Người tiêu dùng phải tự bảo vệ mình

Thứ Tư, 14/03/2007, 19:52

Ngoài chợ, lắm khi chỉ có ai to mồm, bạo tiếng cãi nhau với người bán hàng thì may ra mới được đền bù, chứ dân nói năng lí nhí, lại hay sĩ diện như trí thức nước nhà thì đành ngậm miệng trách mình quan liêu không biết chọn lựa đúng.

Người ta bảo rằng, trong cơ chế thị trường hiện nay, khách hàng là thượng đế. Khách hàng phải bỏ ra những tờ bạc mồ hôi nước mắt của mình nên được quyền lựa chọn, được quyền tiêu dùng, sử dụng những thứ "đáng đồng tiền bát gạo". Tuy nhiên, cái quyền này không phải bao giờ cũng được bảo vệ đủ độ.

Trong khi đó, thực ra thì chúng ta cũng có những cơ chế đã được ghi thành văn bản để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chúng ta có Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ngày Quốc tế Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng (12-3) cũng vẫn được chúng ta tổ chức kỷ niệm hàng năm. Có điều, hình như ý thức bảo vệ và tự bảo vệ quyền lợi của mình chưa trở thành nếp nghĩ mang tính xã hội rõ nét ở ta.

Nhìn quanh thấy quả còn tồn tại không ít sự khiến ta phải suy ngẫm một cách lo lắng. Dạo qua các cửa hàng hay các chợ, có thể  thấy rằng, các kiểu vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng thật thiên biến vạn hóa. Cơ chế thị trường thuận mua vừa bán, nhưng nếu cái sự bán không trung thực khiến người tiêu dùng bị lừa thì sao?

Hàng được quảng cáo là có những đặc tính tuyệt vời, nhưng nếu ta sử dụng không thấy được những đặc tính được nhà sản xuất tô vẽ một tấc đến giời đó trên cả các phương tiện thông tin đại chúng lắm khi rất có uy tín xã hội, ai sẽ xử lý giùm ta? Bạn mua phải hàng giả hay hàng nhái những nhãn hiệu nổi tiếng, kiện ở đâu cho được hiệu quả?

Ngoài chợ, lắm khi chỉ có ai to mồm, bạo tiếng cãi nhau với người bán hàng thì may ra mới được đền bù, chứ dân nói năng lí nhí, lại hay sĩ diện như trí thức nước nhà thì đành ngậm miệng trách mình quan liêu không biết chọn lựa đúng! Ngay cả nhiều nhãn hàng hóa ghi liền với các sản phẩm cũng lắm khi chỉ là những lời lẽ đại ngôn, hư truyền.

Quyền lợi của người tiêu dùng còn bị vi phạm nghiêm trọng hơn khi liên quan tới một số những sản phẩm văn hoá kém chất lượng. Khi ta trót bỏ tiền ra mua vé vào xem những ngôi sao của cơ chế thị trường được một số người mang danh nhà báo tung hô lên tận mây xanh nhưng thực chất không thể nào "y phục xứng kỳ đức", ai sẽ đền bù thiệt hại cho ta, không chỉ về vật chất mà cả về tinh thần?

Đã và đang có nhiều biện pháp hành chính mang tính pháp lý để bảo vệ những người tiêu dùng. Tuy nhiên, để tránh bị hớ thì mỗi người chúng ta phải tự khôn ngoan hơn khi làm khách hàng.

Không ngẫu nhiên mà ông Đỗ Gia Phan, Tổng Thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, mới đây nhất đã nêu ra khẩu hiệu khuyến cáo người tiêu dùng rằng: "Cần đề cao trách nhiệm với bản thân!" Nếu ta không tự cứu ta bằng sự hiểu biết cần thiết về các sản phẩm sẽ mua thì khó có thể mong chờ ở một cơ chế xã hội tuyệt hảo nào đó còn chưa được xây dựng hoàn chỉnh ngay cả ở những nơi cực kỳ phát triển và văn minh.

Năm nay, nhân Ngày Quốc tế Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng (12-3), Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã công bố chủ đề hành động năm 2007 là "Đấu tranh chống việc cổ động phi đạo đức cho thuốc chữa bệnh".

Theo đó, những hành vi vì lợi nhuận không vì sức khỏe con người, bị coi là cổ động phi đạo đức cho thuốc chữa bệnh gồm: quảng cáo thiếu đầy đủ và trung thực cho thuốc (che giấu các phản ứng phụ, các hiệu ứng thuốc không mong muốn, giới thiệu thái quá về tác dụng của thuốc…); tiếp thị thuốc đến cán bộ y tế và người tiêu dùng; tặng sản phẩm mẫu; biếu xén, hối lộ thầy thuốc để kê đơn dùng thuốc của mình; tài trợ cho các chương trình giáo dục về sức khỏe nhằm quảng cáo cho thuốc hơn là giáo dục về sức khỏe; tài trợ cho nhóm bệnh nhân để tuyên truyền cho thuốc của mình…

Nhân dịp Nghị định của Chính phủ về ghi nhãn hàng hóa bảo đảm quyền thông tin cho người tiêu dùng thông qua việc ghi nhãn hàng hóa, đặc biệt là ghi nhãn thực phẩm đóng gói có hiệu lực từ 13/3, Trung ương Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam cũng đã đưa ra đề xuất riêng. Tới đây, Hội sẽ đánh giá lại tình hình ghi nhãn thực phẩm đóng gói; điều tra những tiêu cực trong việc cổ động trái phép cho thuốc chữa bệnh ở các địa phương; vận động hướng dẫn người tiêu dùng quan tâm hơn đến nội dung thông tin ghi trên nhãn thực phẩm đóng gói.

Đồng thời, vào cuối tháng 3 đầu tháng 4 tới, Cục Quản lý thị trường (Bộ Thương mại) kết hợp với các cơ quan chức năng khác thuộc Bộ Công nghiệp, Bộ Công an… tiến hành một cuộc điều tra về tình hình sản xuất, quản lý, sử dụng các mặt hàng tân dược trên thị trường cả nước.

T.H.
.
.
.