Nguy cơ dịch bệnh từ nước giải khát, hàng ăn di động

Thứ Năm, 17/06/2010, 20:13
Vỉa hè phố Triệu Quốc Đạt, Phủ Doãn tập trung khá nhiều hàng ăn, giải khát di động phục vụ người nhà bệnh nhân. Người bán cho nước, cốc, thức ăn vào những mẹt, làn có thể xách hoặc gánh được, di chuyển bất cứ lúc nào. Bởi vậy, họ không có nước để rửa tay, rửa cốc chén, bát đĩa nên nguy cơ vệ sinh an toàn thực phẩm luôn ở mức báo động.

Những ngày này, nhiệt độ ngoài trời ở Hà Nội có lúc lên tới gần 40 độ. Ai cũng tìm cách trốn vào nhà, nơi có điều hòa, quạt mát. Thế nhưng nhiều người phải lao ra ngoài đường để mưu sinh, để làm những việc không đừng được là khám bệnh, về quê, đi công tác… Bởi vậy, những quán nước giải khát vỉa hè, cổng bệnh viện, bến xe… trở thành điểm nóng của vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm khi nguy cơ bệnh tả đang cận kề.

Ghi ở những điểm nóng

Trưa 16/6, nắng gay gắt khiến người dân Hà Nội vội vàng lao đi trên đường, che bịt đủ thứ trên người để giảm bớt cái nóng. Cổng Bệnh viện K vẫn nườm nượp khách đứng, ngồi, chờ đợi. Chị bán nước rong ngồi sát hàng rào bệnh viện trên phố Quán Sứ bận rộn hơn hẳn. Trời nắng nóng nên nước trà đá của chị cũng rất đông khách. Mỗi cốc nước dùng xong, chị thả cốc vào can nhựa đựng nước bẩn thỉu và cũ kỹ để tráng cốc. Chỉ với cái can 5 lít gọt phần trên, từ sáng đến giờ không biết chị đã tráng bao nhiêu lượt cốc.

Còn nữa, đá dùng để uống nước cũng là đá không rõ nguồn gốc. Người mua chẳng để ý tới vệ sinh, bởi những người dân nghèo phải ăn chực nằm chờ nơi cổng bệnh viện có nước mát uống đã là tốt rồi. Mà nước bán rong trên vỉa hè như thế mới có giá 1.000 đồng/cốc.

Khách hàng cần thận trọng sử dụng nước giải khát vỉa hè (Ảnh: giaoducsuckhoe.net).

Phố Triệu Quốc Đạt, Phủ Doãn, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội là nơi tập trung nhiều người nhà bệnh nhân vào Bệnh viện Việt Đức và Phụ sản Trung ương. Vì thế, tuyến phố này cũng trở thành phố ăn uống, giải khát bình dân cho họ. Tất cả hàng ăn, giải khát bán trên vỉa hè đều di động. Người bán cho nước, cốc, thức ăn vào những mẹt, làn có thể xách hoặc gánh được, di chuyển bất cứ lúc nào. Bởi vậy, họ không có nước để rửa tay, rửa cốc chén, bát đĩa nên nguy cơ vệ sinh an toàn thực phẩm luôn ở mức báo động.

Nhưng thực tế chứng kiến cảnh ăn uống của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân ở cổng bệnh viện mới thấy cảnh vất vả, khổ sở trong những ngày nắng nóng này. Thậm chí, nhìn thấy người bán hàng để thức ăn trong hộp nhựa, đậy kín, phơi giữa trời nắng chang chang, ai cũng biết thức ăn dễ ôi thiu như thế nào. Nhưng, họ đành chấp nhận đưa thực phẩm đó vào bụng bởi không còn sự lựa chọn nào khác.

Xung quanh Bệnh viện K, Việt Đức, Phụ sản Trung ương có tới hơn chục hàng giải khát và hàng chục hàng ăn di động như thế. Bến xe phía Nam nắng nóng như thiêu như đốt, người đợi xe mua nước giải khát từ những chiếc xe di động, ăn uống và xả rác bừa ra đường đi.

Trời nắng nóng, nhiều điểm bán nước giải khát bất ngờ mọc lên khắp các vỉa hè Hà Nội

Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, Thanh tra Sở Y tế đang phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra nước đá, nhưng chỉ là kiểm tra các cơ sở sản xuất, còn nước đá bán trên thị trường thì chưa "sờ" được đến. Theo phân cấp, việc quản lý chất lượng VSATTP giao cho chính quyền và ngành Y tế các địa phương, nhưng tình trạng mất VSATTP, đặc biệt nước giải khát vẫn diễn ra như cơm bữa…

Theo khuyến cáo của ngành Y tế thì nước giải khát đường phố có nguy cơ nhiễm khuẩn cao, không đảm bảo VSATTP, không được che đậy, dụng cụ không được vệ sinh sạch sẽ, người bán hàng không đeo găng tay, thậm chí còn sử dụng đường hóa học để pha chế, đặc biệt là nhiễm khuẩn E-coli, một loại vi khuẩn gây bệnh đường ruột, kiết lỵ, tiêu chảy. "Ăn chín, uống sôi" là chủ đề cần phải được chính quyền địa phương tuyên truyền mạnh trong thời gian này khi thời tiết oi bức, nhiệt độ cao dễ gây ôi thiu thực phẩm, dễ gây các bệnh về đường ruột. Chi cục QLTT Hà Nội cho biết, chi cục đang triển khai kiểm tra các mặt hàng nước giải khát trong mùa hè vì đây là thời điểm tiêu thụ mạnh.

Qua thực tế tìm hiểu, chúng tôi phát hiện hiện tượng cho đường hoá học vào nước mía bằng cách như sau: Người bán chọn góc khuất để cạo mía, sau khi chặt thành từng khúc dùng dao nhọn tách phần đầu khúc rồi nhét viên đường hóa học vào trong và ập lại, cắm vào thùng. Hoặc nếu cạo vỏ mía trước mặt khách thì họ có thể sử dụng khăn lau đã thấm đường hoá học để bọc mía, lau mía hoặc đặt phía dưới thùng đựng mía cho đường hoá học ngấm vào tấm mía. Người mua tưởng rằng được uống mía nguyên chất nhưng thực chất là uống mía pha đường hóa học.

Trần Hằng - Việt Hà
.
.
.