Viết tiếp loạt bài bếp ăn bán trú - hàng loạt nỗi lo khi bước vào năm học mới - Bài cuối:

Nhân rộng mô hình bếp ăn bán trú chuẩn

Thứ Sáu, 10/10/2014, 12:39
Theo bác sĩ Nguyễn Tài Dũng, Phó phòng Quản lý học sinh - sinh viên Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, bếp ăn tại trường bán trú TP Hồ Chí Minh về cơ bản đều đạt yêu cầu về qui định ATTP của y tế, được Chi cục ATTP thẩm định, kiểm tra định kỳ. Nhưng bếp ăn tại trường hiện lực lượng cán bộ chuyên trách về ATTP không có, đáp ứng yêu cầu kiểm tra của ngành y tế luôn “rối” như gà mắc tóc, không làm nổi.
>> Lấy an toàn làm chuẩn cho bữa ăn học đường

Riêng với các trường đặt bên ngoài, Sở GD-ĐT yêu cầu phải đặt tại công ty cung cấp SĂS được cơ quan chức năng y tế thẩm định, có cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP của Chi cục ATTP, Đặc biệt, chỉ được ký hợp đồng với cơ sở có địa điểm mà khoảng cách cự ly tới trường đảm bảo khi thức ăn mang vào trường cho HS không quá 2 giờ. Hạn chế vận chuyển làm đồ ăn biến chất.

Thực tế nhiều năm qua, khi tháp tùng các đoàn kiểm tra của y tế học đường tới thăm quan bữa ăn của HS bán trú thì ghi nhận thực đơn của HS trường tiểu học chỉ quanh quẩn các món chiên xào làm trẻ phát ngán. Món chính đơn điệu như: trứng chiên, cá basa lăn bột, canh rau muống; thịt xào đậu que cà rốt và canh cải thảo;... cuối tuần lại quay về chả cá chiên và canh cải ngọt,... bữa ăn chiều nghèo nàn và tiềm ẩn nhiều nỗi lo: hộp kem, sữa chua, rau câu, đặt cơ sở bên ngoài mang tới, hiếm hoi mới có tô phở, bánh canh, tô nui cho HS… hậu quả là HS tiểu học ít khi ăn hết suất cơm, cha mẹ đứng đón con ở cổng trường thường mua sẵn một hộp thức ăn nhẹ. Có khi bé đói ăn ngay tại cổng trường mới về nhà. Có khi sáng ra trong ba lô đi học của con, cha mẹ phải thủ sẵn cho con chiếc xúc xích, hộp sữa Vinamilk nhằm bổ sung dinh dưỡng cho trẻ.

Cô cấp dưỡng hướng dẫn cho học sinh về dinh dưỡng thông qua chương trình “Ba phút thay đổi nhận thức” tại Trường TH Trưng Trắc, quận11.

Về tiến độ thực hiện đại trà “Bộ thực đơn chuẩn bữa ăn bán trú” cho HS TP Hồ Chí Minh theo đánh giá của các chuyên gia dinh dưỡng, 40 bộ thực đơn chuẩn này, được áp dụng cho khối TH TP Hồ Chí Minh đảm bảo liên tục trong 2 tháng, quay vòng các món ăn không bị trùng lắp, tránh sự nhàm chán cho HS. Tuy nhiên theo BS Dũng, có khó khăn là khi đưa bộ thực đơn này vào các trường do phải tăng thêm đầu việc, tăng nhân sự cho việc chế biến thêm món rau, và nấu bữa ăn chiều như: phở, miến, bún, hủ tíu, chưa hết, còn phải chuẩn bị cho mỗi HS được uống 180mlsữa/bữa, thay thế cho việc trước đây là mua bánh, sữa bên ngoài mang vào, nên dạo đầu các trường có hơi lúng túng. Ban đầu, HS các trường và PH cũng phản ứng. Cả tuần HS nhăn nhó vì đều được ăn món cà rốt chế biến theo kiểu lạ miệng, nhưng cho tới nay, sau hai năm triển khai, bữa cơm rau củ quả được tăng cường được HS đón chào hào hứng, không còn kêu cô giáo là “sao món ăn kỳ kỳ!” nữa! Mức phí bữa ăn bán trú của bộ thực đơn này là 25.000 đ/ngày, theo BS Dũng mới đủ điều kiện triển khai. Thời gian tới, Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục xây dựng thực đơn chuẩn cho cấp THCS, THPT.

Cũng theo BS Dũng, hiện Sở GD-ĐT cũng chỉ đạo các trường còn đang phải đặt SĂS bên ngoài của các công ty phải giao kèo, cam kết trong hợp đồng đưa bộ thực đơn chuẩn đang triển khai vào suất ăn. Bếp ăn tự túc tại các trường hiện theo chỉ đạo kiên quyết của Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh: Phó Hiệu trưởng phụ trách bán trú chịu trách nhiệm hoàn toàn. Thực hiện nghiêm ngặt kiểm soát ATTP theo “3 bước”: trước, trong và sau khi chế biến, trước khi đưa cho HS ăn, phó hiệu trưởng phụ trách bán trú phải tự nếm trước. Phát hiện kịp thời những biểu hiện lạ nếu bữa ăn có vấn đề. Phòng y tế trường lưu mẫu thực phẩm, có sổ ghi chép hằng ngày từng món ăn theo cảm nhận, cảm quan, màu sắc…

Về vấn đề 1,3 tỷ đồng đầu tư theo bếp ăn chuẩn được thí điểm tại TH Trưng Trắc, quận 11, theo ông Dũng, đó là tổng kinh phí thực hiện gồm cả xây dựng CSVC, sắm thiết bị. Do đó, tuỳ theo từng điều kiện mỗi trường mà có thể áp dụng từng phần của bếp ăn chuẩn này. Ví dụ như đầu tư cho một bộ rửa, sơ chế thịt và rau với tính năng thông minh vừa loại bỏ tạp chất, vừa lọc bớt tỉ lệ mỡ trong miếng thịt gia súc gia cầm chế biến, hay hệ thống xử lý ngầm nước thải, hệ thống an toàn phòng cháy trong bếp... từng trường nghiên cứu có thể đáp ứng được từng phần. Lâu nay, các trường đã nỗ lực áp dụng, đầu tư bếp ăn qui trình một chiều thì giờ đây là: học hỏi, đầu tư trang thiết bị hiện đại, đảm bảo ATTP. “Tùy theo các trường điều kiện mà có thể sắm dần từng hạng mục, đưa vào kế hoạch CSVC từng trường, không cần thiết xây mới bếp ăn chuẩn hoàn toàn như TH Trưng Trắc. Sở GD-ĐT đang chuẩn bị tổ chức họp, lấy ý kiến của lãnh đạo bán trú các trường, lãnh đạo UBND quận huyện, hiệu trưởng các trường, phòng quản lý GD quận, huyện  tới tham quan mô hình bếp ăn chuẩn của TH Trưng Trắc, quận 11 và bàn thảo từng bước xây dựng mô hình bếp ăn theo hướng đạt chuẩn như trên. “Theo quan điểm của chúng tôi là tiên phong, cố gắng, nỗ lực nhưng không nóng vội”. BS Dũng nói.

Về thực đơn bữa ăn chuẩn được triển khai tại các trường TH, Hiệu trưởng Trường TH Kim Đồng cũng nhận xét: Chúng tôi đã được Công ty Ajinomotor mời tới dự hội thảo công bố, giới thiệu các thực đơn này, lúc đầu khi áp dụng tuần đầu tiên tại trường, chúng tôi đã gặp lo lắng từ phía phụ huynh, phản ánh có em cả tuần đầu ăn ít ở trường, nói món ăn không hợp khẩu vị, như: canh rau dền nấu với khoai lang. Giáo viên trong trường cũng tạm ra ngoài ăn vì thấy chưa quen, nhưng hiện tại đã quen hơn và nhà trường đang tìm cách áp dụng dần.

Xung quanh việc khả thi của bếp ăn 1,3 tỉ như TH Trưng Trắc quận 11, một phụ huynh đang có con học tại Trường TH Lê Ngọc Hân, quận 1 phát biểu: Phụ huynh nào thì cũng ước mơ con được học ở một ngôi trường có bếp ăn tốt, hiện đại như TH Trưng Trắc. Cái khó ở đây là con số đầu tư. Đề án này cần nghĩ tới hướng làm sao cho các trường được vay kinh phí, cùng sự đồng thuận của phụ huynh đóng góp san sẻ cho nhau. Tùy từng em có số năm ăn, học tại trường mà phân chia số tiền đóng góp mỗi năm là bao nhiêu, có thể năm học cuối tại trường được giảm đi, phụ huynh có con vào học năm đầu  “gánh” phần nhiều hơn. Mức góp 50.000 đ/năm/một phụ huynh mà con được ăn no, an toàn, đảm bảo sức khỏe thì nếu được sự nhất trí của PH là điều không khó lắm!

Huyền Nga
.
.
.