Nhật Bản nhận nhiều tu nghiệp sinh Việt Nam

Thứ Tư, 11/05/2011, 15:57
Sau một thời gian chững lại do ảnh hưởng của thảm họa kép động đất và sóng thần, từ đầu tháng 5/2011, Nhật Bản tiếp tục tiếp nhận tu nghiệp sinh Việt Nam. Những ngành nghề mà người Nhật Bản cần để tái thiết đất nước như chế biến thực phẩm, may mặc, cơ khí, nhựa…

Nhu cầu tiếp nhận có xu hướng tăng

Qua theo dõi các hợp đồng của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động (XKLĐ) được thẩm định tại Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH 2 tháng trở lại đây, thấy rõ sự phục hồi nhanh chóng và khả quan của thị trường Nhật Bản. Số đơn hàng đi thị trường Nhật Bản chiếm tới 70% đơn hàng đã được thẩm định, trong đó nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển số lượng lớn như: Airseco, LOD, TMS HR, Letco1, Sovilaco… Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, trong tháng 4/2011 có 588 lao động Việt Nam được đưa sang tu nghiệp tại Nhật Bản, trong đó có 182 lao động là nữ.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND chiều 9/5, ông Nguyễn Gia Liêm - Tham tán, Trưởng ban Quản lý LĐVN tại Nhật Bản cho biết: Ngoại trừ một số nhà máy sản xuất hàng mà phụ thuộc vào nguyên vật liệu của các nhà máy khu vực bị sóng thần phá hủy thì gặp khó khăn hơn, còn lại, số tu nghiệp sinh (TNS) đã có kế hoạch tuyển, thì đối tác vẫn tiếp tục tuyển bình thường.

Lao động Việt Nam làm việc tại một công trình xây dựng của Nhật Bản.

Ông Vũ Công Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hợp tác lao động nước ngoài (LOD) cho biết, sau thảm họa động đất tại Nhật, chỉ có một trục trặc nhỏ xảy ra, là một số nhà máy liên quan đến sản xuất ôtô thời gian tiếp nhận lao động chậm lại, nhưng đơn hàng bị giảm không nhiều (khoảng 5-10%). Tuy nhiên, trung bình mỗi tháng LOD vẫn đưa được 20-30 TNS  sang Nhật Bản. Còn hiện tại, các ngành cơ khí, nhựa, chế biến thủy sản, nông sản, may mặc tại Nhật Bản đang rất cần lao động.

Dấu hiệu khả quan về thị trường này cũng được ông Nguyễn Xuân Vui, Tổng Giám đốc Airseco xác nhận khi vừa trở về sau chuyến công tác tại 7 tỉnh của Nhật Bản. Các đối tác của công ty này đang hợp đồng tuyển hơn 200 LĐ nam - nữ cung cấp cho các nghiệp đoàn của Nhật Bản trong các ngành nghề: Sản xuất phụ tùng ôtô, tiện kim loại, đúc - tiện, mạ - đúc, hàn hồ quang, chế biến thực phẩm, may mặc… Trong đó, có tới 80 chỉ tiêu tuyển nữ công nhân may và 52 chỉ tiêu tuyển nam công nhân hàn hồ quang. Liên tục từ 9/5 đến 10/6 sẽ có nhiều đợt đối tác thực hiện phỏng vấn lao động tại trụ sở của công ty.

Tiếp tục nâng cao uy tín của lao động Việt Nam

Theo các công ty XKLĐ sang Nhật Bản, mức độ tin cậy và ưa thích của các chủ doanh nghiệp Nhật Bản với lao động Việt Nam đang được nâng lên rõ rệt. Nhất là sự gắn bó của các TNS Việt Nam với họ trong thảm họa. Trong khi lao động của nhiều nước bỏ xưởng, bỏ chỗ làm việc, thì lao động người Việt vẫn ở lại làm việc và chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp XKLĐ Việt Nam tiếp tục khai thác thị trường này.

TNS Nguyễn Văn Phương quê Hà Tĩnh, đang làm công việc lắp ráp thiết bị nội thất cho Công ty Takara (Tokyo) cho biết: Đặc thù của người Nhật là từ tháng 3 đến tháng 10, công việc rảnh hơn, nên thời gian làm thêm ít đi. Tuy nhiên mức lương làm trong giờ hành chính cũng được 80.000 yên/tháng. Công ty Takara nơi anh làm hiện vẫn có nhu cầu tiếp nhận TNS.

Anh Phương chia sẻ, điều quan trọng để có thể làm việc tốt tại Nhật Bản là tôn trọng tính kỷ luật và sự tỉ mỉ. Trước khi sang Nhật Bản làm việc cũng cần trang bị vốn tiếng Nhật cẩn thận để có thể nắm bắt công việc và để chủ động trong ứng xử vì bên này mình phải tự lực hoàn toàn, không có ai bên cạnh. Điều nữa là cần học kỹ định hướng trước khi đi vì người Nhật rất kỹ tính, nếu đã bị họ "để ý" thì sẽ rất khó làm việc.

Ông Nguyễn Xuân Vui khẳng định, nếu lao động Việt Nam nâng cao được trình độ ngoại ngữ và bỏ một số thói xấu như bỏ trốn, nghe điện thoại trong giờ làm việc, khôn lỏi trong công việc để dồn việc dành thời gian làm thêm ngoài giờ để được tính thêm tiền… thì chắc chắn sẽ rộng mở cơ hội cho nhiều lao động Việt Nam được làm việc tại thị trường tốt, thu nhập cao, ổn định này.

Đã có gần 30.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong 4 tháng

Theo báo cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước, 4 tháng đầu năm, đã có 29.842 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Riêng trong tháng 4 là 10.028 người, trong đó, thị trường Đài Loan: 3.194 người, Hàn Quốc: 4.562 người, Malaysia: 763 người, Lào: 272 người, Campuchia: 152, Macau: 163 người, Nhật Bản: 588 người, Arab: 112 người, Cộng hoà Síp: 17 người; UAE 168 và các thị trường khác là 37 người.

Thu Uyên
.
.
.