Nhặt ve chai nuôi con ăn học

Thứ Tư, 04/02/2009, 12:56
Nguyện vọng cuối cùng của cụ già 72 tuổi làm nghề "đồng nát" là trước khi qua đời, sẽ nuôi nốt đứa con trai út ăn học. Năm nay, đứa con trai út đang học năm thứ 3 Trường Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh.

Trong cái nhộn nhịp xô bồ của cuộc sống thường nhật lại có rất nhiều người cố ngoảnh mặt, quay lưng với những món ngon, vật lạ, đè nén cơn đói lòng để oằn mình xuống làm việc, kiếm sống nuôi thân, nuôi gia đình và con cái…

Nhặt ve chai, nuôi con ăn học

Trong cái nắng xuân đầu năm của bầu trời Đà Nẵng, chúng tôi đi tìm những người phụ nữ nghèo làm nghề đồng nát. Lưng còng đạp xe, mồ hôi nhễ nhại, họ đang len lỏi trên các con đường để nhặt, thu mua phế liệu nhằm kiếm những đồng tiền lẻ nuôi gia đình và con cái ăn học.

Lẫn trong những tiếng rao trên mọi nẻo đường từ nông thôn đến thành thị, có những người phụ nữ đã cất tiếng rao gần mấy mươi năm khiến nhiều người quen thuộc. Và có lẽ, không ai không biết đến cụ già 72 tuổi, Lê Thị Đông (trú phường Mỹ An, quận Sơn Trà). Bà làm công việc buôn bán "đồng nát" này từ thời còn con gái.

Tâm sự hồi lâu, bà bật mí về gia đình, về những ước mơ của mình. Bà có 6 người con trong đó có 4 người học Đại học và đã có công ăn việc làm. Bà làm tôi xúc động bởi tình yêu và nghĩa vụ của người mẹ già dành cho con.

Nguyện vọng cuối cùng của bà là trước khi qua đời, sẽ nuôi nốt đứa con trai út ăn học. Năm nay, đứa con trai út đang học năm thứ 3 Trường Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh. Còn 2 năm nữa, cậu mới ra trường, nhưng người mẹ già này không ngại khó bởi với bà con cái là tất cả.

Với nghề buôn bán đồng nát, hằng ngày chỉ kiếm vài chục ngàn nhưng bà mẹ già này đã lo chu toàn cho gia đình. Con cái bà không hổ thẹn vì mẹ, trái lại cái nghề lương thiện của bà, tấm lòng thương yêu của bà chính là niềm tự hào và là động lực giúp họ vượt qua mọi khó khăn…

Chị Lê Thị Sen, trú thôn Lệ Sơn 2, (huyện Hòa Vang) cũng có hoàn cảnh tương tự. Ngày ngày chị đạp xe hơn 1 giờ đồng hồ đến TP Đà Nẵng để mưu sinh. Dù ở độ tuổi trung niên nhưng chị cũng đã trên mười lăm năm trong nghề. Chừng ấy thời gian đã đủ cho chị thuộc lòng về mảnh đất cảng này.

Dáng người khắc khổ của chị là nhân chứng cho một vùng quê còn nhiều khó khăn. Chị không kể nhiều về gia đình nhưng qua khuôn mặt và đôi mắt sáng ngời tràn đầy khát vọng của chị, tôi đoán được tất cả về mọi điều.

Được biết, chị có ba người con trong đó có một cậu con trai đang học Cao đẳng và một đứa học lớp mười hai ở trọ xa, đang chuẩn bị kì thi Đại học sắp tới.

Để lo bữa ăn hàng ngày đã quá mệt, cộng thêm chi phí học hành của hai người con mỗi tháng 2 triệu đồng thì số tiền ít ỏi của hai vợ chồng kiếm được cũng chẳng thấm tháp vào đâu. Vì vậy, ngoài công việc hằng ngày đã định, chị còn tranh thủ nuôi thêm heo gà để cải thiện cuộc sống.

Dường như đôi chân chị đã chai sạn vì đạp xe, tiếng nói của chị có phần "rè" vì rao suốt ngày, đôi tay thì chằng chịt vết cắt của phế liệu, thế nhưng tấm lòng người mẹ vẫn nguyên vẹn cho con cái…

Nhặt nắp bia, nuôi con trai bị bệnh

Khi ánh mặt trời sắp tắt, trên con đường dài Nguyễn Tất Thành, bà Nguyễn Thị Ba bắt đầu làm công việc… "nhặt nắp bia".  Nghe có vẻ buồn cười và hoang tưởng, nhưng bà Ba đã làm công việc ấy rất nhiều năm qua để kiếm tiền nuôi con.

Bà Nguyễn Thị Ba năm nay 75 tuổi, trú phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, lưng hơi còng, khuôn mặt sạm đen đầy nếp nhăn, giọng nói đã yếu vì tuổi tác và vì làm việc quá sức. Nhẽ ra, ở tuổi của bà phải được nghỉ ngơi, tối lại được sinh hoạt với con cháu, rồi đi ngủ, sáng lại tập dưỡng sinh hay đi bộ thể dục trong công viên.

Nhưng cái thời gian người ta nghỉ ngơi ấy thì bà lại còng lưng nhặt nhạnh, bởi cái ăn, cái mặc và cuộc sống đang vây bủa chung quanh bà bởi đứa con trai 35 tuổi đang bị bệnh không lao động được.

Chồng bà Ba đã mất từ lâu. Hình như ông trời không cho bà có cuộc sống hạnh phúc. Vì thương con nên một mình bà phải lang thang hằng đêm trên các nẻo đường để nhặt những nắp chai bia, vỏ lon bia nuôi chính bản thân mình và nuôi đứa con đau ốm.

Bà không nói nhiều, nhưng giọng bà thật rạch ròi, chậm rãi. Bà kể: "Tui không có công ăn việc làm, không có nhà ở. Đứa con trai lại nằm liệt giường. Hằng đêm, tui phải đi lượm những nắp bia về bán để nuôi con".

Bà lom khom nhặt rồi ngẩng lên nói tiếp: "Hồi trước, tui ở đường Lê Độ với một ngôi nhà nhỏ nhưng ở đó họ giải tỏa, không đủ tiền mua nhà nên tui được chú Hùng cho ở tạm, khi nào có tiền làm nhà thì về".

Nói đến đây giọng bà như nghẹn lại, bởi biết lúc nào bà mới có tiền để xây nhà khi mà đất đai trên thành phố đang ngày càng đắt đỏ?!… 

Đời bà chưa được một ngày thanh thản nghỉ ngơi. Trước khi đi nhặt nắp bia nuôi con, bà Ba đã đi bủa lưới cá dọc bờ biển vịnh Sơn Trà cùng với những người dân chài. Nhưng cuộc sống mỗi ngày một đòi hỏi, nhu cầu cuộc sống ngày càng tăng, giá cả đắt đỏ kèm thêm sức già không cho phép, bà phải chuyển nghề.

Hằng đêm, để kiếm được một vài ngàn nuôi con, bà oằn lưng nhặt những nắp bia của những "thượng đế" bỏ lại. Bà lượm lặt không để sót một nắp nào.

Với bà, mỗi nắp là mỗi tình thương của người mẹ đối với người con đang nằm liệt giường. Một đêm bà kiếm được 3 đến bốn kg nắp bia. Vậy nhưng, không dễ dàng gì bởi để có một số lượng lớn như vậy bà phải khởi hành lúc 5h chiều và kết thúc lúc 2h sáng. Lang thang trong đêm tối mịt mùng ấy, bà Ba cũng chỉ kiếm được chừng 15 nghìn đồng. Bình quân mỗi ngày bà đi bộ đến 30km…

Bùi Ngọc
.
.
.