Nhà hàng được hoạt động nhưng phải giãn cách 2m hoặc có tấm chắn

Thứ Ba, 16/02/2021, 16:14
UBND TP Hà Nội yêu cầu dừng hoạt động đối với các quán ăn, uống đường phố, trà đá vỉa hè và quán cà phê. Tuy nhiên, nhà hàng ăn phục vụ trong nhà được hoạt động nhưng phải thực hiện giãn cách tối thiểu 2m giữa người với người hoặc giữ khoảng cách tối thiểu 1m và có tấm chắn...

Chiều ngày 16/2, UBND TP Hà Nội đã có văn bản thông báo kết luận của Phó chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng sau cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 chiều tối ngày 15/2. Tuy nhiên, văn bản này cũng không rõ ràng về đối tượng hàng, quán nào được mở cửa, hàng quán nào không khiến nhiều người dân băn khoăn như quán cà phê bán trong nhà có được hoạt động hay không.

Tại văn bản này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng, Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của Hà Nội cho biết, tình hình diễn biến dịch ở Hải Dương còn phức tạp, khó lường và có thể kéo dài, đã bắt đầu xuất hiện ca bệnh trong các khu phong tỏa. 

Trước 0h ngày 16/2, nhiều quán cà phê đông khách ngồi tràn ra sát lòng đường. Ảnh: Trần Hằng.

Tại Hà Nội, vẫn ghi nhận thêm ca bệnh ở ngoài cộng đồng, trong đó có ca chưa xác định chính xác được nguồn lây nhiễm. Nguy cơ về dịch bệnh bùng phát vẫn ở mức cao, đặc biệt là tại nơi có các khu, cụm công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, công sở có mật độ người làm việc cao, khi người lao động từ các tỉnh, thành trở lại Hà Nội làm việc. Bên cạnh đó, các trường hợp người bệnh từ các tỉnh lên Hà Nội khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến Trung ương cũng tiềm ẩn nguy cơ mắc dịch bệnh và lây lan.

Đánh giá của ông Dũng lưu ý đến nguy cơ Hà Nội là nơi có nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao, số ca lây nhiễm COVID-19 mới vẫn có thể được ghi nhận hàng ngày. Do đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã chủ động phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC), khi có ca nhiễm bệnh trên địa bàn, cần xác định ngay nguồn lây bệnh, truy vết các trường hợp F1, F2, F3, khoanh vùng nhanh, cách ly triệt để và kịp thời lấy mẫu xét nghiệm. Tiếp tục tuyên truyền, yêu cầu người dân thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. 

Nhiều người dân vẫn chưa có thói quen đeo khẩu trang nơi công cộng.

Trường hợp không thực hiện, xử phạt nghiêm theo quy định, thông báo đến nơi làm việc và sinh sống. Kết luận cũng nêu rõ, bắt đầu từ 0 giờ ngày 16/2, tạm dừng mở cửa đón khách tại các khu di tích, cơ sở tôn giáo; tạm dừng hoạt động đối với các quán ăn, uống đường phố, trà đá vỉa hè và quán cà phê đến khi có chỉ đạo mới của UBND TP.

Đối với nhà hàng ăn phục vụ trong nhà, yêu cầu thực hiện công tác vệ sinh khử khuẩn, thực hiện giãn cách tối thiểu 2 m giữa người với người hoặc giữ khoảng cách tối thiểu 1 m và có tấm chắn giữa các vị trí ngồi, không sử dụng đồ chung, khuyến khích bán hàng mang về nhà; trường hợp không đáp ứng đầy đủ việc phòng, chống dịch bệnh theo yêu cầu, cho dừng hoạt động theo thẩm quyền. Các quận, huyện cũng được yêu cầu thường xuyên kiểm tra việc đóng cửa các quán game, internet, bar, karaoke, club... theo đúng chỉ đạo của UBND TP.

UBND TP yêu cầu thực hiện nghiêm việc khai báo y tế đối với các trường hợp từ nơi khác trở về Hà Nội sống và làm việc sau nghỉ Tết, đặc biệt là các trường hợp trở về từ địa phương có ổ dịch. Đối với tất cả các trường hợp trở về từ tỉnh Hải Dương, cần phải khai báo y tế theo mẫu in trên giấy, hạn chế ra khỏi nhà nếu không cần thiết, thường xuyên theo dõi sức khỏe và được các tổ dân phố và tổ giám sát COVID-19 cộng đồng theo dõi; đối với các trường hợp đã từng đi, đến, về từ  huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) từ ngày 15-1 cần lấy ngay mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 và giám sát sức khỏe theo quy định. 

Tất cả các trường hợp từ nơi khác đến địa phương, đặc biệt là từ các tỉnh, TP đang có ổ dịch đều phải được quản lý chặt chẽ về y tế. Hà Nội cũng yêu cầu dừng hoạt động cơ sở y tế không thực hiện quy định khám sàng lọc COVID-19 khi khám bệnh, đặc biệt đối với người nước ngoài. 


T.Linh
.
.
.