Nguy cơ cháy do rò khí gas

Thứ Hai, 08/09/2008, 10:25
Các cửa hàng gas lậu tung đội quân vào tận các khu dân cư, gõ cửa từng nhà xin được vào vệ sinh bếp gas miễn phí rồi nhanh tay bóc số điện thoại của cửa hàng cung cấp gas dán trên vỏ bình, dán số điện thoại của cửa hàng mình vào. Những lần thay gas sau đó, khổ chủ cứ số điện thoại ấy gọi mà không biết đã bị tráo. Nhiều nhân viên còn gạ thay dây dẫn gas, van gas. Chính những thiết bị không đảm bảo an toàn này, cộng với sự cẩu thả của nhân viên hoặc những sự cố khác… là những nguyên nhân gây ra rò rỉ gas.

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC - Công an TP Hà Nội, từ đầu năm 2008 đến nay, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra 8 vụ cháy khí gas, làm 4 người bị thương. Gần đây nhất, trong 2 ngày  28/8 và 4/9, xảy ra 2 vụ cháy do rò rỉ khí gas làm 3 người bị bỏng nặng. Tai nạn do cháy, nổ khí gas đang là điều đáng báo động bởi gas đang là loại chất đốt phổ biến hiện nay trong các gia đình, trong khi kiến thức về khí gas và biện pháp xử lý sự cố rò rỉ gas, không phải ai cũng quan tâm…

Tai nạn thương tâm…

Buổi tối 4/9 là một tối kinh hoàng đối với gia đình ông Nguyễn Hữu Mai, ở thôn Ngọc Đại (Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội). Khoảng 21h, khi ăn cơm xong, con trai ông Mai là cháu Nguyễn Trung Thành (15 tuổi) mở cánh cửa dẫn xuống bếp. Khi cháu Thành vừa bật công tắc điện sau cánh cửa thì "bùng", ngọn lửa bốc lên dữ dội làm bật tung mái nhà bếp. Cháu Thành được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng bỏng nặng toàn thân.

Vụ cháy được xác định là do khí gas bị rò rỉ trong quá trình đun nấu. Buổi tối, khi gia đình đóng kín cửa bếp, lượng khí gas tụ lại lớn nên khi cháu Thành bật công tắc điện, vô tình tạo nguồn nhiệt gây cháy.

Trước đó, tối 28/8, tại gia đình ông Phạm Quang Quý, ở số 5 phố Mai Hương, phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, trong lúc ông Quý cùng em gái là bà Phạm Thị Trọng nấu nướng để chuẩn bị cho bữa giỗ ngày hôm sau, do rò khí gas gây cháy làm cả hai người bị bỏng. Do khí gas khi cháy tạo ra nhiệt lượng lớn, từ 1.500 đến 1.700 độ C nên bỏng gas là loại bỏng gây thương tích nặng, tỷ lệ tử vong cao.

Cháy tại các cửa hàng bán gas trong quá trình sang chiết trái phép cũng xảy ra nhiều. Gần đây nhất, vào cuối tháng 4/2008, tại tầng 3 cửa hàng kinh doanh gas và bếp gas tại đường Giải Phóng, quận Hai Bà Trưng phát ra tiếng nổ lớn và lửa bùng cháy dữ dội, gây thiệt hại trên 100 triệu đồng về tài sản, làm chủ nhà là ông Trần Nam Trung và một nhân viên cửa hàng bị bỏng.

Theo một cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC thì việc kinh doanh gas của tư nhân hiện nay phổ biến hiện tượng sang chiết gas bởi nếu bán hàng nghiêm chỉnh thì lãi suất ít, lại quy định giá trần nên buộc những cửa hàng này khi nhận gas từ các đại lý chính thức của hãng đã thực hiện hành vi gian lận để lấy lãi. Việc sang chiết này chủ yếu từ bình to 12kg sang bình gas du lịch, mỗi lần chiết từ 3-5 bình. Như vậy người bán hàng cũng lãi thêm từ 10.000-15.000 đồng/bình 12kg. Về phía người sử dụng gas, rất ít gia đình trang bị cân để cân kiểm tra trọng lượng gas, nên đã tạo điều kiện cho các hành vi gian lận này kéo dài.

Nguy cơ từ việc sang chiết gas trái phép

Ngoài các cửa hàng có đăng ký, rất nhiều tư nhân có thêm các kho chứa ở chỗ khác, hình thành mạng lưới những kho chứa gas lậu rải rác trong các khu dân cư mà vụ kiểm tra phát hiện kho gas chứa 800 bình gas không phép tại 1A đường nước Phần Lan, phường Quảng An, quận Tây Hồ trong ngày 10/7 vừa qua là một điển hình.

Một kho gas lậu bị Công an phát hiện.

Khi kiểm tra, chủ kinh doanh chỉ xuất trình được giấy phép đăng ký kinh doanh của cửa hàng có địa chỉ tại 267 đường Hồng Hà, phường Phúc Tân. Theo nhận định của một cán bộ Cảnh sát PCCC thì ngoài việc cạnh tranh khách hàng, những kho gas lậu này chính là địa điểm để thực hiện hành vi sang chiết trái phép. Theo quy định, việc sang chiết gas phải thực hiện ở những trạm có trang bị bình đo áp suất. Tuy nhiên, việc sang chiết gas của tư nhân chỉ thực hiện bằng những dụng cụ tự chế thủ công như thiết bị đấu nối dây dẫn, đặt các bình nhỏ vào khay đá làm khí gas co lại, thay đổi áp suất khiến gas tự động chuyển từ bình to sang bình du lịch. Trong khi đó, bình gas du lịch cấu tạo bằng vỏ nhôm, nếu quá áp lực sẽ tự nổ gây cháy.

Để đối phó với việc kiểm tra của cơ quan chức năng, việc sang chiết gas được thực hiện ở những góc khuất như nhà vệ sinh, nhà tắm… Các vụ cháy, nổ tại các cửa hàng kinh doanh gas đã "lòi" ra nguyên nhân sang chiết gas trái phép. Điển hình là vụ một công ty du lịch thuê địa điểm tại phường Quan Hoa, Cầu Giấy xảy ra cháy, sau khi dập tắt, Cảnh sát PCCC phát hiện nguyên  nhân do rò khí gas nhưng công ty này khẳng định không sử dụng gas. Tuy nhiên, khi kiểm tra đã phát hiện phía trong ngôi nhà là kho chứa khoảng trên 100 bình gas các loại. Thì ra đây là điểm kinh doanh gas trái phép.

Việc kinh doanh gas trôi nổi như vậy không chỉ gây khó khăn cho cơ quan quản lý, mà điều đáng nói là sau khi xảy ra các sự cố về cháy, nổ khí gas ở các gia đình, cơ quan Công an lần tìm theo số điện thoại ghi trên bình gas nhưng không xử lý được vi phạm bởi đó là địa chỉ "ma".

Bất ngờ kiểm tra cửa hàng kinh doanh gas của Đỗ Xuân Hợp tại ngõ 462 đường Bưởi, Công an phường Vĩnh Phúc bắt quả tang 2 nhân viên cùng ông chủ cửa hàng đang sang chiết gas của hãng Vạn Lộc vào các bình gas nhãn hiệu Shell, Total, Petro Việt Nam, Hồng Hà… để ăn tiền chênh lệch mỗi bình gas từ 30.000-50.000 đồng.

Những vỏ bình gas này được thu gom về từ  các "chiêu" cạnh tranh khách tinh quái như phát tờ rơi quảng cáo khuyến mãi, mua bình và bếp gas tặng kèm một món đồ như xoong, chảo…; tung đội quân vào tận các khu dân cư, gõ cửa từng nhà xin được vào vệ sinh bếp gas miễn phí rồi nhanh tay bóc số điện thoại của cửa hàng cung cấp gas dán trên vỏ bình, dán số điện thoại của cửa hàng mình vào.

Những lần thay gas sau đó, khổ chủ cứ số điện thoại ấy gọi mà không biết đã bị tráo. Nhiều  nhân viên còn gạ thay dây dẫn gas, van gas với lý do thiết bị cũ không an toàn. Nhân cơ hội này, chúng lấy đi thiết bị tốt và thay cho khổ chủ những thiết bị rởm, rẻ tiền mà vẫn "chém" đẹp như giá các thiết bị tốt. Và chính những thiết bị không đảm bảo an toàn này, cộng với sự cẩu thả của nhân viên lắp đặt bình gas hoặc những sự cố khác trong quá trình sử dụng như chuột cắn dây dẫn, sự cố hỏng van gas, bình gas quá cũ… là  những nguyên nhân gây ra rò rỉ gas.

Các biện pháp xử lý sự cố

Khí gas khi bị rò rỉ rất nguy hiểm bởi nó thường đọng lại ở những chỗ kín, khi gặp nguồn nhiệt bốc cháy nhanh, mạnh nên sức công phá rất lớn. Do đó, những kiến thức tối thiểu khi sử dụng gas để đảm bảo an toàn về cháy nổ là hết sức cần thiết đối với người sử dụng. Ngay cả với những gia đình sử dụng van gas tự động cũng không hẳn đã an toàn bởi loại van này chỉ ngắt khi áp lực gas rò rỉ mạnh, nếu gas rò nhẹ và từ từ, van gas sẽ không tự động ngắt. Cách tốt nhất là phải tập cho thành thói quen khóa van gas ngay sau khi sử dụng xong.

Nên mua gas ở những cửa hàng có uy tín, rõ địa chỉ, có hợp đồng cung cấp gas để ràng buộc trách nhiệm. Khi phát hiện có hiện tượng rò rỉ khí gas, cần bình tĩnh thực hiện các thao tác như đeo khẩu trang để khóa van bình gas, mang bình gas ra chỗ trống, nếu phát hiện vị trí rò gas thì dùng dây cao su hoặc xà phòng cục bịt lại, sau đó điện thoại báo cho nhân viên kỹ thuật của cửa hàng gas đến xử lý. Tuyệt đối không được sử dụng các nguồn nhiệt, không tắt, bật tất cả các công tắc điện trong nhà, không sử dụng điện thoại di động. Mở toàn bộ hệ thống cửa thoáng để khí gas thoát ra ngoài.

Tuy nhiên, cũng không nên quá lo lắng cho rằng bình gas là "quả bom nổ chậm" trong nhà bởi bình gas được thiết kế an toàn. Trong đám cháy, khi nhiệt độ cao, lá đồng gần van gas sẽ tự động bật ra để khí gas thoát ra ngoài, không gây hiện tượng nổ bình. Bình gas chỉ nổ khi ở trong môi trường kín và có ôxy lọt vào trong bình

H.Vũ
.
.
.