Nhan nhản rao bán bảo hiểm xe máy siêu rẻ

Thứ Sáu, 07/06/2013, 22:28
Rao bán bảo hiểm xe máy giá rẻ, có khuyến mại hậu hĩnh đang nhan nhản trên thị trường Hà Nội. Giá bán bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe máy rẻ hơn từ 20 đến 30%, thậm chí rẻ bằng một nửa nếu khách mua từ 5 xe trở lên đang khiến người tiêu dùng băn khoăn. Trên thực tế đã từng xảy ra vụ việc làm giả bảo hiểm xe máy, nên việc rao bán giá rẻ bảo hiểm loại phương tiện này khiến người có nhu cầu băn khoăn!

Rao bán bảo hiểm xe máy giá rẻ không phải bây giờ mới xuất hiện mà nó tồn tại khá lâu ở Hà Nội. Tuy nhiên, hiện nay nó biến tướng sang dạng kín đáo hơn, giá siêu rẻ hơn.

Theo Nghị định 103/2008/NĐ-CP của Chính phủ về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và Thông tư 126/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đều quy định rõ, khi bán bảo hiểm này cho chủ xe cơ giới, doanh nghiệp phải bán đúng mức phí theo quy định và không được khuyến mại dưới mọi hình thức. Với xe môtô 2 bánh công suất từ 50cc trở xuống là 55.000đ/năm và trên 50cc là 60.000đ/năm (chưa bao gồm thuế VAT). Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, trên thị trường đang xuất hiện nhan nhản quảng cáo rao bán bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe cơ giới với giá siêu rẻ hơn rất nhiều.

Qua quảng cáo, chúng tôi có được số máy điện thoại 090.2325… của một người bán hàng tại TP Hồ Chí Minh. Trong vai người mua bảo hiểm, chúng tôi được người này đưa ra các mức giá rẻ đến bất ngờ: 35.000đ/xe/năm. “Nếu chị mua 2 xe em giảm xuống còn 33.000đ/xe/năm thôi. Mua trên 5 xe thì còn có 30.000đ/xe/năm” - người này cho biết. Quá bất ngờ trước thông tin trên, tôi hỏi lại: “làm thế nào để đảm bảo đây là bảo hiểm xịn” thì người này nói ngay: “chị yên tâm, ngày nào em chẳng bán được vài chục cái, phải giữ chữ tín chứ”.

Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam khuyến cáo, khách hàng nên mua bảo hiểm xe cơ giới tại các điểm đăng ký xe.

Không khó để tìm mua được bảo hiểm xe cơ giới, đặc biệt là xe máy với giá rẻ. Chỉ cần nhấp chuột, vào các trang rao vặt là đã thấy tràn ngập các lời mời chào mua bảo hiểm xe máy giá rẻ. Không chỉ siêu rẻ, họ còn quảng cáo khuyến mại rùm beng, nào là tặng mũ bảo hiểm, áo mưa, mua 1 tặng 1 và chuyển hàng miễn phí tận nhà. Mua bảo hiểm xe máy vừa dễ dàng, giá lại rẻ nên nhiều chủ xe đã lựa chọn hình thức mua trên mạng. Thậm chí, thời hạn bảo hiểm khách yêu cầu ghi ngày nào thì người bán cũng chiều theo. Nhưng liệu khách hàng có gặp rủi ro với hình thức mua bán này không? Bởi trên thực tế, bán hàng qua mạng đã xuất hiện trò lừa đảo, khi khách hàng gửi tiền vào tài khoản đã không nhận được hàng mà điện thoại rao vặt cũng khóa máy.

Việc rao bán bảo hiểm giá rẻ trên mạng hiện nay là việc làm sai luật. Đối tượng bán bảo hiểm giá rẻ chủ yếu là sinh viên, người lao động được thuê bán. Trên thực tế, vào cuối năm 2012 đã xảy ra vụ việc nhân viên khai thác bảo hiểm tại Chi nhánh Công ty CP Bảo hiểm PJICO Sài Gòn và nhân viên Chi nhánh Công ty CP Bảo hiểm PJICO Gia Định thuộc Công ty CP Bảo hiểm Petrolimex cấu kết với nhân viên thiết kế bao bì đã làm giả 2.500 cuốn giấy chứng nhận bảo hiểm xe máy của hai Chi nhánh này để giao cho 6 đại lý tại TP Hồ Chí Minh bán cho 2.442 khách hàng để thu lời bất chính hàng trăm triệu đồng. Do vậy, mua bảo hiểm giá siêu rẻ trôi nổi qua các đại lý di động rất dễ bị mắc lừa. Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam khuyến cáo, chủ xe cơ giới nên mua bảo hiểm ở những điểm bán uy tín như các điểm nộp phí trước bạ, đăng ký xe, cây xăng, đại lý bảo hiểm… Đặc biệt nên cẩn trọng khi chọn lựa mua bảo hiểm xe máy ở nơi rao bán giá rẻ. Nếu có thắc mắc thì phải gọi điện ngay đến số điện thoại đường dây nóng in trên bảo hiểm.

Tràn lan rao bán bảo hiểm xe máy giá rẻ sai luật, ai chịu trách nhiệm? Theo ông Lộc thì Bộ Tài chính và Hiệp hội bảo hiểm đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra và chấn chỉnh, xử lý việc kinh doanh bảo hiểm trách nhiệm chủ xe máy sai quy định. Tuy nhiên, việc xử lý rất khó vì trên giấy chứng nhận vẫn ghi đúng số tiền theo quy định. Do vậy, đoàn kiểm tra phải sử dụng biện pháp nghiệp vụ để bắt quả tang thì mới có căn cứ xử phạt. Gần đây, một số DN như Công ty CP Bảo hiểm Bưu điện, Công ty bảo hiểm Bic đã có giải pháp chấn chỉnh như thu hồi lại các biển quảng cáo kinh doanh sai quy định trên các tuyến đường; nhắc nhở đại lý…

Để chấn chỉnh tình trạng trên, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính đã ra công văn yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm phải dừng ngay những sai phạm. Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cũng gửi công văn đề nghị Bộ Tài chính xử phạt, cách chức Giám đốc Chi nhánh, tạm dừng có thời hạn việc triển khai bảo hiểm xe cơ giới với các công ty bán bảo hiểm siêu rẻ. Những động thái này phần nào đã khiến cho người bán bảo hiểm siêu rẻ tạm thời lui vào bóng tối. Nhưng sau đó nó lại bùng phát và khó chấm dứt. Có doanh nghiệp bị xử phạt nhưng vẫn “điếc không sợ súng”.

Việc giảm giá, khuyến mãi, ghi thời hạn chứng nhận trên giấy chứng nhận bảo hiểm nhiều hơn 1 năm, mỗi nơi bán một giá là không đúng theo quy định. Thiết nghĩ, để không còn tồn tại việc làm sai luật này, cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý và kiểm tra hơn nữa, ngoài chấn chỉnh cần phải có biện pháp mạnh để xử lý những đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân sai phạm

Trần Hằng
.
.
.