Nguy cơ ô nhiễm nước ngầm tại các thành phố lớn

Thứ Hai, 08/05/2006, 15:35

Theo những thống kê chưa đầy đủ, hiện tại, cả nước đã có hơn 3.300 giếng khoan có quy mô lớn phục vụ cấp nước cho các khu đô thị và công nghiệp. Tuy nhiên, rất nhiều giếng khoan nước nổi váng và có mùi hôi tanh khó chịu.

Riêng số lượng giếng khoan cấp nước nông thôn, giếng khoan tự phát kiểu UNICEF của các hộ dân hiện có khoảng 1,1 triệu giếng. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, hiện có khoảng 85% dân số khu vực nông thôn ở vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Nam Bộ đang sử dụng nguồn nước giếng khoan tự phát để dùng trong ăn uống, sinh hoạt.

Tại Hà Nội, tình trạng khai thác nước ngầm từ trước tới nay diễn ra hết sức nghiêm trọng. Riêng số lượng giếng khoan khai thác quy mô công nghiệp, thống kê chưa đầy đủ đã lên đến hơn 1.000 giếng, phần lớn trong số đó đều chưa làm thủ tục để cấp phép.

Hiện tại, có hàng loạt xã, phường vùng ven thành phố vẫn chưa có nước sạch và giếng khoan là sự lựa chọn duy nhất. Việc thống kê đang được tiến hành nhưng theo số liệu của một số nghiên cứu trước đây, số lượng giếng khoan dạng này phải lên đến hơn 100 ngàn giếng. Nhà nhà khoan giếng, người người khoan giếng. Chỉ cần bỏ ra khoảng 1 triệu đồng, các hộ dân đã lập tức có được một giếng nước ngầm để phục vụ sinh hoạt. Thông tin về dịch vụ khoan giếng được quảng cáo khắp nơi, trên các tờ rơi, khắp các ngóc ngách, bờ tường, ngõ phố.

Tại TP Hồ Chí Minh, tình trạng này lại trở nên bức xúc hơn bao giờ hết. Theo thống kê của cơ quan chức năng, thành phố này hiện có khoảng hơn 100 ngàn giếng nước khoan. Số lượng các giếng nước khoan, đặc biệt là các giếng nước trong dân thay đổi từng ngày và khó thống kê thật chính xác. Có những quận, huyện mật độ giếng khoan lên tới gần 900 giếng/km2.

Nước giếng khoan - ẩn họa đối với sức khỏe con người

Theo đánh giá của các chuyên gia thì tầng nước ngầm hiện tại mà người dân đang tập trung khai thác nằm ở độ sâu 30-40m, đây là tầng nước nông nên thường bị nhiễm sắt và amoni. Bên cạnh đó, theo một dự án nghiên cứu về việc phân bố asen trong đất và nước vừa được thực hiện thì nguồn nước từ những giếng khoan của các hộ gia đình đã bị nhiễm asen khá trầm trọng. Nếu nước ô nhiễm asen lâu ngày sẽ dẫn đến các triệu chứng như có đốm sẫm trên thân thể hay các đầu chi, gây niêm mạc trên người, hoặc sừng hoá trên bàn tay, bàn chân. Asen có thể gây ra các bệnh như: ung thư gan, phổi, bàng quang, bệnh thận, tim mạch, cao huyết áp…

Mặc dù có tới 70-80% hộ dân ở các vùng nông thôn đang phải sử dụng nguồn nước giếng khoan để phục vụ sinh hoạt ăn uống, với những nguy cơ ô nhiễm rất cao, nhưng đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa có một nghiên cứu đầy đủ và quy mô nào về chất lượng của nguồn nước đó. Những con số mà chúng tôi đề cập ở trên chỉ là những thống kê ở một vài khu vực nhỏ theo các đề án, dự án điều tra đánh giá nước dưới đất theo tỷ lệ nhất định. Chính vì vậy, số lượng các giếng khoan trên thực tế chắc chắn sẽ lớn hơn nhiều và tác động tiêu cực của nó cũng không hề nhỏ.

Nếu không có những nỗ lực lớn của các ngành, các cấp và cơ quan chức năng trong lĩnh vực này, cũng như sự hợp tác và nhận thức đầy đủ của cộng đồng thì mục tiêu chấm dứt tình trạng thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật sẽ rất khó đạt được

Xuân Luận
.
.
.