Trò chuyện Chủ nhật:

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Thể chế có kẽ hở, cái ác còn chỗ đứng

Chủ Nhật, 27/10/2013, 00:31
Người dân bàng hoàng và hết sức bất bình trước hành vi mất nhân tính của bác sĩ Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường; bà Bộ trưởng Bộ Y tế tỏ thái độ đau đớn, xót xa nhận trách nhiệm quản lý ngành, trước thực trạng lương y không như từ mẫu. Y đức tuột dốc chứ không còn ở mức báo động. Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan luận về “cái ác khoác áo blouse” cùng bạn đọc chuyên mục Trò chuyện Chủ nhật, với cái nhìn tận cội rễ sâu xa của tội ác.
>> Bộ trưởng Bộ Y tế lần đầu trả lời báo chí về vụ việc ở Thẩm mỹ viện Cát Tường

Phóng viên (PV): Thưa ông, cảm xúc của ông như thế nào trước sự kiện kinh hoàng bác sĩ Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường làm chết bệnh nhân rồi vứt xác xuống sông Hồng hòng thoát tội?

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Tôi rất bàng hoàng khi nhận tin dữ và không làm sao có thể hiểu tại sao bác sĩ lại làm cái việc thất nhân tâm, vô đạo đức như vậy. Khổ tâm nhất là gần đây xảy ra quá nhiều hiện tượng bất nhân trong xã hội ta khó có thể kể hết. Tất nhiên, trong xã hội nào vẫn có chuyện này chuyện khác, kể cả các loại trọng tội, nhưng hành vi gây tội ác không phải tính người như vậy thì không phải ở đâu và lúc nào cũng có.

PV: Hành vi dã man của bác sĩ thẩm mỹ Cát Tường là đốm lửa thổi bùng những bức xúc đang dồn nén của người dân trước những hiện tượng thiếu y đức của một số y, bác sĩ liên tiếp xảy ra hậu quả nghiêm trọng thời gian qua. Chưa hết sự cố tiêm vaccin dẫn đến 3 đứa trẻ tử vong oan uổng; lại đến nhân bản phiếu xét nghiệm cho hàng trăm bệnh nhân mà động cơ không gì khác ngoài tiền; hàng chục sản phụ tử vong có liên quan đến tinh thần trách nhiệm của y, bác sĩ trực...mà dường như sự cố trong ngành Y chưa dừng lại. Theo ông, nguồn gốc của những cái xấu trên từ đâu?

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Công bằng mà nói trong ngành Y phần lớn các y, bác sĩ, nhân viên làm việc tận tụy, có nhiều tấm gương tốt hết lòng vì người bệnh. Tuy nhiên, chúng ta đều đau lòng thấy những sự việc gia tăng gần đây thể hiện y đức xuống cấp. Theo tôi, điều này không phải ngẫu nhiên, mà có nguồn gốc của nó.

Thứ nhất, lòng ham muốn chạy theo đồng tiền, chạy theo lợi ích quá mạnh, lấn át cả nhân phẩm con người, len lỏi vào mọi ngõ ngách của xã hội. Cái này lý giải, vì sao bác sĩ thẩm mỹ Cát Tường không có giấy phép vẫn làm, chưa đủ trình độ chuyên môn vẫn phẫu thuật. Lòng ham muốn tiền bạc quá mức đó đã bất chấp nhân tâm, mạng sống, giá trị của con người để kiếm tiền.

Thứ hai, là hiện tượng này phản ánh tình trạng xã hội có những vấn đề bất an. Nhiều cái xấu, thậm chí tội ác không bị lên án hoặc lên án chưa đủ mạnh; việc xử lý cái xấu, cái ác chưa đến nơi đến chốn, làm nảy sinh tình trạng “nhờn thuốc” đối với cái xấu. Hành vi của bác sĩ Tường một phần do tâm lý che giấu tội phạm, phần vì anh ta tin rằng làm như vậy có thể trốn tránh được pháp luật như một vài trường hợp nào đó mà anh ta đã nhìn thấy, nên đã rắp tâm làm điều sai trái.

Thứ ba, là sự việc này nói lên công tác quản lý Nhà nước về y tế quá lỏng lẻo. Một Trung tâm thẩm mỹ hoạt động 6 tháng trời không phép mà quận nói không nắm được, Thanh tra Sở Y tế nói không biết là không chấp nhận được. Có thực các cơ quan quản lý không biết có sự hiện diện và hoạt động không phép của cơ sở thẩm mỹ trên không? Tôi thấy cần phải làm rõ. Không loại trừ khả năng bác sĩ cơ sở thẩm mỹ này đã “lót tay” hay “bôi trơn” cán bộ có trách nhiệm để dễ bề hoạt động khi chưa được phép.

PV: Thưa ông, sự cố trong ngành Y tế không giảm mà có xu hướng gia tăng, tính chất sự việc ngày càng nghiêm trọng mà cái gốc của vấn đề dường như bắt nguồn từ y đức không liêm. Vậy theo ông, đâu là cội rễ của hiện tượng này?

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Cội rễ là sự giáo dục nhân cách làm người có phần phai lạt. Nhiều khi sự giáo dục nhằm tới những điều quá to tát, song lại không chú trọng giáo dục nhân cách làm sao sống cho tử tế, nhất là lòng trắc ẩn, “thương người như thể thương thân”. Ở nhiều trường trưng lên khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”, song dạy lễ chưa đủ mức. Bên cạnh đó có vấn đề chính sách. Thực ra, nhu cầu của con người đã thay đổi nhiều. Khi đời sống vật chất đã đạt ở mức tương đối thì nhu cầu chăm sóc sức khỏe đòi hỏi được nâng lên. Tuy nhiên, vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức (dễ thấy nhất là tình trạng quá tải bệnh viện; bệnh nhân ngày càng đông, nhưng bệnh viện ít được xây thêm, chưa đáp ứng nhu cầu, nên quá tải bệnh viện ở các tỉnh, thành phố lớn là tất yếu). Cơ sở vật chất cho đến việc đào tạo giáo dục y đức chưa ngang tầm yêu cầu, từ đó tác động trực tiếp tới chất lượng khám và chữa bệnh. Đến khi ra trường, những y, bác sĩ đó lại nhận lương rất thấp, nảy sinh ham muốn chạy theo đồng tiền, tất yếu dẫn đến hậu quả xem thường người bệnh, coi trọng đồng tiền. Chất lượng y, bác sĩ không đáp ứng yêu cầu, kể cả y đức là tấm gương phản chiếu thực trạng giáo dục của nước ta hiện nay. Muốn nâng cao y đức, thì giáo dục đào tạo nói chung (trong đó có đào tạo y, bác sĩ) phải thay đổi; nền tảng tinh thần của xã hội phải được xây dựng tốt lên.

Quá tải bệnh nhân tại các bệnh viện lớn ở các đô thị là vấn đề nan giải mà ngành Y tế phải giải quyết

PV: Điều rất lạ, là bác sĩ Tường công tác tại khoa ngoại Bệnh viện Bạch Mai mở Trung tâm thẩm mỹ hoạt động đã 6 tháng nhưng lãnh đạo khoa ngoại, lãnh đạo bệnh viện đều nói không biết. Bác sĩ Tường có hành vi hèn nhát và có tính chất dã man như vậy, nhưng lãnh đạo bệnh viện và khoa ngoại vẫn nhận xét hàng năm đối với bác sĩ này là bình thường. Theo ông, điều không bình thường trong công tác quản lý cán bộ mà cụ thể là quản lý y, bác sĩ ở đây là gì?

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Nhiều khi việc nhận xét, đánh giá cán bộ còn hình thức, chưa thực chất. Thực chất ở đây chính là lòng trung thực của cả người cán bộ được nhận xét và người nhận xét. Ví dụ, việc bổ nhiệm Dương Trí Dũng trong vụ Vinalines, thì ai cũng cam đoan “đúng quy trình”, nhưng vấn đề là trong mỗi khâu của quy trình đó đã làm đúng nhân tâm chưa? Xem ra, không phải ở đâu, lúc nào cũng “chuẩn”, rất nhiều trường hợp xuê xoa, vị nể, có khi móc ngoặc, ăn tiền nên chọn người vẫn sai. Như thế thì làm sao có thể nói là đánh giá cán bộ đúng thực chất được.

Trường hợp để bác sĩ mở Trung tâm thẩm mỹ, gây hậu quả như thế, mà nói không biết, thì phải xử lý nghiêm trách nhiệm đối với Trưởng khoa, Giám đốc bệnh viện. Họ là người lãnh đạo quản lý trực tiếp bác sĩ đó, nói không biết là tìm cách thoái trách nhiệm chứ không phải thiếu trách nhiệm. Bên cạnh đó, còn trách nhiệm của cán bộ quản lý của quận, của Sở Y tế, những người được giao nhiệm vụ.

PV: Sự kiện tại Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường chỉ khác ở tính chất kinh hoàng khi đã gây ra hậu quả chết bệnh nhân lại đem vứt xác. Còn trước đó không ít trường hợp bác sĩ thẩm mỹ tại Hà Nội đã làm chết bệnh nhân như tại thẩm mỹ viện Linh Nhung (ở Nam Đồng, Đống Đa), thẩm mỹ viện 257 đường Giải Phóng, thẩm mỹ viện Hồng Chi (quận Long Biên)...Thực trạng này mách bảo điều gì ở cả công tác quản lý cơ sở khám chữa bệnh và tinh thần phục vụ của y, bác sĩ, thưa ông?

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Ban hành cơ chế chính sách tạo thuận lợi cho người dân lựa chọn các dịch vụ y tế là đúng, Nhà nước không thể “ôm” cả. Cái buồn là ở xã hội có tình trạng “nhập nhèm”, công không ra công, tư không ra tư, “chân ngoài dài hơn chân trong”. Do đó đã buông lỏng quản lý. Thực trạng liên tiếp các cơ sở thẩm mỹ làm chết người thời gian qua cho thấy, chúng ta đang buông lỏng quản lý, thậm chí nhiều khâu còn thả nổi đối với lĩnh vực mới như thẩm mỹ. Còn đối với y, bác sĩ, khó mà đòi hỏi họ tận tâm, tận lực, khi làm việc mười mấy tiếng/ngày. Khi quá mệt mỏi thì lấy đâu ra sáng suốt chuyên môn, lòng tận tâm với người bệnh?!

PV: Ông vừa nói đến sự nhập nhèm giữa y tế công với y tế tư nhân ở chỗ, y, bác sĩ của ta vừa làm trong bệnh viện công lại vừa làm ở phòng mạch tư. Thành ra không ít y, bác sĩ duy trì trạng thái làm việc kiểu “chân ngoài dài hơn chân trong” thường xuyên đến mức coi phòng mạch tư mới là chỗ làm việc chính. Ông có bình luận gì về hiện trạng này?

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Xã hội hóa y tế là cần thiết, nhưng phải rất rành mạch y tế công, y tế tư. Với nước ta, công tác xã hội hóa y tế còn mới mẻ, phải tiếp tục hoàn thiện thể chế. Đối với y, bác sĩ, công tâm mà nói, đồng lương của họ chưa đảm bảo đời sống, nên họ phải trông vào thu nhập thêm ở phòng mạch, ở đó mới là thu nhập chính. Cứ lẫn lộn y tế công, y tế tư như thế, thì y đức bị ảnh hưởng là điều đương nhiên thôi.

PV: Theo ông, chúng ta phải làm gì để tách bạch y tế công, y tế tư, nâng cao y đức của y, bác sĩ phục vụ người bệnh?

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Phải hoàn thiện thể chế y tế công ra công, tư ra tư. Thể chế có kẽ hở, quản lý lỏng lẻo như ở Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường trên, thì cái ác còn chỗ đứng. Thể chế ở đây không chỉ là luật, quy định dưới luật, mà còn là chế độ trách nhiệm, cơ chế kiểm soát lẫn nhau, chế độ đãi ngộ đối với y, bác sĩ... Mấu chốt là sự giáo dục nhân cách chứ chưa nói tới y đức; chế độ đãi ngộ đối với y, bác sĩ gắn với trách nhiệm. Đãi ngộ xứng đáng mà trách nhiệm không tròn, thì phải bị xử lý.

PV: Xin cảm ơn nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan!

Thanh Phong (thực hiện)
.
.
.