Kiểm tra phòng cháy ở một làng nghề:

Nhà xưởng không lối thoát nạn, lao động không biết dùng bình chữa cháy

Chủ Nhật, 06/09/2015, 09:00
Cả nước có khoảng 5.000 làng nghề với hơn 10 triệu lao động, họ luôn phải đối mặt với nguy cơ cao về cháy nổ.

Cơ sở sản xuất không có lối thoát hiểm, vật liệu dễ cháy để sát nguồn nhiệt, người lao động không biết sử dụng bình chữa cháy, không kiến thức về phòng cháy, chữa cháy… Đó là thực trạng đáng lo ngại mà Đoàn kiểm tra của Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC-CNCH) Bộ Công an ghi nhận tại làng nghề Triều Khúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội ngày 4/9.

Nhà xưởng không  lối thoát nạn

Cơn mưa sáng 4/9 làm không khí dịu mát hơn hẳn những ngày trước đây. Thế nhưng, bên trong các cơ sở sản xuất ở làng nghề xã Tân Triều vẫn nóng hừng hực. Mùi hóa chất, mùi ma sát của máy móc bốc lên nhức đầu, ngột ngạt. Công ty TNHH In Hà Việt nằm ngay trục đường lớn của xã Tân Triều với diện tích mặt bằng khoảng 500m² với 3 tầng xưởng. 

Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cục CS PCCC và CNCH kiểm tra công tác PCCC tại Công ty Hà Việt.

Mặt sàn các tầng và cầu thang được lắp ghép, tạm bợ, trần lợp xốp dưới mái tôn, gần đường dây điện thả lõng thõng. Toàn bộ diện tích nhà xưởng của công ty này chất ngồn ngộn vật liệu in, máy in chẳng theo hàng lối. Dù có hai lối vào ra, nhưng một cửa đã bị bịt kín. Nhìn cánh cửa sắt đóng kín, máy móc chất đầy xung quanh, tôi liên tưởng đến vụ cháy cơ sở sản xuất dép ở Hải Phòng gây tử vong cho hơn chục người cũng do bịt mất lối thoát nạn.

Thiết bị chữa cháy hư hỏng không sử dụng được.

Bà Vũ Thị Hà, Phó Giám đốc công ty lúng túng khi được hỏi về thiết bị PCCC và công tác tập huấn cho người lao động về an toàn phòng cháy. Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC-CNCH, Trưởng đoàn kiểm tra gọi một lao động nữ cầm bình chữa cháy mini ở góc xưởng, hỏi: “Em có biết cách sử dụng bình này không?”. Cô gái trả lời: “Không ạ”. Ngoài lớp bụi bám đen kịt vỏ, chiếc bình xịt chữa cháy còn gỉ sét khi thao tác, bột chữa cháy rơi lả tả ngay dưới chân người cầm bình, không đảm bảo yêu cầu chữa cháy.

Điều đáng lo ngại hơn nữa khi đoàn kiểm tra lên tầng 3 đã nhìn thấy không gian sinh hoạt của cả gia đình chủ cơ sở, có lớp kính chịu lực bao quanh. Khi đóng cửa, gian phòng đó trở thành một thế giới riêng “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, vô cùng bất lợi cho công tác chữa cháy và thoát hiểm. Công ty Hà Việt có 40 lao động, nhưng những lao động được hỏi trong buổi kiểm tra đều không nắm được kiến thức PCCC. Vật liệu sản xuất của công ty này đều là giấy, bao bì bằng giấy. Thiết bị sản xuất vẫn quay đều bên trên, còn ngay bên dưới là giấy, là nhiên liệu dễ cháy dùng cho sản xuất…

Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC-CNCH cùng đoàn công tác kiểm tra kỹ năng sử dụng bình chữa cháy của Công ty In Hà Việt.

Cần di dời cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư

Nằm trong khu vực quy hoạch làng nghề tập trung, Công ty Sản xuất phụ kiện ngành may Trung Dũng có diện tích nhà xưởng rộng gần 1.000m2, bố trí máy móc và phương tiện PCCC khá đầy đủ. Hộp cứu hỏa với đường ống dẫn nước cứu hỏa của doanh nghiệp này cho thấy người đứng đầu cơ sở đã quan tâm tới công tác phòng cháy. 

Ngoài thiết bị chuyên dụng, cơ sở này còn bố trí các thùng nước lớn với xô múc nước chữa cháy có cảnh báo dành riêng cho cứu hỏa. Tuy nhiên, quá trình kiểm tra, đoàn kiểm tra vẫn phát hiện những thiếu sót như lối thoát nạn chưa hợp lý, thiếu đèn báo… Nhưng dù sao, các cơ sở sản xuất ở nơi quy hoạch riêng của khu vực làng nghề đã đảm bảo khá tốt công tác PCCC.

Quá trình kiểm tra, đoàn kiểm tra vẫn phát hiện những thiếu sót trong công tác PCCC ở làng nghề Triều Khúc.

Làng nghề Triều Khúc chủ yếu sản xuất chỉ sợi, phụ kiện ngành may, ngoài ra có một số cơ sở làm dịch vụ ngành in, kinh doanh, tái chế phế liệu, có nhiều vật liệu dễ cháy cùng với lượng tiêu thụ điện, gas, là nguy cơ thiếu an toàn cho công tác PCCC. Ngoài 31 cơ sở thuộc diện quản lý đặc biệt về PCCC, làng nghề còn có 33 hộ kinh doanh cá thể liên quan đến công tác PCCC, 18 hộ kinh doanh cá thể buôn bán và kho chứa thành phẩm phục vụ ngành may. 

Theo báo cáo của xã Triều Khúc, từ năm 2012 đến nay chỉ xảy ra 3 vụ cháy nhỏ và được khắc phục kịp thời, nguyên nhân chủ yếu do một số hộ thu gom, tái chế phế liệu chưa có ý thức chấp hành các quy định về PCCC. Tuy nhiên, những sơ hở, sự lơ là chủ quan phòng cháy ở nhiều cơ sở làng nghề cho thấy, nguy cơ cháy lúc nào cũng tiềm ẩn. Và nếu xảy ra cháy thì hậu quả sẽ vô cùng nặng nề. Có phần lỗi quan trọng là do chính chủ cơ sở sản xuất chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà không đầu tư cho hệ thống PCCC, phần nữa là do công tác tuyên truyền về PCCC chưa đạt hiệu quả, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm còn lỏng lẻo…

Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH tặng thiết bị chữa cháy cho UBND xã Tân Triều.

Để đảm bảo an toàn PCCC, về lâu dài, quy hoạch làng nghề, đưa cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư là đặc biệt quan trọng. Ông Nguyễn Hữu Vỵ, Chủ tịch UBND xã Tân Triều cho biết, xã đã có khu làng nghề tập trung, Công an xã cũng đã xây dựng chuyên đề “Đảm bảo ANTT và PCCC tại khu làng nghề tập trung”. Tuy vậy, thực tế hiện nay vẫn tồn tại rất nhiều cơ sở nằm lẫn trong khu dân cư, vừa là nơi sản xuất, vừa là nơi ở. Đây là tình trạng chung ở nhiều làng nghề trên cả nước như làng nghề giấy Phong Khê ở Bắc Ninh, làng nghề ở Nam Định, Hưng Yên…

Đợt kiểm tra chuyên đề PCCC ở các làng nghề sẽ giúp cơ quan Cảnh sát PCCC xác định những lỗ hổng, thiếu sót, bất cập để đưa ra giải pháp đảm bảo an toàn phòng cháy cho các làng nghề trên cả nước.

Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC-CNCH: Để đảm bảo an toàn PCCC tại các làng nghề, trước mắt phải kiểm tra phát hiện sai phạm, yêu cầu chủ cơ sở khắc phục sai phạm mà Cảnh sát PCCC đã kiểm tra, nhắc nhở. Về lâu dài, các cơ sở này phải thực hiện đúng quy định của pháp luật là di dời cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao ra nơi an toàn. Điều đó quy định rất rõ trong Luật PCCC sửa đổi và gần đây nhất là Chỉ thị 47/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC.

Việt Hà
.
.
.