Nhà xe tăng giá và cần sự mạnh tay của cơ quan quản lý

Thứ Năm, 26/12/2013, 13:59
Trong khi Chính phủ cũng như ngành Giao thông, Ban ATGT các tỉnh, thành đều có yêu cầu không tăng giá vé quá cao trong dịp Tết này để chia sẻ với người dân. Thì tại thời điểm này, tại Bến xe miền Đông nhiều nhà xe đã thông báo tổ chức phụ thu thêm giá vé. Tương tự, tại Bến xe Mỹ Đình, 7 đơn vị cũng đã thông báo tăng cước.  Tăng bao nhiêu, tăng thế nào cho vừa, cho đủ vẫn là câu chuyện dài.

Song nhìn từ việc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh có văn bản đề nghị Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ngãi phối hợp, đình chỉ hoạt động hãng xe Chín Nghĩa trên tuyến TP Hồ Chí Minh – Quảng Ngãi và ngược lại, đồng thời, yêu cầu hãng xe Chín Nghĩa phải hoàn trả lại số tiền thu thừa của khách, thì người dân mới ngợ ra rằng, nếu cơ quan chức năng mạnh tay, thì các doanh nghiệp khó lòng làm ẩu. Hành trình đi lại dịp Tết của mỗi nhà sẽ bớt gian nan, bớt khó khăn nhường nào.

Tính đến nay, tại Bến xe Mỹ Đình đã 7 doanh nghiệp vận tải có thông báo tăng giá cước. Cụ thể, HTX Vận tải vệ sinh môi trường Thanh Bình chạy tuyến Hà Nội - Tuyên Quang tăng từ 75.000đ - 85.000đ (13%) từ ngày 8/12; Công ty TNHH Văn Minh tăng hai tuyến Hà Nội - Hà Tĩnh, Hà Nội - Vinh từ 220.000đ lên 230.000đ (5% từ ngày 10/12); Công ty CP Đại Phúc chạy tuyến Hà Nội - Kim Bảng từ 38.000đ lên 43.000đ (13% từ 14/12); Công ty Hùng Cúc chạy tuyến Hà Nội-Vinh nâng giá từ 180.000 đồng lên 200.000đ (11%); HTX Linh Trang có tuyến đi Bảo Yên cũng nâng từ 150.000 lên 170.000đ (13%); Tổng Công ty Bưu chính Viettel có xe chạy Cao Bằng cũng nâng từ 140.000đ - 160.000đ (14%); Công ty TNHH Tuấn Việt chạy tuyến Đô Lương cũng nâng từ 170.000đ - 200.000đ (18%).

Còn tại Bến xe Giáp Bát, lãnh đạo bến xe cũng cho hay, vì là hạn cuối cùng cho các doanh nghiệp nộp thông báo tăng giá cước là vào ngày 15-1, nên đến nay các doanh nghiệp vẫn bình chân, chưa có động tĩnh gì về việc tăng giá. Tuy nhiên, theo phán đoán của vị giám đốc này thì, chắc chắn sẽ có việc tăng giá trên một số tuyến trọng điểm.

Các doanh nghiệp vận tải sẵn sàng phục vụ Tết.

Tương tự, tại Bến xe miền Đông - TP Hồ Chí Minh, một trong những bến xe có quy mô lớn nhất Việt Nam, đã có thông báo về thời gian bán vé xe chạy từ TP.HCM về các tỉnh, TP trong cả nước trong dịp Tết 2014 sắp tới. Theo đó, bắt đầu từ 7h30 – 17h ngày 1 đến 26/1/2014 (1 đến 26 tháng Chạp Âm lịch), bến xe sẽ tổ chức bán vé xe dự kiến cho khách đi cao điểm nhất, từ ngày 26 đến 28/1/2014 (26 đến 28 tháng Chạp Âm lịch). Đặc biệt, đối với các tuyến xe đi miền Bắc, Bến xe Miền Đông sẽ tổ chức bán vé sớm hơn 5 ngày. Năm nay, dự kiến trong những ngày cao điểm của dịp Tết, sẽ có khoảng từ 45.000 - 48.000 lượt khách xuất bến. Để bù đắp cho xe chạy rỗng chiều ngược lại, Bến xe Miền Đông sẽ tổ chức phụ thu thêm giá vé so với mức bình thường từ 20 - 60% vào những ngày cao điểm.

Cụ thể, với tuyến đi Huế trở ra phía Bắc, phụ thu thêm 20% giá vé từ ngày 15 đến 17/1/2014 (15 đến 17 tháng Chạp Âm lịch), và từ 31/1 đến 2/2/2014 (mùng 1 đến mùng 3 Tết) chiều ngược lại sau Tết, phụ thu 40% giá vé từ 18 đến 23/1/2014 (18 đến 23 tháng Chạp Âm lịch) và phụ thu thêm 60% giá vé những ngày cao điểm còn lại. Đối với các tuyến từ TP Hồ Chí Minh đi Ninh Thuận trở ra Quảng Nam, Đà Nẵng và các tỉnh, TP thuộc khu vực miền Trung – Tây Nguyên, Đông Nam Bộ: Phụ thu thêm từ 20 - 40% giá vé từ ngày 20/1/2014 đến 30/1/2014 (20 tháng Chạp Âm lịch tới 30 tháng Chạp Âm lịch). Sau Tết, tổ chức phụ thu thêm 40% giá vé với các tuyến từ miền Tây, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu về TP Hồ Chí Minh từ mùng 1 đến mùng 6 Tết Giáp Ngọ.

Tăng giá, điều không thể tránh. Thế nhưng tăng bao nhiêu thì vẫn là câu chuyện bị bỏ ngỏ. Một số lãnh đạo trong ngành vận tải từng chia sẻ: Các doanh nghiệp có thể cân đối chi phí để tăng giá nhưng mức tăng cần hợp lý, cho nên tăng trong khoảng từ 30 đến 40% là vừa phải và chỉ áp dụng vào những ngày cao điểm, nhằm bảo đảm cho hoạt động kinh doanh ổn định.

Nói là vậy, nhưng trên thực tế, tăng giá vé xe khách vào những dịp Lễ, Tết là tình trạng diễn ra trong nhiều năm qua. Nếu tăng ở trong mức độ vừa phải thì chấp nhận được, miễn là các nhà xe bảo đảm các quy định về an toàn. Tuy nhiên, với mức tăng giá vé đột biến như những năm qua, đã nảy sinh vấn đề là cần có những quy định và chế tài cụ thể về việc tăng giá vé xe, nhằm bảo vệ quyền lợi cho người dân. Hiện nay, chưa có văn bản nào quy định cụ thể về điều kiện, mức độ tăng cũng như thời gian áp dụng giá vé mới. Vì vậy, các doanh nghiệp thường lợi dụng "kẽ hở" này để lợi dụng tình hình, tùy tiện tăng giá vé.

Hành khách bị bắt chẹt về giá vé xe Tết, hãy phản ánh đến đường dây nóng:

Bến xe Giáp Bát: 04-38641467; 0913.305.885 (24/24h)

Bến xe Mỹ Đình: 04-37685549.

Bến xe Gia Lâm: 04-38271529.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh cho biết: Việc tăng giá vé là do chấp thuận của Sở Tài chính, chứ Sở GTVT Hà Nội không có chủ trương cho các đơn vị tăng giá vé. Bởi vậy, vào dịp Tết Sở chỉ được nghe thông báo về việc tăng giá vé của các doanh nghiệp chứ không có vai trò quyết định về việc tăng giá này. Các doanh nghiệp vận tải tự thỏa thuận với nhau và thực hiện các thủ tục đã quy định với Sở Tài chính. Trước Tết, Sở đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp không được tăng giá vé trong dịp Tết, nhưng việc này vẫn diễn ra. Giải pháp của cơ quan quản lý hiện nay là phối hợp đơn vị quản lý bến xe kiểm tra mức độ tăng và yêu cầu doanh nghiệp giải trình, cân đối cho phù hợp; khi doanh nghiệp đã áp dụng giá mới thì kiểm soát, xử lý các nhà xe tăng cao hơn mức đã thông báo này.

Đặng Nhật
.
.
.