Nhà xây trái phép ở cơ sở, thanh tra xây dựng “ngồi” trên cao

Thứ Ba, 05/06/2007, 12:31

Tình trạng xây dựng nhà sai phép, không phép, trái phép diễn ra hằng ngày trên địa bàn cấp xã, phường, huyện nhưng lực lượng thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật hiện hành chỉ được tổ chức tại cấp Bộ, tỉnh, thành phố…

Dư luận xã hội trong những ngày qua đã chứng kiến việc xử lý nghiêm những sai phạm trong trật tự xây dựng (TTXD). Đó là hàng loạt công trình vi phạm TTXD quy mô lớn bị tháo dỡ phần xây dựng sai phép.

Trước đó, dư luận cũng được biết đến việc nhiều cán bộ, đảng viên các cấp, ngành liên quan bị kỷ luật. Tuy nhiên, công luận cũng đang trông chờ những giải pháp thiết thực, chấn chỉnh công tác quản lý TTXD đô thị nhằm tránh tình trạng cứ xây, sai rồi "cưa" như hiện nay.

Thực trạng

Theo số liệu từ Sở Xây dựng Hà Nội, trong năm 2006 còn gần 6.000 công trình vi phạm TTXD. Cũng trong năm này, hàng loạt công trình xây dựng quy mô lớn được phát hiện sai phạm. Lỗi chủ yếu là sai phép. Các phương tiện thông tin đại chúng theo dõi sát sao việc xử lý sai phạm các công trình này. Những cuộc họp của các cấp chính quyền thành phố về lĩnh vực này luôn được cập nhật. Thái độ của chủ đầu tư cũng được thể hiện trên báo, truyền hình.

Và rồi, lần lượt các công trình số 9 Đào Duy Anh; công trình 9 tầng ở xóm Chùa, Quảng An, Tây Hồ; công trình số 2, ngõ 31 Nguyễn Chí Thanh; công trình 15 tầng ở đường dạo ven hồ Tây, phường Bưởi, quận Tây Hồ bị cưa ngọn. Xót xa thay khi chứng kiến những công trình hàng trăm tỷ đồng bị phẫu thuật cắt bỏ phần thừa. Chắc chắn, sau khi cắt bỏ một phần, hình khối kiến trúc của chúng sẽ không còn nguyên vẹn.

Được biết, khi bàn thảo phương án xử lý các công trình vi phạm, trong một cuộc họp tìm phương án xử lý phần xây dựng sai phạm công trình số 9 Đào Duy Anh, có ý kiến cho rằng 3 tầng xây dựng vượt phép của công trình này là điểm nhấn kiến trúc của cả toà nhà. Nếu cắt bỏ, tòa nhà chỉ là một khối vuông không hoàn chỉnh về mặt kiến trúc.

Tuy nhiên, đến hôm nay 2/3 số tầng xây dựng vượt phép đang bị tháo dỡ. Không biết sau hạng mục tháo dỡ bất đắc dĩ, chủ đầu tư sẽ tạo cho đứa con mình phong cách kiến trúc mới thế nào. Còn nếu cứ để mộc, chắc chắn đây là điểm nhấn kỳ quặc trong kiến trúc đô thị của Hà Nội.

Lãng phí, đó là cái dễ nhìn thấy khi phải tháo dỡ. Kinh phí từ nhiều trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Ví như như công trình 15 tầng ven hồ Tây, phường Bưởi, quận Tây Hồ. Do chủ đầu tư không tự tháo dỡ nên các cấp chính quyền quận Tây Hồ phải cưỡng chế. Kinh phí lên đến 900 triệu đồng. Một con số không nhỏ.

Xót xa, đó là tâm trạng của nhiều người khi chứng kiến những công trình xây dựng quy mô lớn, hoàn thiện về hình khối kiến trúc bị cưa, cắt. Và tôi tin chắc trong số này có cả những người thực thi pháp luật. Chủ đầu tư thì không thể ngoại lệ bởi đấy là đứa con của họ.

Thí điểm xây dựng lực lượng thanh tra xây dựng phường, xã

Trong những ngày này, các cấp chính quyền từ Trung ương đến thành phố đều nỗ lực hoàn thiện bộ máy quản lý và hệ thống pháp lý. Hà Nội sau khi dự thảo đang triển khai lấy ý kiến của các ban, ngành về việc xây dựng hệ thống pháp lý trong lĩnh vực quản lý trật tự đô thị.

Đó là Quyết định của UBND thành phố về việc kiện toàn lực lượng thanh tra xây dựng và tổ quản lý TTXD xã, phường, thị trấn và quy chế hoạt động của lực lượng này thay thế các Quyết định 125/2002/QĐ-UB và Quyết định 126/2002/QĐ-UB; Quyết định về việc ban hành "Quy định về quản lý TTXD trên địa bàn thành phố Hà Nội" thay thế Quyết định 19/2003/QĐ-UB.

Ngày 7/5, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cho phép thí điểm thành lập thanh tra xây dựng cấp quận, huyện, xã, phường, thị trấn tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Việc làm này là cần thiết bởi Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai đô thị lớn, mức độ đô thị hoá nhanh nên đảm bảo tính bền vững trong việc xây dựng đô thị theo quy hoạch là cần thiết. Nhất là khi sự phát triển nhanh chóng ở hai đô thị này kéo theo tình hình quản lý TTXD trong thời gian qua có nhiều vấn đề phức tạp.

Xây dựng nhà sai phép, không phép, trái phép diễn ra phổ biến, gây bức xúc trong xã hội, gây lãng phí tiền của Nhà nước. Hoạt động xây dựng thực tế diễn ra hằng ngày trên địa bàn cấp xã, phường, huyện nhưng lực lượng thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật hiện hành chỉ được tổ chức tại cấp Bộ, tỉnh song lực lượng này thiếu và yếu, chức năng và trách nhiệm không rõ ràng nên dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, xử lý các vi phạm kéo dài, vì vậy hiệu lực quản lý thấp.

Được biết, Hà Nội là một trong những địa phương thí điểm xây dựng lực lượng thanh tra xây dựng quận, huyện. Tuy nhiên, nhìn từ thực trạng vi phạm TTXD với mức độ nghiêm trọng ngày càng cao như hiện nay xem ra tính hiệu quả của mô hình này không lớn. Nhiều ý kiến cho rằng lực lượng này mỏng, trong khi địa bàn rộng nên không kiểm soát hết được. Hy vọng, lực lượng thanh tra xây dựng xã, phường ra đời sẽ lấp được khoảng trống này.

Hiện nay, Bộ Nội vụ đã có dự thảo, lấy ý kiến các ngành liên quan để trình Thủ tướng. Trước khi trình dự thảo, việc khảo sát tại các quận Long Biên, Cầu Giấy, Từ Liêm và các phường Xuân La (Tây Hồ), Cửa Nam (Hoàn Kiếm), Thanh Liệt (Thanh Trì) đã được tiến hành. Hy vọng, cùng với việc phá dỡ các công trình xây dựng vi phạm, việc xây dựng bộ máy quản lý và hệ thống pháp lý sẽ giúp Hà Nội tìm được lời giải trong quản lý TTXD đô thị

Cao Hồng
.
.
.