Nhà thuốc bệnh viện thoải mái "chém" bệnh nhân

Thứ Hai, 07/06/2010, 11:44
Xét về mặt thuận lợi thì nhà thuốc bệnh viện hiện nay được quá nhiều ưu đãi: Không phải tốn chi phí thuê mặt bằng, thuê dược sĩ, các chi phí của nhà thuốc được bệnh viện chi trả. Các chi phí trên không bao giờ tính vào kinh doanh… Đáng ra giá thuốc trong bệnh viện phải thấp hơn bên ngoài mới đúng nhưng thực tế có loại thuốc bán cao hơn 50% so với bên ngoài.
>> Khắc phục tình trạng “vô tổ chức” của nhà thuốc bệnh viện

Thực trạng giá thuốc nhập khẩu đang ở mức cao ngất ngưởng khiến viên thuốc tới tay người dân ở mức giá "trời ơi" đã là nỗi khổ không nói ra được, nhưng khổ hơn khi người bệnh còn phải "gánh" tiền thuốc tăng cao do viên thuốc khi tới tay mình đã phải qua nhiều tầng nấc trung gian. Tình trạng mỗi nhà thuốc bệnh viện (BV) có một giá thuốc khác nhau trên cùng một loại thuốc có cùng hoạt chất gây bức xúc từ trong dư luận.

Những thông tin trái chiều trong tuần qua tại 2 cuộc họp giữa nhà quản lý giá thuốc của Bộ Y tế cùng các cơ sở y tế và các đơn vị cung ứng tại TP HCM và Bình Dương đã cho thấy chung qui chỉ vì việc giao quyền tự lựa chọn nhà thầu cho các BV dẫn tới những bất hợp lý trong việc đấu thầu thuốc tại các BV. 

Bệnh nhân đau thêm vì giá thuốc quá nặng

Được biết, trong năm 2009, tại các BV công lập trực thuộc Bộ Y tế trong hơn 12.000 loại thuốc đã được trúng thầu thì đều tập trung vào các loại thông thường: giảm đau, hạ nhiệt, kháng sinh. Còn những loại thuốc biệt dược, thuốc đặc trị với giá trị lớn đều có xuất xứ từ nước ngoài. Và trong đó có vô số loại cùng hoạt chất, hàm lượng, nhà sản xuất nhưng kết quả đấu thầu vào mỗi BV không giống nhau khiến người bệnh theo đó phải mua giá khác nhau.

Giá thuốc nhập khẩu đang ở mức cao.

Chúng tôi có dịp gặp chị N.T.N. (ngụ tại Gò Vấp) đang khám và điều trị bệnh nám mặt tại BV Da liễu TP HCM. Chị cho biết, 1 trong 3 loại thuốc BS kê toa cho có loại thuốc đặc trị bôi da vào buổi tối (xuất xứ từ Pháp) có giá 560.000 đồng/tuýp. Nhưng khi ra ngoài, nhà thuốc trung tâm chợ Tân Định cho biết chỉ có giá trên 300.000 đồng/tuýp.

Tại Nhà thuốc BV Nhi đồng 2 TP HCM, anh Đ. (ngụ tại quận 3) cho chúng tôi xem toa thuốc mua cho con do BS kê toa, gồm: Fixcap-DT 100mg (10 viên), Daenase (10 viên), Chlorpheramin 4mg (10 viên) với tổng cộng số tiền mà anh Đ. phải trả là trên 94.000 đồng. Tuy nhiên, sau 3 ngày cũng toa thuốc trên, ra hiệu thuốc bên ngoài anh Đ. cho biết, chỉ mua mỗi loại 10 viên nhưng tổng số tiền phải trả chỉ 31.000 đồng. Đáng chú ý là riêng loại Fixcap-DT 100mg anh đã phải mua tại BV với giá 6.600 đồng/viên, trong khi hiệu thuốc bên ngoài bán 2.000 đồng/viên…

Không thể chấp nhận giá thuốc trong bệnh viện cao hơn bên ngoài

Tại cuộc họp bàn về giá thuốc ở TP HCM, ông Lê Thanh Liêm - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Long An cho rằng, cùng một loại thuốc nhưng có hàng chục nơi sản xuất khác nhau và giá cả cũng khác nhau đến bất ngờ.

Dẫn chứng như thuốc tăng huyết áp của công ty sản xuất trong nước chỉ có giá 500 đồng/viên nhưng nếu có nguồn gốc xuất xứ từ Pháp lại có giá từ 9.000-10.000 đồng/viên. Nếu xét về tính năng điều trị, hoạt chất sử dụng thì hai loại thuốc này tương đương nhau.

Bệnh nhân xôn xao về giá thuốc là cảnh thường thấy tại nhà thuốc bệnh viện.

Theo quy định của Bộ Y tế, các nhà thuốc BV phải bảo đảm đáp ứng danh mục thuốc BV để bệnh nhân mua thuốc chất lượng. Theo đó giá thuốc tuân thủ thặng số bán lẻ tối đa (5-20%). Tức: 20% cho các sản phẩm dược phẩm có giá dưới 1.000 đồng/đơn vị; sản phẩm có giá gốc từ 1.000 - 5.000 đồng, lãi trần qui định là 15%; sản phẩm giá 5.000 đồng - 1 triệu đồng, lãi trần từ 7-10%, từ trên 1 triệu đồng/đơn vị, lãi trần chỉ được 5%...

Hay quy định khác có vẻ "rất chặt" như: Các BV phải kiểm soát giá thuốc đầu vào mua của doanh nghiệp phải hợp lý, không vượt giá đã kê khai với Cục Quản lý dược, giá tại nhà thuốc BV không được cao hơn giá bán lẻ thuốc trên thị trường cùng thời điểm"… Thế nhưng, thực tế cuộc tìm hiểu nhanh trên cho thấy, người dân vẫn phải mua thuốc tại các BV ở TP HCM với giá quá cao so với các nhà thuốc bên ngoài. 

Trả lời cho vấn đề trên, DS Trần Đình Khoa - Trưởng phòng Kinh doanh của Công ty Dược phẩm Sài Gòn cho rằng: Ở vị trí cung cấp thuốc như công ty chúng tôi nhiều khi phải chịu "nắm đằng lưỡi", còn BV luôn "nắm đằng chuôi". BV nắm quyền trong tay "định đoạt" cho nhà cung ứng nào trúng thầu". Giải thích thêm về điều này, một chuyên gia về dược tại TP HCM cho rằng: Giá "lệch" không đồng đều giữa các nhà thuốc khác nhau mà bệnh nhân đang phải chịu còn là ở vấn đề "thuốc đặc trị" mà các bác sĩ kê toa, buộc bệnh nhân phải "theo". Mà chuyện ai cũng thấy phía sau nó rất có thể là việc lo lót, chi hoa hồng, khiến giá thuốc trúng thầu cao bất hợp lý.

Thế nhưng, theo ông Nguyễn Chí Hùng - Giám đốc BV Bình Dân TP HCM: Do thuốc trên thị trường có quá nhiều loại. Chỉ tính riêng loại thuốc Paracetamol thì cũng có hàng trăm loại. Nên không chỉ BV mà cả bác sĩ cũng "rối" khi lựa vì không biết căn cứ vào tiêu chuẩn nào. Vì vậy, mỗi BV chọn một loại nên dẫn tới việc bệnh nhân lại chịu giá thuốc khác nhau dù rằng cùng loại thuốc, cùng chất lượng. 

Trao đổi về việc "đổ lỗi" cho nhau giữa các BV và nhà cung ứng thuốc xung quanh giá thuốc tới tay bệnh nhân quá nặng, ông Nguyễn Văn Minh - Phó ban VHXH-HĐND chỉ rõ: Xét về mặt thuận lợi thì nhà thuốc BV hiện nay được quá nhiều ưu đãi. Không phải tốn chi phí thuê mặt bằng, thuê dược sĩ, các chi phí của nhà thuốc được BV chi trả. Các chi phí trên không bao giờ tính vào kinh doanh… Đáng ra ưu đãi tối đa như vậy thì giá thuốc trong BV phải thấp hơn bên ngoài mới đúng nhưng thực tế có loại thuốc bán cao hơn 50% so với bên ngoài.

Thực tế, việc các BV "lách" qua qui định là không quá khó. Vì chỉ cần "thoả thuận" giữa BV và nhà cung ứng giá cao ngay từ đầu (thực ra là giá mua vào thấp) thì cũng có ai kiểm soát cho được. Có thể nói việc đấu thầu thuốc trong BV hiện trong tình trạng không có "đấu" mà chỉ có… thầu

H.Nga
.
.
.