Nhân lên nét đẹp sinh viên giữa đời thường

Chủ Nhật, 01/04/2012, 18:47
Hưởng ứng Tháng thanh niên 2012, hàng nghìn sinh viên của nhiều trường đại học đã tỏa đi khắp các nẻo đường đất nước, góp sức trẻ vì cộng đồng. Hình ảnh những bạn sinh viên nét mặt rạng ngời, nhiệt tình hướng dẫn giao thông ở Hà Nội cũng gây ấn tượng mạnh. Nhưng, không phải ai cũng cảm nhận được điều đó.

1. 17h ngày 29/3, ngã tư Phan Chu Trinh - Hai Bà Trưng (Hà Nội) đông xe cộ qua lại. Một cụ già loay hoay giữa đường cùng chiếc xe đạp. Bàn tay, bàn chân cụ run lẩy bẩy. Ngay lập tức, hai sinh viên trong màu áo xanh tình nguyện đến gần đỡ cụ. Cụ già dùng chiếc xe đạp làm điểm tựa, cậu sinh viên đỡ cánh tay cụ, từng bước, từng bước kiên nhẫn đi giữa dòng xe đông đúc trong giờ tan tầm. Chiếc xe đạp cùng một già một trẻ đi lên Vườn hoa 19-8 cạnh Nhà hát lớn. Cậu sinh viên đưa cụ già ngồi cùng mấy bà cụ đang nghỉ tại đó rồi nhẹ nhàng dắt chiếc xe đạp, dựng ngay bên cạnh cụ già. Xong việc, cậu trở về vị trí cũ, nơi ngã tư, tiếp tục cùng bạn hướng dẫn giao thông.

Hành động của cậu sinh viên tình nguyện thật đẹp. Có lẽ bất kỳ một sinh viên nào khi đã khoác trên mình chiếc áo xanh đặc biệt, cùng bạn đứng trên đường, tham gia những công việc hữu ích cho cộng đồng thì đều hành động như thế. Vậy nên, dù là cậu sinh viên đứng ở ngã tư đường phố hay cô sinh viên giúp dân trên vùng núi cao thì cũng như nhau. Bởi họ đã có ý thức tham gia hoạt động xã hội, có ý thức với cộng đồng thì đương nhiên họ sẽ biết giúp đỡ người khác. Vì thế, Tháng thanh niên đã tạo được hiệu ứng rất tốt, phát huy ý thức của thế hệ trẻ trước xã hội, trước những trọng trách mà họ sẽ kế tục lớp trước để xây dựng đất nước.

2. Góc ngã tư Lý Thường Kiệt - Bà Triệu giờ cao điểm sáng. Hai sinh viên tình nguyện đứng hai bên cầm lá cờ nhỏ trên tay và tiếng còi làm hiệu lệnh hướng dẫn giao thông. Dù rằng đèn tín hiệu giao thông vẫn hoạt động bình thường nhưng không phải ai cũng chấp hành nghiêm chỉnh. Hễ không có bóng Cảnh sát giao thông thì thể nào cũng có người vượt đèn đỏ. Giờ cao điểm, một vài người đi "lạc đường" cả hai chiều như thế, ùn tắc, tai nạn giao thông sẽ xảy ra. Vậy nên, sự xuất hiện của những sinh viên tình nguyện tại các giao điểm này đã nhắc nhở người tham gia giao thông chấp hành đèn tín hiệu. Nhưng, mặc kệ sự cảnh báo của hai sinh viên, một số người dân vẫn vô tư làm trái hiệu lệnh. Lá cờ phất lên, tiếng còi tuýt vang, có anh thanh niên vẫn dấn chân ga vượt lên.

Ý thức của người coi thường pháp luật như thế thật đối lập với ý thức của những sinh viên tình nguyện. Ý thức cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng giao thông rối ren hơn. Chẳng thế mà khi phân làn đường bằng vạch sơn, bằng bảng chỉ dẫn trên cao không mấy hiệu quả, các nhà quản lý phải cưỡng chế phân làn cố định.

Tôi trò chuyện với Phan Anh - sinh viên năm thứ nhất Đại học Kinh tế quốc dân tại chính ngã tư này, cậu tâm sự: "Thỉnh thoảng cũng có người vượt đèn đỏ, họ không để ý đến bọn em. Nhưng không sao, bọn em vẫn sẽ đứng đó để nhắc người tham gia giao thông tuân thủ luật giao thông. Lâu dần sẽ có hiệu quả". Niềm tin của cậu sinh viên tràn đầy như sức trẻ của lứa tuổi thanh niên. Hai chiều ý thức trái ngược nhau, một bên tham gia giao thông vô ý thức, một bên cố gắng làm thay đổi sự vô ý thức đó. Niềm tin mãnh liệt ấy chắc chắn sẽ làm thay đổi ý thức của không ít người tham gia giao thông

Việt Hà
.
.
.