Nguy cơ cháy tại các cao ốc văn phòng, chung cư

Thứ Hai, 19/07/2010, 11:36
Cả nước hiện có trên 1.000 nhà cao tầng, trong đó rất nhiều tòa nhà cao hàng chục tầng. Theo đà phát triển của kinh tế đất nước, những tòa cao ốc cao trên 50 tầng cũng đang mọc lên ngày một nhiều, thậm chí Tập đoàn Dầu khí đang chuẩn bị khởi công một tòa cao ốc đến 102 tầng,… Tuy nhiên, đáng lo là công tác phòng cháy cũng như chữa cháy lại không theo kịp tốc độ phát triển chiều cao của các tòa nhà….

Nguy cơ luôn hiện hữu

Hiện nay, cả nước đã có trên 1.000 nhà cao tầng và tại các nhà nhiều tầng luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy cao. Ở các tòa nhà này, nếu xảy ra cháy, đám cháy sẽ lây lan nhanh chóng từ dưới lên trên, có thể có sự tích tụ khói trong các lối và đường thoát nạn làm ảnh hưởng lớn đến công tác cứu người bị nạn và dập tắt đám cháy.

Theo thống kê từ năm 2004 đến tháng 4/2010, trên địa bàn hai TP Hà Nội và HCM đã xảy 10 vụ cháy tại khu vực nhà cao tầng, trong đó đáng chú ý là vụ cháy tại chung cư 18 tầng SJC-34 (Hà Nội) ngày 10/3/2010 làm chết 2 người và 4 người bị thương nặng; vụ cháy tại tầng hầm để xe tòa nhà A, chung cư 17 tầng ở Từ Liêm (Hà Nội) làm cháy 3 ôtô và hư hỏng một số xe khác gây thiệt hại trên 4 tỷ đồng.  

Khói trong vụ cháy chung cư JSC-34 Khuất Duy Tiến (Hà Nội) khiến 2 người chết.

Tuy nhiên, vụ cháy Trung tâm thương mại Quốc tế ITC ở TP HCM mới là lời cảnh báo nặng nề nhất về ý thức phòng cháy, cũng như những bất cập của công tác chữa cháy.

"Tại vụ cháy tòa nhà Trung tâm Thương mại Quốc tế ITC mới cao 5 tầng đã cướp đi sinh mạng của 60 người, làm 70 người khác bị thương. Nếu xảy ra cháy tại các cao ốc cao trên 10 tầng, thậm chí đến 70 tầng, với hàng nghìn người sinh sống và làm việc tại đó thì nguy cơ xảy ra thảm họa cháy là hiện hữu"- Một bản báo cáo phân tích mới đây về nguy cơ cháy nổ tại các tòa nhà cao tầng của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) cảnh báo.

Vì thế, việc tổ chức thực hiện công tác PCCC&CNCH đối với các nhà cao tầng không chỉ dừng lại ở trách nhiệm của các Ban quản lý, của người dân sinh sống tại đó, của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH mà còn phải là trách nhiệm của chính quyền các cấp ở địa phương và của toàn xã hội.

Nhận thức được tầm quan trọng trong công tác PCCC và nhất là bài học kinh nghiệm của vụ cháy Trung tâm thương mại Quốc tế ITC, trong những năm vừa qua, công tác PCCC đối với nhà cao tầng đã có những chuyển biến tích cực.

Các công trình khi xây dựng đã thực hiện quy định về thẩm duyệt PCCC, nghiệm thu trước khi sử dụng. Ban quản lý nhiều tòa nhà, khách sạn, cao ốc văn phòng, chung cư cao cấp đã đầu tư kinh phí để thực hiện các giải pháp an toàn PCCC đối với cơ sở mình… Tuy nhiên, thực tế công tác này vẫn còn nhiều bất cập.

Không gì quan trọng bằng ý thức phòng cháy

 

Vụ cháy chung cư cũ ở Hào Nam (Hà Nội) vào tháng 9/2009 rất khó dập cháy nhanh do giao thông ùn tắc, cũng như vướng nhiều vật cản như dây điện chằng chịt, các căn hộ cơi nới.

Cục Cảnh sát PCCC&CNCH vừa kết thúc đợt khảo sát công tác PCCC tại 318 công trình cao từ 6 tầng trở lên, trong đó có 190 nhà, công trình cao trên 10 tầng tại 5 thành phố lớn, cùng với kết quả sơ bộ đợt tổng kiểm tra, chấn chỉnh công tác PCCC đối với các nhà cao tầng nói riêng và nhà nhiều tầng nói chung theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an (tại công văn số 667/BCA-TCVII ngày 24/3/2010), qua đó cho thấy công tác PCCC, cứu nạn cứu hộ tại khu vực nhà cao tầng còn nhiều vấn đề đáng quan ngại.

Đó là tại các tòa nhà cao tầng, chung cư cao tầng, đặc biệt là các cao ốc văn phòng, người dân và nhân viên của các đơn vị thuê văn phòng rất ít được phổ biến kiến thức PCCC, cũng như tập huấn sử dụng phương tiện chữa cháy ban đầu và các biện pháp thoát nạn cơ bản khi có sự cố xảy ra; cá biệt có một số người dân sống trong các chung cư còn sử dụng nguồn lửa không đảm bảo quy định, đun nấu tại khu vực hành lang, cầu thang, đốt vàng mã không đúng nơi quy định, đổ than, tro còn nóng vào ống đổ rác gây cháy, như vụ cháy nhà cao tầng tại 25 Vũ Ngọc Phan (Hà Nội) ngày 20/6/2009 hay vụ cháy chung cư CT4-1 khu đô thị Mễ Trì (Hà Nội) ngày 20/12/2009.

Bên cạnh việc sử dụng bừa bãi các nguồn nhiệt, thì nhiều công trình cao tầng thường không đảm bảo các điều kiện an toàn trên lối thoát nạn, không trang bị đầy đủ thiết bị chiếu sáng sự cố, biển chỉ dẫn thoát nạn, hoặc đã trang bị nhưng bị hư hỏng, đặt ở vị trí chưa hợp lý; tại một số chung cư, nhà nhiều tầng các hộ gia đình tự ý cải tạo, cơi nới, lắp đặt thêm các loại cửa ra vào, bịt các ban công,… Đây là những lỗi vi phạm vô cùng nguy hiểm vì khi có sự cố xảy ra, an toàn thoát nạn là yêu cầu đầu tiên và quan trọng nhất.

Vấn đề đáng lo nữa là trang bị, phương tiện chữa cháy của lực lượng chuyên trách cũng rất thiếu. Theo Đại tá Nguyễn Đức Nghi, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội thì Hà Nội có tới 29 quận, huyện nhưng mới có 10 đội Cảnh sát PCCC, nhiều đội Cảnh sát PCCC phải hoạt động trong bán kính từ 40-50km. Phương tiện chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn thiếu trầm trọng. Trong 84 xe chữa cháy, xe chuyên dùng thì có đến 45% là xe đã hoạt động trên 15 năm. Các phương tiện chữa cháy nhà cao tầng như xe thang, xe hút khói còn thiếu nhiều….

Đề cập đến khía cạnh liên quan khác, ông Lê Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho rằng, tiêu chuẩn hiện hành yêu cầu về thiết kế PCCC cho nhà cao tầng đã lỗi thời, vì tiêu chuẩn này chỉ áp dụng được đối với nhà cao tầng có chiều cao đến 100m (tương đương 30 tầng), trong khi TP HCM và nhiều thành phố khác đã và đang triển khai thiết kế xây dựng một số dự án nhà cao tầng có chiều cao lớn hơn 100m.

Theo Đại tá Trần Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát QLHC về TTATXH, những bất cập hiện nay của công tác PCCC phải nhanh chóng được tập trung khắc phục, mà một trong những vấn đề cần lưu ý là tất cả các nhà cao tầng phải xây dựng hoàn chỉnh phương án chữa cháy, thoát nạn và cứu nạn, cứu hộ theo quy định của Thông tư 04/2004/TT-BCA ngày 31/3/2004 của Bộ Công an... Đặc biệt cần có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các cơ quan, tổ chức lân cận để xử lý sự cố từ ban đầu có hiệu quả.

Đại tá Trần Anh Dũng cho biết, Bộ Công an sẽ đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền xây dựng, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC theo từng lĩnh vực cho phù hợp với thực tế. Đồng thời, chú trọng đầu tư nâng cao năng lực hoạt động cho lực lượng làm công tác PCCC. Tuy nhiên, trong vấn đề này ý thức phòng cháy của người dân vẫn là quan trọng nhất.                      

Ông Lê Minh Trí - Phó Chủ tịch UBND TP HCM: "Công tác PCCC không phải là việc của riêng lực lượng Cảnh sát"

"Cần nâng cao ý thức trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở trong công tác PCCC, tránh tư tưởng coi công tác PCCC là việc của riêng lực lượng Cảnh sát PCCC, còn cơ sở thì không có trách nhiệm gì. Từ đó người đứng đầu cơ sở có trách nhiệm thực hiện công tác PCCC theo quy định như tự tổ chức kiểm tra an toàn PCCC, đồng  thời chủ động xây dựng các phương án, giải pháp PCCC cũng như đầu tư trang thiết bị, phương tiện".

B.Tuấn
.
.
.