Nhạc đám biến thái

Thứ Tư, 10/05/2006, 07:59
Chiếc xe đang bon bon trên con đường vào khu Tân Quy, quận 7, TP HCM, bỗng tài xế khựng lại bởi một cái rạp xanh đỏ đứng chình ình chắn gần hết lối của con đường rộng hơn 8m. Một đám pê-đê váy ngắn, áo dây như đồ bơi đang múa lửa và làm xiếc. Tưởng một ban nhạc vườn đang tập dượt, ai ngờ ở đây đang tổ chức một đám ma.

Gần đây, ở một số bộ phận dân cư rộ lên phong trào mướn ban nhạc về nhà giúp vui cho đám cưới, giúp buồn cho đám ma... Và từ đây, nhiều nghi thức đã bị biến tướng đến khó tin. Nhiều đám ma ồn ào chẳng khác nào một đại nhạc hội với đủ âm thanh, hình thức biểu diễn như: Làm xiếc, múa lửa... Đám cưới, đám thôi nôi, tân gia, khai trương... tất tật đều mướn nhạc về... cho "xôm tụ". Những ban nhạc "tạp pí lù" này được nước ăn theo và ngày càng phá cách theo chiều hướng "dở hơi" đến mức báo động.

Để khỏi "ế xô", nhiều ban nhạc phục vụ cả đám cưới lẫn đám ma. Và nhiều chuyện "tức cười" đã xảy ra. Đám cưới là ngày vui, ngày hạnh phúc nhưng các "ca sĩ " phục vụ đám lại cứ thi nhau "tình đơn phương", "hận tình"... Đám ma là để người sống bày tỏ nỗi buồn, sự tiếc thương đối với người đã khuất nhưng nhiều quận ngoại thành ở TP Hồ Chí Minh này cứ mạnh ai nấy hát; cứ tưng bừng như đang vui vẻ: nào thì "yêu nhau mê say, yêu hết con tim...", nào thì "tiểu thư con gái nhà ai, sao mà yêu, sao mà thương, sao mà chiều..." và đủ các thứ nhạc trẻ vui nhộn khác từ "tóc em đuôi gà", "lời tỏ tình dễ thương" đến "mắt nai chachacha"...

Rồi còn các màn chế nhạc rất "lãng xẹt". Từ lời giới thiệu đến nội dung bài hát. Đơn cử: "Tóc em dài em đi trong nắng, tóc em ngắn em đi trong mưa, tóc em lưa thưa em đi trong gió, tóc em không có em đi vô chùa. Sau đây là bài hát "tóc em đuôi gà"... Nhiều ban nhạc còn bày ra các tiết mục hài tại đám ma hết sức vô duyên như: "Để giúp vui cho khán thính giả khỏi buồn ngủ lo ma chay cho người thân vui lòng yên nghỉ sau đây là bài hát...". Vì hát theo kiểu "mỗi bài 10 ngàn đồng" nên các "ca sĩ" sẵn sàng hát từ chập choạng tối đến sáng.

Đám nào kinh tế eo hẹp còn đỡ, đám nào "giàu có, chịu chơi" thì các gia đình hàng xóm lân cận chỉ còn nước "cắn răng chịu phiền". Để chứng tỏ sự giàu có của mình, nhiều người còn thuê đến 2-3 ban nhạc, kèn Tây, nhị, trống đủ cả, và các "ca sĩ" phục vụ đám này đều mang tư tưởng "hát cho đã"; và để cho "xôm tụ" họ đa phần "hét nhiều hơn hát". Nhiều đám thôi nôi, tân gia, khai trương cũng linh đình không kém. Để cho khí thế thì phải vừa hát vừa uống bia, rượu, rồi còn giao lưu chủ khách. Nhiều trường hợp "rượu vào lời ra" còn xông vào đánh nhau, thế là từ đám vui thành đám buồn.

Thuê ban nhạc về phục vụ đám tại gia ban đầu chỉ đơn thuần là mướn loa, nhạc cho đám cưới; mướn nhị, kèn, tụng kinh cho đám ma. Và chỉ trong chừng mực văn hóa, lễ nghi. Sau này, do cạnh tranh giữa các ban nhạc theo kiểu "mạnh ai nấy chế" nên các ban nhạc đám mới thành một thứ "lẩu hổ lốn" như hiện nay.

Đã đến lúc các cơ quan văn hóa cần chấn chỉnh lại các hoạt động này, đừng để các ban "nhạc thập cẩm" biến các nghi lễ thành những trò chọc cười "lãng nhách" vừa không văn hóa vừa ảnh hưởng đến trật tự địa phương

Ngọc Hân
.
.
.