừ 3 môn bắt buộc do Bộ quy định là toán, văn, ngoại ngữ), vậy làm sao có thể bảo lưu kết quả môn thi của năm trước để xét tuyển cho năm sau, trong khi năm sau môn này lại không thi?

Liên tục trong một khoảng thời gian từ cuối năm 2007 đến nay, Đề án đổi mới thi tốt nghiệp và thi tuyển sinh ĐH, CĐ do Bộ GD&ĐT chủ trì xây dựng đã trải qua rất nhiều lần dự thảo.

Cũng giống như các bản dự thảo trước đó, dự thảo lần thứ 20 vừa được Bộ công bố để xin ý kiến chính thức nhiều Bộ, ngành trước khi trình Chính phủ xem xét đã bộc lộ nhiều điểm bất hợp lí, cho thấy Đề án chưa khả thi, càng không thể áp dụng kỳ thi "2 trong 1" ngay trong năm 2009.

1. Môn thi thay đổi theo từng năm, không thể bảo lưu để xét tuyển nhiều năm

Dự thảo Đề án quy định: Thí sinh được bảo lưu kết quả điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia (đã được cấp bằng tốt nghiệp) để đăng ký xét tuyển sinh trong vòng 3 năm đối với ĐH, CĐ và 5 năm đối với TCCN...

Về vấn đề này, GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm ủy ban Văn hoá, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã bày tỏ quan điểm: Bảo lưu kết quả để xét tốt nghiệp thì khả thi nhưng bảo lưu kết quả của kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển trong 3 - 5 năm là điều khó có thể chấp nhận được.

Cùng chung ý kiến với GS Đào Trọng Thi, hiệu trưởng nhiều trường ĐH phân tích, mỗi năm tính chất cạnh tranh thi thố của kỳ thi sẽ khác nhau nhiều, môn thi từng năm cũng sẽ thay đổi (trừ 3 môn bắt buộc do Bộ quy định là toán, văn, ngoại ngữ), vậy làm sao có thể bảo lưu kết quả môn thi của năm trước để xét tuyển cho năm sau, trong khi năm sau môn này lại không thi? Cạnh tranh phải trên cùng một nền tảng.

2. Cơ cấu đề thi: 60% kiến thức cơ bản và 40% nâng cao - không rõ ràng và gây khó khăn cho học sinh

Tham dự kỳ thi THPT quốc gia sẽ có 3 đối tượng: Chỉ có mục đích công nhận tốt nghiệp THPT, có mục đích vừa được công nhận tốt nghiệp, vừa được tham dự xét tuyển ĐH, CĐ và chỉ có mục đích được xét tuyển vào ĐH, CĐ.

GS Văn Như Cương phân tích, "đề thi không chia cơ học thành hai phần riêng biệt trong đề thi" (dự thảo) có nghĩa là trong đề thi không nói rõ câu hỏi nào thuộc phần A, câu hỏi nào thuộc phần B. Như vậy, cả ba đối tượng đều phải làm một đề chung và làm trong một khoảng thời gian giống nhau. Nếu thí sinh chỉ có mục đích đỗ tốt nghiệp, các em sẽ biết chọn câu nào thuộc "60% kiến thức cơ bản"?

Theo GS Văn Như Cương, quy định cơ cấu đề thi như vậy là không rõ ràng, đánh đố học sinh. Không ít giáo viên dạy THPT còn băn khoăn, nếu trong trường hợp thí sinh chỉ cần đỗ tốt nghiệp, trong khi câu dễ, khó lẫn lộn, đề trắc nghiệm trải dài cả chương trình, không phân định câu nào là cơ bản (hoặc nâng cao) các em sẽ lao vào câu khó mà không biết, đến khi quay lại làm câu dễ thì đã hết thời gian, không thể đạt kết quả như ý muốn được. Điều này rất bất hợp lí, chắc chắn nhiều thí sinh sẽ bị thiệt thòi.

3. Xếp loại tốt nghiệp: Khó hiểu và không khoa học

Tiêu chí xếp loại tốt nghiệp (sơ bộ) như sau: Đạt tốt nghiệp: 18 điểm trở lên và không có điểm 0 (18 điểm là 50% của 36 điểm đối với 6 môn thi - phần để công nhận tốt nghiệp, như vậy trung bình, 1 môn chỉ cần 3 điểm là được công nhận tốt nghiệp); Loại trung bình: 18 đến 32 điểm; Loại khá: Lớn hơn 32 điểm đến 46 điểm; Loại giỏi: Trên 46 điểm. Song cách xếp loại này không ổn. Theo quy định, thang điểm bài thi là 10 điểm (6 điểm + 4 điểm ứng với 60% + 40% kiến thức), như vậy, mức điểm thi tốt nghiệp tối đa sẽ là 36 điểm (vì có 6 môn thi).

Thí sinh chỉ cần đạt 18 điểm trở lên là đạt tốt nghiệp. Điều vô lí là quy định "xếp tốt nghiệp loại giỏi phải đạt trên 46 điểm". Nhưng thí sinh sẽ lấy đâu ra 46 điểm trong khi điểm tốt nghiệp tối đa chỉ có 36 điểm.

4. Xét tuyển vào ĐH, CĐ: Sẽ xuất hiện nhiều kỳ thi "con", vẫn tốn kém và căng thẳng

Xét tuyển vào ĐH, CĐ là cuộc đua để đào tạo nguồn nhân lực cao cho đất nước, tính chất cạnh tranh rất khốc liệt. Tuy nhiên đến bây giờ, với bản dự thảo này, các trường, đặc biệt là trường tốp đầu vô cùng bối rối và lo lắng. Họ sẽ xét tuyển như thế nào nếu chỉ có một căn cứ điểm thi duy nhất của thí sinh?

Sẽ xảy ra một thực tế: Có thí sinh điểm cao, nhưng số điểm thích ứng lại rơi vào kiến thức cơ bản (để công nhận tốt nghiệp); có thí sinh điểm thấp hơn, nhưng số điểm thích ứng lại rơi vào kiến thức nâng cao? Vậy sẽ chọn thí sinh nào đây?

Về vấn đề này, GS Đào Trọng Thi không đồng tình, theo ông không nên để các trường tốp đầu, trường chất lượng cao, trường trọng điểm… vào quy trình xét tuyển này. Mục đích ghép hai kỳ thi làm một của Bộ GD&ĐT nhằm để giảm bớt chi phí, tốn kém và căng thẳng của xã hội, nhưng trong dự thảo lại đưa ra 3 phương án xét tuyển ĐH, CĐ và TCCN, trong đó có phương án nhiều trường sẽ tiếp tục tổ chức thi tuyển một kỳ thi riêng để chọn thí sinh giỏi.

Rõ ràng, sẽ lại có rất nhiều kỳ thi nhỏ lẻ do các trường đứng ra tổ chức. Như vậy, gánh nặng chi phí tốn kém của xã hội cho thi cử liệu có giảm bớt?

Thu Phương
.
.
.