Nhập viện vì… học

Thứ Ba, 07/06/2011, 13:59
Là học sinh giỏi 12 năm liền, K. là niềm tự hào của bố mẹ, thầy cô. Bao hy vọng bỗng "tắt phựt" khi K. trượt đại học vì chỉ thiếu mất nửa điểm. K. phải nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, buồn chán, mất ngủ, không chịu ăn uống, không nói chuyện với bất kỳ ai mà chỉ giam mình trong phòng riêng với 4 bức tường…

Phải thi đỗ đại học, thi đỗ vào trường chuyên, lớp chọn cấp III đang trở thành áp lực đè nặng lên đôi vai của nhiều học sinh. Không ít em đã rơi vào trang thái rối loạn tâm lý cấp tính, trầm cảm và thậm chí có trường hợp đã phải tìm đến cái chết như một sự giải thoát khi không đạt được kết quả thi cử như mong muốn. Mùa thi đang đến gần, các thí sinh cũng như phụ huynh cần chuẩn bị cho mình tâm lý thoải mái, không kỳ vọng quá cao vào kết quả thi cử để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Rối loạn tâm lý vì áp lực thi cử

Hàng năm, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương tiếp nhận hàng chục, thậm chí đến cả trăm trường hợp học sinh, sinh viên rơi vào các trạng thái rối loạn tâm lý, trầm cảm do áp lực quá lớn của học hành, thi cử. Các bệnh nhân nhập viện đặc biệt tăng nhiều vào mùa thi tháng 6, tháng 7 trong năm. Biểu hiện của các trường hợp này thường là lo lắng, sợ sệt, mệt mỏi, mất ngủ, chán ăn… thậm chí có những em còn la hét, đập phá, lúc vui, lúc buồn bất chợt không thể kiểm soát được hành động của mình.

Như trường hợp của học sinh Nguyễn Thị Minh K., quận Đống Đa, Hà Nội nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, buồn chán, không chịu ăn uống, mất ngủ, không nói chuyện với bất kỳ ai mà chỉ giam mình trong phòng riêng với 4 bức tường. Chẳng là, K. vốn là một học sinh với kết quả học tập khá xuất sắc: 12 năm liền là học sinh giỏi. K. là niềm tự hào của bố mẹ, thầy cô. Tốt nghiệp lớp 12, K. đăng ký thi vào trường đại học có tiếng ở Hà Nội. Bao hy vọng bỗng… "tắt phựt" khi K. trượt vì chỉ thiếu mất nửa điểm.

Mặc dù với điểm số này, K. có thể nộp đơn học nguyện vọng 2 ở nhiều trường đại học và cao đẳng khác nhưng vì quá kỳ vọng mà khi nhận kết quả, em đã rơi vào tình trạng rối loạn tâm lý cấp tính với những biểu hiện "muốn sống tách biệt với cả thế giới".

Học sinh cần chuẩn bị tâm lý thoải mái để vượt qua các kỳ thi.

Hay như trường hợp của Trần Thị P., học sinh cấp III của một trường chuyên tại TP Hải Phòng. Tuy mới đang học lớp 10 nhưng P cũng đã phải nhập viện do những biểu hiện rối loạn tâm lý cấp tính.

Trước đó, P. vốn là cô bé tự tin, yêu đời và là học sinh giỏi nhiều năm liền. Sau khi tốt nghiệp cấp II, P. được bố mẹ kỳ vọng thi đỗ vào trường chuyên của TP Hải Phòng. P học ngày học đêm, hết ôn luyện trên lớp, bố mẹ lại "trang bị" thêm cho P. 2 gia sư dạy kèm các môn vào buổi tối. Tuy nhiên, sau khi thi đỗ trường chuyên, bắt đầu từ năm lớp 10, học lực của P. giảm sút một cách rõ rệt.

Vì dành quá nhiều tâm sức cho kỳ thi mà P. không còn lấy lại được cân bằng trong cuộc sống. P. rơi vào "top bét" của lớp. Kết quả học tập kém càng khiến P. thêm hoảng loạn. Em thường trực tâm trạng lo lắng, nhiều ngày không dám đến trường, lẩn tránh bạn bè, thầy cô. Bố mẹ chỉ biết chuyện khi cô giáo thông báo kết quả học tập và tình trạng của P. về nhà.

Không lạm dụng các loại thuốc tăng trí nhớ

Theo Tiến sỹ Ngô Thanh Hồi, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, khi tiếp nhận các trường hợp là các em học sinh bị rơi vào tình trạng như rối loạn tâm lý, loạn thần, trầm cảm… bệnh viện sẽ phải tiến hành song song 2 biện pháp điều trị: tâm trị liệu và dược trị liệu, tức là vừa cho các bệnh nhân uống thuốc vừa có chuyên gia tâm lý tư vấn, giải tỏa áp lực cho các em.

Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng đóng vai trò quan trọng trong việc lấy lại sự cân bằng tâm lý cho con em mình. Bởi, không ít học sinh gặp phải những rối loạn tâm lý do chịu sự tác động, áp lực về thành tích quá lớn từ bố mẹ. Nhiều trường hợp sau khi phải nhận kết quả thi không được như mong muốn, các em đã rất buồn chán. Nếu không thông cảm, chia sẻ với các em, các phụ huynh lại tiếp tục gây áp lực sẽ rất dễ khiến cho điều xấu nhất có thể xảy ra chính là việc các em tìm cách giải thoát cho mình bằng… tự tử. Các bậc phụ huynh cần hiểu khả năng, học lực của con mình đến đâu để không quá kỳ vọng vào con. Đặc biệt, không nên gây áp lực thi đỗ cho các em vì các em đã phải trải qua một mùa ôn tập căng thẳng kéo dài.

Theo Tiến sỹ Ngô Thanh Hồi, thời gian đây trên thị trường xuất hiện rất nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng được quảng cáo công dụng tăng trí nhớ, bồi bổ trí não; các loại cao dán chống buồn ngủ dành cho các thí sinh đang bước vào các kỳ thi căng thẳng. Không ít phụ huynh vì tin vào những lời quảng cáo mà mua về cho con em mình sử dụng.

Tuy nhiên, Tiến sỹ Ngô Thanh Hồi cảnh báo người nhà và các thí sinh không được lạm dụng các loại thuốc cũng như các loại chất kích thích để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra. Các thí sinh cần giữ một tư tưởng thật thoải mái trước các kỳ thi, ăn ngủ điều độ, đảm bảo giấc ngủ từ 6h-7h/ngày, thực hiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Bên cạnh đó, sẵn sàng chấp nhận kết quả thi cử nếu không được như ý muốn.

Mùa thi đang đến gần, rèn luyện sức khỏe, biết cách cân bằng trong cuộc sống không chỉ giúp các em vượt qua những kỳ thi quan trọng mà còn tăng khả năng chống đỡ stress và có lợi trong suốt cuộc đời sau này của các em

N.Hương
.
.
.