"Nhặt" chữ bên cồn Hàu

Thứ Sáu, 04/01/2008, 11:56
Làng Phú Bình (Quán Hàu - Quảng Bình) còn nghèo nhưng không một đứa trẻ nào thất học. Tất cả cũng nhờ hàu. Loài nhuyễn thể mà thiên nhiên ban tặng cho người dân nơi đây đã được sử dụng đầy chất nhân văn. Hàu được đem bán để trang trải đời sống thường ngày, còn vỏ hàu lại được dùng trộn với xi măng, cát trắng để làm nhà.

Không ai biết địa danh Quán Hàu (Quảng Bình) có từ bao giờ, song việc nơi đây có hàng trăm quán xá để bán đặc sản hàu được vớt tận đáy sông thì có từ gần 500 năm trước. Trải qua hàng trăm năm dâu bể, thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất này độc nhất một loài nhuyễn thể.

Và từ đó, mặc cho mùa hè bỏng rát, hay mùa đông giá rét cắt da, người dân vùng đất này vẫn gồng mình lặn xuống đáy sông để bắt hàu mưu sinh. Hàu bắt được, người dân đã đổi chữ cho con đến trường học thành tài. Hàu còn trở thành niềm thương nỗi nhớ cho bao đôi lứa nơi đây trong ngày kết tóc xe tơ…

Sông Nhật Lệ uốn mình chảy từ nguồn về đến địa phận Quán Hàu làm mình làm mẩy rẽ đôi tạo thành cồn Hàu. Điều đặc biệt ở cồn Hàu là nơi đây tập trung sinh sống của loài nhuyễn thể hàu. Hàu nhiều như trấu dưới đáy sông.

Và mặc cho hàu tự nhiên sinh sống hàng trăm năm nhưng không một ai ngó ngàng tới. Và địa danh Quán Hàu có từ bao giờ? Không một ai biết, mặc dù hằng ngày có hàng vạn khách vào Nam ra Bắc khi đi theo QL1A đều phải qua địa phận thị trấn Quán Hàu này.

Làng sống ở đáy sông

Người dân nơi đây tự hào Quán Hàu là làng thuộc đất Văn La, một làng văn hóa cổ nằm trong "Bát danh hương" của Quảng Bình. Chỉ biết, khi phát hiện có hàu ở đáy sông, người dân đã đưa nhau đến đây lập làng và cuộc sống mưu sinh từ hàu bắt đầu từ đó.

Trong "Ô châu cận lục" ở quyển 2 của Dương Văn An (thế kỷ XVI) có viết về đặc sản hàu ở vùng đất này. Như vậy chí ít cũng đã gần 500 năm, người dân làng Phú Bình - thị trấn Quán Hàu này đã sinh sống với nghề lặn sông tìm hàu. Đời cha rồi đời con, lặn hàu trở thành nghề truyền thống của địa phương.

Mấy hôm nay trời rét đậm, song với người dân lặn hàu nơi đây thì chẳng có hà cớ gì họ lại không ra sông. Bởi miếng cơm manh áo, và xa hơn là cái chữ cho con trẻ họ đều trông chờ vào đoạn sông Nhật Lệ này.

Suốt mấy ngày đến thực hiện "3 cùng" với người dân nơi đây tôi mới cảm nhận được sự vất vả nhọc nhằn của những người mưu sinh từ đáy sông này. Các món đặc sản như cháo hàu, hàu xào cuốn bánh tráng, hàu nấu canh, hàu chiên… đã có mặt ở Hà Nội hay vào TP HCM, Đà Nẵng… thậm chí tại nhiều nhà hàng người Việt ở trời tây cũng có món đặc sản hàu. Hàu có ở nhiều nơi song hàu ngon và nhiều thì chỉ có một ở làng Phú Bình này.

Từ 4-5h sáng tôi nhập vào đoàn người của làng đi lặn hàu. Hàu chủ yếu sống vùng nước lợ, kinh nghiệm nhiều năm mách bảo cho người dân nơi đây nhìn nước thủy triều lên xuống để lặn hàu. Chỉ với một chiếc móc sắt để cạy hàu, hai đôi tất tay và chân với chiếc kính đơn giản, anh Đáng, anh Bệu, Nhật… quăng mình xuống đáy sông để bắt hàu.

Đánh vật hơn 5 tiếng đồng hồ với dòng sông, khi những chiếc rổ đã đầy hàu mọi người mới ra về, lúc đó mặt trời đã đứng bóng. Nghề lặn hàu nặng nhọc như vậy song cũng chỉ đổi được 30-60 ngàn đồng/ ngày.

Chị Lê Thị Quyên ngồi tách hàu cho biết: Hàu có cạnh sắc nhọn, lại bám chặt vào đá nên để lấy được hàu từ độ sau 4-5m đã khó, nhưng khi tách hàu cũng không kém vất vả. Chỉ sơ hở một tý là đứt lìa cả ngón tay.

Làng Phú Bình ít ai mà tay chưa bị cắt vì hàu. Nhìn những bàn tay nhăn nhít vì hàu, tôi lại nghĩ khi bưng trên tay món đặc sản hàu mấy ai nghĩ hàu xuất xứ từ đâu?

Đem hàu đổi chữ cho con

Ở làng Phú Bình này hàu đã hòa quyện trong đời sống người dân. Trời rét đậm, đã gần trưa nhưng ba cha con anh Phan Văn Việt vẫn cặm cụi bóc tách từng con hàu cho vào rổ để kịp buổi chợ chiều. Trưa về ăn qua quýt rồi hai đưa con anh lại tới trường.

Làng Phú Bình còn nghèo nhưng không một đứa trẻ nào thất học, tất cả cũng nhờ hàu. Loài nhuyễn thể mà thiên nhiên ban tặng cho người dân nơi đây đã được sử dụng đầy chất nhân văn. Hàu được đem bán để trang trải đời sống thường ngày, còn vỏ hàu lại được dùng trộn với xi măng, cát trắng để làm nhà.

Chị Lê Thị Quyên cười vui: "Bốn đứa con tui đều ăn học trưởng thành từ hàu đó chú. Hằng ngày khi sáng sớm các cháu đến trường tui đều bớt một ít hàu đem nấu cháo, chia cho mỗi đứa một bát. Trưa về hàu tui lại nấu canh, xào nấu cải thiện. Người làng tui vẫn nói, không có hàu thì người làng sống bằng gì?".

Qua tìm hiểu tôi được biết, hàu gắn bó với người dân nơi đây từ khi cất tiếng khóc chào đời cho đến ngày tạ thế. Khi sinh ra, con trẻ được dùng ruột con hàu tươi để chườm lưỡi. Trẻ em lớn lên, trừ những buổi đến trường các em lại ra bờ sông gắn bó với hàu.

Đến tuổi dựng vợ gả chồng, các đôi uyên ương lại đưa nhau ra bờ sông Nhật Lệ, nhiều đôi dùng vỏ hàu khắc tên chung hai đứa rồi ném xuống sông tìm sự minh chứng của cồn Hàu. Có bà vợ nấu cho chồng bát cháo hàu để làm nhẹ bớt cơn say. Khi một người làng rời cõi tạm, chắc chắn trên bàn thờ lại có món hàu đưa tiễn…

Nhìn những mái đầu lên tám, lên chín đã bắt đầu tập lặn hàu thật động lòng trắc ẩn. Nhiều em ngồi tỉ mẩn cạy từng con hàu cho vào rổ để mẹ kịp buổi chợ chiều rồi mới tới trường. Vất vả là vậy, nhưng khi hỏi về việc học, các em đều cười hồn nhiên và quyết tâm đến trường.

Nhìn chị Nguyễn Thị Tính cùng đứa con hơn 10 tuổi đổ gập người theo chiếc cào trong giá lạnh để nhặt từng con hàu mới thấy hết sự vất vả của người dân nơi đây.

Lặn mãi với dòng sông rồi sợ hàu cũng hết, nên mới đây UBND thị trấn Quán Hàu thành lập một dự án nuôi hàu. Hai anh Nguyễn Văn Tòng và Lê Hoàng Sơn xung phong thử nghiệm. Được giao 4ha mặt nước, hai anh mạnh dạn đầu tư 10 triệu đồng tiến hành thả đá, cắm cọc chăng dây xung quanh, gom lốp xe cũ buộc lại với nhau thả xuống cho hàu bám. Kết quả nuôi hàu thật mỹ mãn, chỉ sau vài tháng hàu tự nhiên đã bám đầy các cọc và sinh sôi nảy nở rất nhanh.

Ông Lê Bá Trưng - Phó Chủ tịch UBND thị trấn cho biết: "Đây là mô hình mới và có hiệu quả. Chúng tôi đã nghiệm thu dự án bước đầu. Trên cơ sở đó sẽ đề nghị với cấp trên có chính sách hỗ trợ vốn cho bà con thực hiện"

Dương Sông Lam
.
.
.