Nhập xe “túc túc”: Một đề xuất thiếu tính thuyết phục

Thứ Năm, 13/09/2012, 10:28
Nhiều người dân có chung một nhận định: Đã một thời xe lam cũng bị coi như xe máy hiện nay, thậm chí chúng còn để lại nhiều hệ lụy phiền toái hơn xe máy. Không cẩn thận, có ngày lại đi lo "khai tử" xe túc túc. Và trên thực tế, nếu nói dùng xe túc túc cho đường liên thôn, liên xã đã không phù hợp với người dân, bởi nó gây ra rất nhiều bất tiện cho việc đi lại.

Sau hàng loạt phương án để giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn như: đổi giờ học giờ làm, làm cầu vượt nhẹ trên cao, đề xuất thu phí xe… mới đây, Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội đã trình Bộ GTVT một phương án nhằm hạn chế xe cá nhân, đặc biệt là xe máy, đó là: cho nhập khẩu và lưu hành loại xe 3-4 bánh (còn gọi là xe túc túc).

Theo đó, Hiệp hội đề nghị Bộ cho phép lưu hành loại xe túc túc trên các tuyến đường ở quận, huyện và tiếp nối với các nhà chờ xe buýt. Dù mới chỉ là đề xuất, song “sáng kiến” nhập xe túc túc của Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội ngay khi đưa ra đã nhận được vô vàn ý kiến phản đối từ phía dư luận.

Đã cấm xe lam, xe ba bánh, hà cớ gì cho nhập?

Lý giải về đề xuất của mình, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, bằng việc cho phép xe túc túc hoạt động trên đường liên xã, liên huyện sẽ có tác dụng gom khách và đón tiễn khách tại các điểm nhà chờ xe buýt. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ hạn chế được lưu lượng phương tiện là xe máy từ  ngoại thành vào nội đô. Đối với loại xe này, Hiệp hội Vận tải kiến nghị chỉ có các hợp tác xã, tổ hợp mới được mua xe theo quy hoạch của các phòng kế hoạch - hạ tầng quận, huyện…

Đề xuất nhập xe “túc túc” thay thế xe máy của Hiệp hội Vận tải Hà Nội không nhận được sự đồng thuận của người dân.

Ông Liên cũng cho biết, ngày 20/9 tới đây, Hiệp hội Vận tải Hà Nội sẽ thành lập đoàn công tác đi tham quan Hội chợ quốc tế ASEAN tại Quảng Châu và thành phố công nghiệp Liễu Châu (Trung Quốc) - trong đoàn có đại diện các đơn vị gồm xã Dương Liễu, huyện Mỹ Đức, huyện Đan Phượng, chuyên gia về môi trường GTVT... để khảo sát phương tiện và xem kỹ chất lượng, giá cả của xe túc túc.

Ngay sau khi biết được đề xuất của Hiệp hội Vận tải Hà Nội, nhiều người dân Hà Nội đã bày tỏ quan điểm phản đối. Bác Nguyễn Thị Hương, một cán bộ đã nghỉ hưu, nhà ở phố Khâm Thiên thẳng thắn chia sẻ: Tôi đã từng đi Thái Lan và đã được đi xe túc túc. Nhìn bề ngoài, xe túc túc chẳng khác nào xe lam, xe 3 bánh của ta… đã được cấm sử dụng từ năm 2008, theo Nghị quyết 32 của Chính phủ. Lý do cấm được đưa ra là do không đảm bảo an toàn giao thông, gây ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan đô thị, chở hàng hóa cồng kềnh gây ùn tắc giao thông…

Thực tế, phải mất một thời gian khá dài chúng tra mới cấm được xe ba bánh, giờ hà cớ gì lại định cho lưu hành mấy loại xe túc túc?! Và liệu đi xe này có rẻ hơn taxi không, hay nhập thêm xe để làm thành phố trở nên bát nháo hơn?!

Không chỉ có bác Hương mà nhiều người dân khác khi biết đến đề xuất này cũng đều có chung một nhận định: Đề xuất trên là chưa thuyết phục. Đã một thời xe lam cũng bị coi như xe máy hiện nay, thậm chí chúng còn để lại nhiều hệ lụy phiền toái hơn xe máy. Không cẩn thận, có ngày lại đi lo "khai tử" xe túc túc. Và trên thực tế, nếu nói dùng xe túc túc cho đường liên thôn, liên xã đã không phù hợp với người dân, bởi nó gây ra rất nhiều bất tiện cho việc đi lại. Hơn nữa, nếu đi đâu mà từ 3 người trở lên thì người dân đã gọi xe taxi, giá lại rẻ mà không bất tiện như xe túc túc.

Nhập xe “túc túc”: Ngược thời gian về... vài chục năm trước

Cũng quan điểm trên, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội Nguyễn Trọng Thông cho rằng, không thể coi túc túc như một loại phương tiện giao thông công cộng của một đô thị hiện đại. Ở phạm vi cấp làng, xã thì còn có thể chấp nhận được chứ ở thành phố, xe túc túc nếu hòa chung vào mạng lưới giao thông sẽ chiếm dụng đường rất lớn trong khi số người chở tối đa một chuyến cũng chỉ  2 - 3 người.

Ông Thông nhấn mạnh: Trong tương lai, giao thông công cộng (GTCC) thậm chí sẽ không phải xe buýt mà phải là vận tải khối lớn như metro, đường sắt đô thị... Xe buýt lúc đó chỉ là trung gian của loại hình GTCC. Ông Thông bày tỏ sự đồng tình với quan điểm của PGS Nguyễn Quang Toản cho rằng: "Ở đô thị hiện đại từ 1 triệu dân trở lên thì những phương tiện mà có sức thông quan chừng 20.000 - 30.000 hành khách/giờ thì mới là vận tải công cộng của đô thị nhiều triệu dân. Chứ còn như xe buýt hiện nay, cứ tính 5 phút/chuyến, mỗi chuyến chở 100 người, mỗi giờ chở được 1.200 người thì chẳng để làm gì cả".

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cũng cho rằng, về quan điểm Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam không đồng tình với đề xuất sử dụng xe túc túc thay thế xe máy, vì loại xe này không đảm bảo an toàn và gây ô nhiễm môi trường. Hơn nữa những nước ở xung quanh Việt Nam như Thái Lan thì đã loại bỏ loại xe này ở đô thị lớn Băng Cốc bằng việc đưa về nông thôn, giờ nếu Việt Nam lại nhập loại xe này đưa về thành phố thì hơi ngược”, ông Hùng nói.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia:

Theo cá nhân tôi thấy rằng, đề xuất  nào cũng đáng trân trọng. Song, đề xuất đấy có hợp lý hay không thì còn phải xem xét, hợp lý mới thực hiện, còn không thì thôi, chứ không phải cứ đề xuất là được đồng ý ngay. Quan trọng hơn cả, ở đây không phải là tìm loại xe gì để thay thế, mà bài toàn cơ bản vẫn là câu chuyện hạ tầng và giảm phương tiện cá nhân. Các đô thị lớn như Hà Nội với đặc điểm nhiều phố nhỏ, thì nên nhập xe buýt loại nhỏ, vừa vận chuyển được nhiều người vừa đảm bảo an toàn và môi trường, phù hợp với quy định của Nhà nước.

Vị Phó Chủ tịch cũng cho hay: Hiện tại trong các văn bản của ta chưa có quy định về xe túc túc, nếu muốn lưu hành loại xe này thì sẽ phải nghiên cứu rất kỹ, phải sửa lại nhiều văn bản luật.

T. Huyền
.
.
.