Nhật Bản và Đài Loan sẽ “rộng cửa” tiếp nhận lao động Việt Nam

Thứ Bảy, 03/01/2015, 13:11
Sang năm 2015, thị trường nào sẽ rộng cửa tiếp nhận lao động Việt Nam, PV Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với ông Tống Hải Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN), Bộ LĐ-TB&XH về vấn đề này.

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, năm 2014 là năm đầu tiên Việt Nam cán đích mục tiêu có trên 100.000 lao động, cụ thể đã có 105.000 lao động trên cả nước đi làm việc ở nước ngoài, vượt kế hoạch đề ra. Tại các thị trường trọng điểm truyền thống, số lượng lao động đưa đi tăng đáng kể như: Đài Loan hơn 60.000 lao động (năm 2013: 46.000), Nhật Bản gần 20.000 lao động (năm 2013: 9.600), Hàn Quốc gần 7.000 lao động, Malaysia gần 5.000 lao động, Arab Saudi gần 4.000 lao động, Qatar gần 1.000 lao động.

Sang năm 2015, thị trường nào sẽ rộng cửa tiếp nhận lao động Việt Nam, PV Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với ông Tống Hải Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN), Bộ LĐ-TB&XH về vấn đề này.

PV: Theo số liệu thống kê và trên thực tế, trong năm 2014, thị trường XKLĐ nhộn nhịp nhất của chúng ta vẫn là Đài Loan, chiếm hơn một nửa tổng lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Theo đà này, liệu 2015, thị trường này có tiếp tục là một thị trường chính để tăng cơ hội việc làm và thu nhập cho người lao động Việt Nam không thưa ông?

Ông Tống Hải Nam: Theo số liệu thống kê của chúng tôi, tổng số lao động đưa đi Đài Loan cả năm khoảng 60.000 lượt lao động, là con số tăng trưởng ngoạn mục nhất mà chúng ta có thể thấy tại thị trường lao động này trong 14 năm qua. Đây không chỉ là thị trường gần gũi, thân thiện với người Việt Nam, mà còn là thị trường khá dễ tính, tiếp nhận nhiều lao động phổ thông của ta, đồng thời có mức lương cơ bản thuộc hàng khá trong các thị trường hiện có (lương cơ bản xấp xỉ 630 USD/tháng); có hành lang pháp lý bảo vệ người lao động tương đối đầy đủ. Dựa trên phân tích tình hình về những chính sách phát triển kinh tế và thúc đẩy việc làm của Đài Loan; tình hình cung ứng lao động của các nước khác, đặc biệt là Thái Lan, Indonesia, Philippines vào Đài Loan giảm dần; cùng với đó là các DN cung ứng của Việt Nam đã đẩy mạnh, nâng cao chất lượng trong việc tuyển chọn, đào tạo, đáp ứng nguồn cung cho thị trường lao động Đài Loan..., năm 2015, đây sẽ vẫn là thị trường được đẩy mạnh.

Ông Tống Hải Nam.

PV: Đi làm việc tại Nhật Bản vẫn là mong muốn của số đông lao động khi thị trường này trong nhiều năm qua đã khẳng định có sự ổn định, bền vững, thu nhập cao. Ông có thể cung cấp cụ thể nhu cầu tuyển dụng lao động Việt Nam của thị trường Nhật Bản thời gian tới?

Ông Tống Hải Nam: Nhu cầu tuyển dụng lớn nhất của thị trường Nhật Bản đối với lao động Việt Nam là thực tập sinh kỹ năng vừa học vừa làm trong thời gian tối đa là 3 năm. Trước đây, thực tập sinh Việt Nam được Nhật Bản tiếp nhận chủ yếu trong các ngành cơ khí, điện tử, dệt may. Tuy nhiên, trong khoảng 3 năm gần đây, Nhật Bản tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam trong hầu hết các ngành nghề từ xây dựng, cơ khí, nông nghiệp, chế biến thực phẩm, dệt may, trong đó, nhu cầu với các ngành xây dựng, nông nghiệp, chế biến thực phẩm tăng mạnh.

Để chuẩn bị cho Thế vận hội Tokyo được tổ chức vào năm 2020, trong 5 năm từ 2015 đến 2020, Nhật Bản dự kiến tiếp nhận số lượng lớn thực tập sinh xây dựng và xem xét việc tiếp nhận lại các thực tập sinh xây dựng đã hoàn thành hợp đồng về nước trước đây. Do đó, trong thời gian tới, các ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao của thị trường Nhật Bản dự kiến là xây dựng, cơ khí chế tạo, nông nghiệp, chế biến thực phẩm...

PV: Chính vì nhu cầu tuyển lao động Việt Nam của Nhật Bản tăng lên, các DN XKLĐ đã đổ dồn vào khai thác thị trường này. Để hạn chế rủi ro, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, việc thận trọng lựa chọn các đơn vị được phép tuyển dụng lao động là rất cần thiết. Cơ quan chức năng đã thực hiện công tác này như thế nào?

Ông Tống Hải Nam: Cục QLLĐNN đã đồng ý cho 160 DN thực hiện. Để tránh những rủi ro cho người lao động, Cục QLLĐNN đã tăng cường công tác giám sát từ khâu giới thiệu DN với Tổ chức tu nghiệp quốc tế Nhật Bản (JITCO). Chỉ những DN nào có bộ máy cán bộ chuyên trách về thị trường Nhật Bản đủ năng lực và có cơ sở đào tạo đáp ứng được yêu cầu của thị trường Nhật Bản, Cục mới ký tiến cử với JITCO; tăng cường kiểm tra thẩm định hợp đồng, Cục cũng cập nhật thường xuyên thông tin danh sách các công ty có giấy phép XKLĐ, cung cấp địa chỉ, số điện thoại, cũng như danh sách các đăng ký hợp đồng đã được Cục chấp thuận. Người lao động có thể tham khảo thêm thông tin tại trang thông tin điện tử của Văn phòng hỗ trợ lao động ngoài nước hoặc gọi điện tới đường dây nóng của Cục theo số 04.38249517 để được giải đáp.

Đào tạo ngoại ngữ cho thực tập sinh trước khi sang Nhật Bản làm việc.

PV: Mở rộng những thị trường có thu nhập cao là xu hướng mà chúng ta đang hướng đến. Theo ông, khả năng chiếm lĩnh thị trường của lao động ta như thế nào?

Ông Tống Hải Nam: Hiện, Cục QLLĐNN đang triển khai Dự án Hỗ trợ đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó có chương trình Hỗ trợ đào tạo lao động trình độ cao đi làm việc ở nước ngoài theo Thỏa thuận quốc gia hoặc theo các hợp đồng cung ứng giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác nước ngoài. Với trình độ đào tạo tiến bộ của Việt Nam hiện nay cộng với khả năng ngoại ngữ ngày càng tốt của lao động Việt Nam, khả năng tiếp cận với thị trường lao động trình độ cao ở nước ngoài của lao động Việt Nam là hoàn toàn có thể.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, cùng với sự hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015, số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài dự báo sẽ gia tăng? Nhận định của ông về bức tranh XKLĐ năm 2015?

Ông Tống Hải Nam: Trong năm 2015 có 8 ngành nghề lao động trong các nước ASEAN được tự do di chuyển thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương, gồm: kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên ngành du lịch. Nhân lực chất lượng cao, trong đó có nhân lực được đào tạo chuyên môn hoặc có trình độ từ đại học trở lên, thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, được di chuyển tự do hơn. Số lao động Việt Nam trong 8 ngành nghề nói trên hoặc có trình độ, bằng cấp đạt tiêu chuẩn sẽ có nhiều cơ hội việc làm tại các nước trong khối, đồng thời có điều kiện dễ dàng, thuận lợi hơn trong việc tận dụng những cơ hội này.

Thu Uyên (thực hiện)
.
.
.