Nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm ở Hải Phòng

Thứ Hai, 08/05/2006, 13:49

Gần như 100% các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại Hải Phòng đều vi phạm quy chế về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), trong đó có cả những khách sạn, nhà hàng quy mô lớn, nổi tiếng lâu nay vẫn thu hút nhiều thực khách.

Vào thời điểm mùa hè, mùa cao điểm phát sinh dịch bệnh, Hải Phòng cũng như cả nước đã tập trung mở chiến dịch có tên "Tháng hành động vì VSATTP". Trong đó, hành động trọng điểm được tập trung vào các chợ đầu mối, các tụ điểm ăn uống quy mô lớn trên địa bàn nội thành. Qua một lượt kiểm tra, Đoàn liên ngành đã dễ dàng phát hiện hàng loạt sai phạm.

Theo báo cáo nhanh, đã có 78 lượt kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh liên quan và gần như 100% đều vi phạm quy chế về VSATTP. Trong đó có 6 vụ vi phạm nghiêm trọng phải xử phạt hành chính với tổng số tiền hơn 10 triệu đồng.

Thực khách xơi toàn đồ lạ

Điều đáng quan tâm là cơ quan QLTT đã phát hiện, tạm giữ 18 loại gia vị, phụ gia thực phẩm rất lạ tại các bếp nhà hàng đang chế biến. Trong đó, nhiều loại chỉ bằng cảm quan thì không thể biết đó là loại hóa chất gì, nguồn gốc xuất xứ từ đâu. Nhiều loại không hề có tem nhãn hoặc nếu có thì cũng không thể hiện được nội dung thông tin cần thiết đúng như quy định gồm: tiếng Việt, thời hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng... Ngay cả các đầu bếp trực tiếp sử dụng các chất phụ gia này vào việc nấu nướng cũng không thể trả lời nổi nó là chất gì. Chỉ biết đưa vào chế biến để món nấu được thơm hơn, ngon hơn.

Coi thường yếu tố an toàn

Điển hình cho các sai phạm được phát hiện tại nhà hàng P.G - nằm trên đường Nguyễn Văn Linh, một địa chỉ nổi tiếng của khách... sành ăn. Tại đây, đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện ngay tại bếp nấu có sử dụng 8 loại hóa chất gia vị lạ do nước ngoài sản xuất (chưa xác định được thành phần điều chế, xuất xứ cụ thể và thời hạn sử dụng). Nhà hàng này tuy chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh rượu nhưng bày bán rất nhiều loại rượu nhập khẩu không rõ nguồn gốc (không dán tem), rượu tự chế biến, tự đặt tên rất kêu, dạng bổ đủ thứ. Đoàn đã lập biên bản tịch thu tiêu hủy và đưa đi giám định một số loại hóa chất, gia vị lạ. Đồng thời xử phạt hành chính chủ cơ sở kinh doanh ở mức 10 triệu đồng.

Trong khi đó, tại khu vực các chợ trung tâm, các điểm kinh doanh thực phẩm chế biến như giò, chả, bún...,  công việc kiểm tra rất khó tiến hành bởi lẽ sự xuất hiện của đoàn rất dễ bị phát hiện. Các đối tượng kinh doanh ngay lập tức thu xếp các loại hàng hóa được cho là "có vấn đề" và rời khỏi vị trí kinh doanh. Theo một thành viên trong đoàn kiểm tra, những khuyến cáo về VSATTP đối với nhóm kinh doanh này có hiệu quả rất thấp. Nhận thức của họ về vấn đề này chỉ đơn giản là đầu tư thấp, lợi nhuận cao. Bất chấp hậu quả, ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng.

Phải chấn chỉnh công tác phối hợp

Về mặt chỉ đạo quản lý Nhà nước đối với công tác VSATTP trên địa bàn cũng đã thể hiện nhiều điều bất cập. Trong đó, sự phân công các ngành, đơn vị thực hiện theo chức năng chưa thống nhất dẫn đến tình trạng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" trong cùng một sự việc, địa điểm kiểm tra. Điển hình là việc kiểm tra tại một nhà hàng trên đường Điện Biên Phủ, cán bộ Sở Y tế đã "làm thay" việc của QLTT. Do đó, các quyết định đưa ra trái thẩm quyền khiến cho chủ cơ sở kinh doanh không tâm phục khẩu phục.

Theo bà Nguyễn Thị Sắn, Phó Chi cục  QLTT Hải Phòng, trọng tâm của đợt kiểm tra này là nhằm thay đổi nhận thức của các đối tượng liên quan, kể cả người dân trong sinh hoạt ăn uống thường ngày cần phải tự bảo vệ mình bằng kiến thức, bằng khoa học ăn uống. Tuy nhiên, "sức khỏe" lại là chuyên môn của ngành Y tế. Hơn lúc nào hết, sự phối hợp chặt chẽ của hai ngành vào lúc này sẽ làm tăng tính hiệu quả của công tác đảm bảo VSATTP không chỉ riêng trong "tháng" trọng điểm

Lê Minh Triết
.
.
.