Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình nói về “Đề án 70 ngàn tỷ”

Chủ Nhật, 12/06/2011, 15:30
Dù “chưa bình luận về con số 70.000 tỷ” của một Đề án đổi mới giáo dục vừa manh nha, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Bình nêu ý kiến, cần lập một tổ chức như Ủy ban cải cách giáo dục, gồm những nhà khoa học uy tín trong và ngoài ngành giáo dục để “lo” về cải cách giáo dục.

"Nếu bỏ ra 70 ngàn tỷ mà tạo ra được một hướng chuyển động mới cho cả hệ thống giáo dục, tạo ra sự đổi mới mạnh mẽ, căn bản và toàn diện, tạo ra được nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước thì cũng không phải là "đắt" đâu. Nhưng tôi e là với cách xây dựng đề án đổi mới giáo dục phổ thông như Bộ vừa công bố thì sẽ không đạt được những mục tiêu to lớn đó" -  nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch Quỹ hòa bình và phát triển Việt Nam đã chia sẻ những trăn trở, suy tư với PV Báo CAND về Đề án nâng cấp giáo dục 70 ngàn tỷ…

Bà Nguyễn Thị Bình.

PV: Thưa bà, nhiều nhà khoa học đang lên tiếng về Đề án giáo dục ngàn tỷ này. Quan điểm của bà về Đề án như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Bình: Tôi chưa bình luận về con số 70.000 tỷ. Nhưng khi nghe ý kiến của các nhà khoa học am hiểu về giáo dục, tôi thấy mọi người đều thống nhất với nhau về cách đặt vấn đề của Bộ GD&ĐT trong đề án là không hợp lý, là ngược chiều. Theo tôi, các ý kiến đó đều xác đáng. Tôi băn khoăn và lấy làm khó hiểu và không hiểu nổi tại sao những người có trách nhiệm về giáo dục lại không lắng nghe ý kiến đóng góp của các nhà khoa học tâm huyết, không phải bây giờ mà 5-7 năm trước đây khi chúng ta đang thực hiện thay sách giáo khoa.

Năm 2004, nhóm nghiên cứu của GS Hoàng Tụy gồm một số nhà khoa học, nhà văn, nhà văn hóa đã có kiến nghị rất rõ ràng về giáo dục phổ thông cần chấn hưng, cải cách hiện đại hóa giáo dục. Năm 2007, tôi và một số nhà giáo, nhà khoa học có đề tài nghiên cứu đưa ra luận cứ khoa học cho việc đề xuất chủ trương, chính sách phát triển giáo dục phục vụ sự nghiệp đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước trong bối cảnh hội nhập hóa quốc tế, trong đó, kiến nghị cần cuộc cải cách giáo dục căn bản, toàn diện. Còn ở phía Nam, năm 2008, nhóm chuyên gia giáo dục, nhà khoa học ở nước ngoài cũng đưa ra đề án cải cách giáo dục Việt Nam. Văn kiện ĐH Đảng lần thứ XI yêu cầu chúng ta phải đổi mới giáo dục căn bản và toàn diện, đây chính là cải cách giáo dục.

PV: Chủ trương đổi mới giáo dục căn bản và toàn diện là đúng đắn, khoa học, nhưng Đề án của Bộ lại đi từ việc đổi mới chương trình và SGK khiến nhiều nhà khoa học băn khoăn, như vậy thưa bà có phải là mục tiêu xác định chưa chuẩn xác, chưa mang tầm chiến lược?

Bà Nguyễn Thị Bình: Đổi mới căn bản giáo dục toàn diện bao gồm nhiều vấn đề lớn, trong đó có cả xây dựng chương trình và sách giáo khoa. Nhưng chương trình, SGK phải có mục tiêu, căn cứ thì mới xây dựng được. Sau năm 2015 sẽ thay sách và chương trình giáo dục phổ thông, tôi tán thành chủ trương này. Nhưng xây dựng đề án thì phải xem xét mối quan hệ của đề án với các vấn đề căn bản khác của giáo dục, nói cách khác là phải xem xét trong tổng thể. Khi tổng thể rõ rồi thì mới đặt vấn đề xây dựng đề án chương trình phổ thông vì chương trình phổ thông phụ thuộc vào mục tiêu, hệ thống triết lý giáo dục. Đây là vấn đề không đơn giản, không chỉ của riêng ngành Giáo dục mà liên quan tới cả xã hội. Giáo dục là đào tạo ra con người, tạo ra nguồn nhân lực cho xã hội. Trong tình hình đất nước phát triển và bối cảnh quốc tế như hiện nay thì vấn đề này rất lớn.

Vì vậy, để có một đề án giáo dục tổng thể gồm những vấn đề căn bản toàn diện thì phải có một tổ chức giúp cho Đảng, Nhà nước giải quyết những vấn đề đặt ra đó. Đó có thể là một tổ chức như Ủy ban cải cách giáo dục, gồm những nhà khoa học uy tín trong và ngoài ngành giáo dục. Yêu cầu của thời đại ngày nay rất cao, càng không thể làm qua loa được. Phải làm kỹ lưỡng và nghiêm túc. Cải cách giáo dục lần này không chỉ nhằm khắc phục những yếu kém mà nhằm nâng chất lượng giáo dục phục vụ cho được nhiệm vụ chính trị giai đoạn từ nay đến năm 2020 và phải xa hơn nữa.

PV: Được biết, năm 2010, bà và các cộng sự đã xuất bản cuốn sách bàn về chất lượng giáo dục phổ thông trong 10-15 năm tới. Trong cuốn sách đó, bà đã kiến nghị gì để khắc phục thực trạng của giáo dục phổ thông hiện nay?

Bà Nguyễn Thị Bình: Thực trạng giáo dục phổ thông của mình hiện nay nặng về dạy chữ, yếu về giáo dục nhân cách. Ngay dạy chữ có những cái không cần thiết, cái cần thì lại không có. Bây giờ trong tình hình mới, khoa học phát triển thì phải dạy về phương pháp tư duy, phương pháp học chứ không phải dạy phương pháp tiếp thu một cách thụ động. Hơn nữa, kỹ năng thực hành của chúng ta còn yếu. Cải cách là phải khắc phục vấn đề này, đồng thời yêu cầu phải cao hơn nữa về nhân cách, về kiến thức, về phương pháp tư duy là vấn đề mới.

Tôi nhấn mạnh, đổi mới thế nào thì cũng phải xác định rõ mục tiêu. Mục tiêu đào tạo con người giờ khác trước rồi, không thể nói chung chung mà phải nói đến con người có nhân cách đạo đức, có phương pháp tư duy, con người của năng lực, hành động. Nói "đổi mới toàn diện" giáo dục phổ thông nhưng không thể không nhìn tới đại học, dạy nghề. Kiểu thi vào đại học như hiện nay thì phổ thông khó đạt được mục tiêu đề ra.

PV: Có ý kiến cho rằng, trong điều kiện khó khăn, trước mắt chúng ta chỉ cần chỉnh sửa bộ SGK hiện hành và đầu tư một số tiền để đào tạo đội ngũ giáo viên giỏi, bà có đồng tình với quan điểm này không?

Bà Nguyễn Thị Bình: Tôi cho rằng, mục đích của chúng ta là đào tạo ra con người có đủ phẩm chất năng lực để xây dựng và phát triển đất nước. Chương trình thì cũng không bỏ hoàn toàn mà vẫn có cái kế thừa. Trở lại đề án, nếu không bàn rõ ràng về mục tiêu, định hướng giáo dục phổ thông thì không thể biết thế nào mà sửa được. Xây dựng chương trình khó lắm, nó đòi hỏi phải có hệ thống chứ không thể cắt khúc được. Chương trình giáo dục ở nhiều nước được coi như một đạo luật. Còn SGK của họ không phải một cuốn mà nhiều cuốn. Đề án của Bộ GD&ĐT đặt ra vấn đề 1 bộ SGK là không được rồi.

PV: Vậy thưa bà, để đổi mới căn bản, toàn diện thì chúng ta ưu tiên khâu nào làm trước?

Bà Nguyễn Thị Bình: Trước hết phải có đề án tổng thể, trong đó có mục tiêu chung là đổi mới, cải cách cái gì. Vấn đề này phải nghiên cứu đồng bộ, trong đó đặt ra vấn đề hướng giải quyết mục tiêu. Nghe con số 70 ngàn tỷ thì cũng to tát nhưng theo tôi khoan tính tới cái đó. Vấn đề làm thế nào để có chất lượng thực sự. Đây còn là vấn đề văn hóa, là nền tảng của đất nước chứ không phải của riêng một bộ, ngành.

PV: Thưa bà, giai đoạn bà làm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thì chúng ta cũng thực hiện cải cách giáo dục. Vậy bà có bài học kinh nghiệm gì có thể chia sẻ cho cuộc cải cách sắp tới?

Bà Nguyễn Thị Bình: Thật ra điều kiện khi ấy còn khó khăn lắm. Bác Phạm Văn Đồng lúc đó nói, cải cách giáo dục không có tiền mà làm được mới giỏi. Cái khó lúc bấy giờ là ở chỗ đó. Đội ngũ khoa học của mình lúc đó còn mỏng. Do tình hình hạn chế của thời sự lúc đó và cái khuyết điểm của mình chính là điều kiện khó khăn nên ngay cả cải cách sư phạm không quan tâm đúng mức. Bây giờ có điều kiện tốt hơn càng cần phải tham khảo tập hợp trí tuệ của các nhà khoa học trong nước và ngoài nước…

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam:

Theo tôi quan trọng là sử dụng 70.000 tỷ để cải cách giáo dục như thế nào? Nếu tính để đổi mới sách giáo khoa, mua thiết bị giáo dục, xây dựng trường học thì chưa được, vì thiết bị trường học hiện nay ở nhiều địa phương còn nhiều bất cập, thiết bị đắp chiếu để đó, giáo viên và học sinh phải học chay, dạy chay. Những lãng phí đó ai sẽ bù đắp đây? Do đó, quan trọng nhất hiện nay để cải cách giáo dục phải có chiến lược đổi mới, cải cách cái gì, ưu tiên cái gì là khâu đột phá thì mới đưa ra đề án cụ thể như thế này.

GS Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục Việt Nam:

Cách làm của Bộ GD&ĐT, xét ở khía cạnh khoa học là chưa ổn. Vì với thực trạng giáo dục hiện nay, những nhà quản lý giáo dục cần phải nghĩ đến việc "sửa từ gốc". Có nghĩa là phải làm một cuộc cải cách. Phải có những nghiên cứu sâu để làm rõ nền giáo dục có chỗ nào bất ổn. Và phải bắt đầu từ những bất ổn đó để xây dựng lại hệ thống giáo dục, xây dựng lại triết lý giáo dục. Nếu Bộ GD&ĐT nhìn thấy được những bất ổn mà nhiều nhà giáo dục tâm huyết đã nhắc đến thì hẳn họ phải đi một con đường khác. Còn họ vẫn làm theo cách hiện nay, bỏ qua những góp ý của những người tâm huyết thì chỉ có thể giải thích là họ nghĩ "giáo dục không có gì khủng hoảng".

Thu Phương (thực hiện)
.
.
.