Nha Trang – Khánh Hòa: Những dấu lặng ở chốn thiền môn

Thứ Sáu, 19/03/2010, 13:35
Một lần đến tham quan danh thắng nức tiếng xứ trầm hương, nhiều du khách nặng lòng vì những điều không mong đợi.

Về phía Tây, nằm ở đầu thành phố Nha Trang, thuộc địa phận phường Phương Sơn, đồi Trại Thủy (người địa phương còn gọi là Hòn Kho, Hòn Xưởng…) cao chừng 100m và dài khoảng 600m.

Nhìn từ xa, đồi Trại Thủy có hình dáng giống như một con dơi nằm xòe cánh nên còn được người xưa gọi là Ngọc Bức Hàm Hoàn (có nghĩa là dơi ngọc ngậm vòng). Dưới chân đồi Trại Thủy có chùa Long Sơn cổ kính, trên đồi có tượng Kim thân Phật tổ khổng lồ. Cả hai đều là điểm đến không thể không dừng chân của khách phương xa khi tham quan thành phố biển.

"Khung cảnh hữu tình là vậy nhưng tình hình an ninh thì có điều phải nói - Du khách tên Hải kể - Khi vãn cảnh chùa tôi đã phải ngậm đắng nuốt cay vì mất giày. Số là khi vào chánh điện để tham quan, theo thông lệ, như nhiều du khách khác tôi phải bỏ giày dép ở ngoài.

Tham quan chánh điện xong tôi trở ra và hỡi ơi, đôi giày mới tậu hơn triệu đồng đã không cánh mà bay". Từ bức xúc của ông Hải (du khách đến từ TP HCM) mới biết tình trạng mất cắp giày dép ở chùa là chuyện biết rồi… nói mãi.

Thủ phạm gây ra những vụ mất cắp này chính là đám trẻ đang cư ngụ bên trong những túp lều nằm chông chênh trên mạn sườn của ngọn đồi Trại Thủy mộng mơ.

Sòng bạc lộ thiên nơi sau khi đá giày, đám nhóc tập trung chiến lợi phẩm tại ngôi nhà dưới chân núi để tuồn ra chợ đen tiêu thụ.

Chị Hương, một cư dân tại địa phương, bỏ nhỏ: "Khi có đông khách tham quan, nếu là người nước ngoài, bọn nhóc sẽ nhanh chân nhào tới chủ động tháo giày cho khách và ra hiệu là mình sẽ giữ giày dùm.

Tham quan xong, khách muốn lấy lại giày thì phải đưa tiền theo giá chúng đưa ra (thường từ 1 đôla trở lên). Nếu khách không đồng ý, đôi giày sẽ không bao giờ trở lại với họ".

Cũng có trường hợp những kẻ chuyên đá giày (từ lóng chỉ dân lấy trộm giày) vốn là "người bản địa" đóng giả du khách. Với đôi giày cũ mèm, chúng trà trộn vào chánh điện và nhanh chóng trở ra, chọn đôi giày mới xịn đã ngắm từ trước xỏ vào và… mất dạng.

Chị Hương kể nhiều chuyện bi hài kịch có liên quan đến giày dép ở chốn cửa thiền và an ủi: "Còn có giày mang về là may, có người phải đi chân đất đấy". Chị khuyên nếu muốn chuộc lại giày thì ra chợ Đầm, chỗ cuối đường Hoàng Hoa Thám thì may ra tìm được…

Nhà cửa lấn đồi lố nhố - xô bồ dưới chân tượng Kim thân Phật tổ.

Cùng với nạn trộm giày, đội quân bán bưu thiếp, nhang đèn… với gần 20 đứa trẻ mời mọc, đeo bám dai dẳng đã làm phiền lòng nhiều du khách đến viếng chùa. Ngoại trừ vài đứa trẻ có đeo bảng tên trước ngực, ăn mặc tương đối tươm tất và bán hàng tương đối lịch sự, những đứa trẻ còn lại rách rưới, dơ dáy đeo bám khách dai như đỉa.

Tìm hiểu mới biết những em có đeo bảng tên thuộc Đội thiếu niên Sao Đỏ thuộc khóm 23/10, gồm khoảng chục em tự quản lý lẫn nhau, được phép bán trong khuôn viên chùa nhưng không được đeo bám khách…

Để không bị làm phiền, nhiều du khách đã phải nghiến răng chịu cho bọn nhóc chém gấp 4-5 lần cho một tập bưu thiếp với giá 15-20 ngàn đồng. Trong khi đó, tại các hiệu sách giá chỉ có 5.000 đồng. Còn với những khách hỏi mà không mua, bọn trẻ dùng rất nhiều lời thô tục để thóa mạ khách.

Cùng với tình trạng xả rác bừa bãi, nạn lấn núi dựng nhà, nạn ăn xin với đủ chủng loại già trẻ, lành lặn, bệnh tật… đổ dài từ chùa đến đỉnh đồi bủa vây du khách…, chính những hình ảnh nhếch nhác ấy đã khiến không ít du khách lần đầu đặt chân vãn cảnh Ngọc Bức Hàm Hoàn phiền lòng. Hiện tượng này xảy ra từ lâu nay nhưng đáng buồn là chính quyền địa phương vẫn không dẹp được

Dũng Thành
.
.
.