Nhà chọc trời và hiểm họa… cháy

Chủ Nhật, 26/02/2012, 11:17
Như cơn ác mộng cháy chợ, hiểm họa cháy tại những tòa nhà cao tầng là mối quan tâm của không chỉ người dân đang sinh sống, làm việc tại các cao ốc mà còn là mối lo của cả lực lượng Cảnh sát PCCC tại TP HCM.

Với sự bùng nổ của hàng loạt toà nhà chọc trời, hơn lúc nào hết người dân thành phố rất băn khoăn, âu lo đến khả năng ứng cứu của lực lượng quản lý toà nhà, đặc biệt là lực lượng Cảnh sát PCCC nếu chẳng may những “lâu đài chọc trời”…  phát hỏa!

Thống kê của Sở Cảnh sát PCCC tại TP HCM cho thấy thành phố hiện có gần 1.100 nhà cao tầng (từ 7 tầng trở lên), trong đó có 7 tòa nhà cao từ 30-50 tầng và 1 tòa nhà cao hơn 50 tầng.

“Nhà bình thường cháy đã sợ huống chi những tòa cao ốc chọc trời này. Lỡ chẳng may chúng phát hỏa thì chỉ có nước… chết bởi với độ cao trên 100m, thang cứu hộ cũng như vòi rồng của Cảnh sát PCCC khó mà… với tới”.

Công tác PCCC tại các tòa nhà rất được Sở PCCC TP HCM quan tâm.

Hiện đang làm việc tại cao ốc 33 tầng Thuận Kiều Plaza (quận 5), anh L.C.Phong như nhiều người khác lúc nào cũng ám ảnh chuyện… cháy. Từng chứng kiến vụ cháy Trung tâm quốc tế thương mại (tòa nhà ITC, quận 1) vào ngày 29/10/2002 khiến 60 người chết và 70 người bị thương và cũng từng “đứng tim” khi Thuận Kiều Plaza phát hỏa vào sáng 27/12/2009, anh Phong tâm sự do đặc thù công việc nên dù ám ảnh chuyện cháy nhưng anh vẫn phải ngày ngày vào ra tòa nhà chọc trời. “Điều tôi quan tâm là công nghệ chữa cháy của lực lượng Cảnh sát PCCC liệu có đảm bảo dập tắt giặc lửa khi nó tung hoành trên các cao ốc, đặc biệt như tòa nhà Bitexco Financial Tower 68 tầng, cao đến 262m”.

Được thiết kế với cảm hứng từ búp sen, Bitexco Financial Tower do tập đoàn Bitexco đầu tư với tổng kinh phí 270 triệu đôla Mỹ là tòa nhà cao nhất TP HCM. “Sắp tới sẽ có các tòa nhà Saigon M&C với 42 tầng, cao 195,3m, tòa nhà Times Square 36 tầng cao hơn 160m… sẽ đưa vào sử dụng. Đó là chưa kể hàng loạt dự án cao ốc 30 tầng khác đang hoạt động. Vấn đề là cơ quan chức năng, mà cụ thể là Sở Cảnh sát PCCC có phương án PCCC gì hiệu quả ở các tòa nhà này không?” – chị Mai Nguyên, hiện sinh sống tại cao ốc Lương Định Của, quận 2, trăn trở.

Trao đổi với PV Báo CAND về những băn khăn, lo lắng của người dân đang sinh sống, làm việc tại các cao ốc, trong đó có những cao ốc cao từ 30-50 tầng, Thiếu tướng Trần Triều Dương, Giám đốc Sở PCCC TP HCM khẳng định, Sở PCCC thành phố kiểm tra rất nghiêm ngặt công tác PCCC tại các tòa nhà.

Trước khi được đưa vào sử dụng, phương án chữa cháy tòa nhà được thử nghiệm, nếu hiệu quả mới cho đưa vào sử dụng, tuyệt đối không khinh suất. “Đầu tư hàng chục, hàng trăm triệu đôla để xây dựng toà nhà nên chủ đầu tư rất chăm chút đến khâu an toàn, trong đó có vấn đề PCCC. Bởi nếu không đặt tiêu chí ấy lên hàng đầu, việc vận hành, đưa tòa nhà vào sử dụng sẽ khó đạt hiệu quả cao nhất bởi các đối tác, người dân sẽ không dám gắn bó với tòa nhà.

Qua kiểm tra cho thấy đơn vị xây dựng, quản lý các tòa nhà chấp hành, đảo bảo tốt các qui định về an toàn PCCC. Nhưng không vì thế mà chúng tôi khinh suất, vẫn tăng cường công tác huấn luyện, diễn tập, kiểm tra việc PCCC tại các cao ốc thường xuyên”.

Theo Thiếu tướng Trần Triều Dương, các phương án, đặc biệt là phương tiện PCCC rất được lãnh đạo UBND thành phố cũng như Sở PCCC quan tâm. Theo lộ trình đến năm 2015 thành phố sẽ có trực thăng cứu hộ. Trong tháng 10 tới, Sở PCCC sẽ nhập thêm 10 xe cứu hỏa 1-7 công nghệ châu Âu.

Thiếu tướng Trần Triều Dương cho biết xe cứu hỏa thông thường có dung tích 7 khối nước nhưng chỉ sau 15 phút “bắn” đã hết nước. Trong khi đó xe 1-7 chỉ chứa 2 khối nước nhưng “bắn” liên tục đến 65 phút, nước bắn ra rất lạnh, gần âm 100 độ. Khi được thử nghiệm tại tòa nhà Bitexco cao nhất thành phố cho thấy rất hiệu quả.

Được biết TP HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước trang bị xe chữa cháy công nghệ cao 1-7 và trong thời gian tới, Sở PCCC sẽ trang bị cho mỗi Đội PCCC ở các quận huyện của thành phố ít nhất 1 xe chữa cháy 1-7 để đảm bảo ngăn chặn hiệu quả các vụ cháy

T.Dũng - Đ.Mừng
.
.
.