Người tiêu dùng phải "quen" với việc "đi kiện"

Thứ Năm, 28/06/2007, 20:34
Sự kiện ông Hà Hữu Tường, cán bộ Thi hành án quận 8 gửi đơn lên TAND TP HCM khởi kiện 17 doanh nghiệp sản xuất nước tương nhiễm chất gây ung thư 3-MCPD đã làm nóng lên một vấn đề: Người tiêu dùng Việt Nam còn thụ động khi quyền lợi bị nhà sản xuất xâm hại.

Lâu nay, người tiêu dùng (NTD) bị đặt vào tình thế bị động, tiến thoái lưỡng nan. Mặc dù biết rõ tác hại của thực phẩm không an toàn tới sức khoẻ và cuộc sống nhưng vẫn bắt buộc phải sử dụng bởi không còn sự lựa chọn nào khác. “Không ăn cũng chết mà ăn vào thì sẽ chết từ từ!”, câu nói dân gian dường như càng ngày càng đúng khi mà NTD Việt Nam đang bị "bủa vây" bởi nhiều loại thực phẩm độc hại.

Ăn để... chết!?

Chúng ta đặt ra mục tiêu đến năm 2010 có 90% người sản xuất, 80% người kinh doanh thực phẩm, 100% người quản lý, lãnh đạo và 80% người tiêu dùng có hiểu biết đúng và thực hành đúng về vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng công tác tuyên truyền vẫn chưa thực sự hiệu quả. Thói quen sử dụng thực phẩm không đúng cách, không an toàn vẫn rất khó thay đổi.

Thêm nữa, tâm lý chủ quan, thờ ơ và thiếu quan tâm cần thiết của chính những người sử dụng thực phẩm cũng rất phổ biến.

Nước tương chứa chất 3-MCPD được cảnh báo có thể gây ung thư vẫn tràn ngập đường phố, hiện diện trong căn bếp của nhiều gia đình. Hàng trăm tấn hoa quả “ngâm tẩm” vẫn ùn ùn qua các cửa khẩu và được sử dụng mỗi ngày. Dẫu vậy, chỉ khi hàng loạt báo cùng "đánh động" thì NTD mới "sững người".

Mỗi năm ở nước ta tăng đến 70% số ca ngộ độc thực phẩm. Riêng trong năm 2006 đã có đến 2.685 người bị ngộ độc.

Chỉ trong Tháng hành động vì chất lượng ATVSTP năm 2007 từ 15/4 đến 15/5 đã xảy ra 24 vụ ngộ độc thực phẩm với 420 người mắc, trong đó có 2 trường hợp tử vong.

Ở một khía cạnh khác, theo một nhà nghiên cứu, đại đa số người dân Việt Nam có mức sống thấp. Với nhiều người, việc ăn cho no, cho đủ đã là điều rất vất vả chứ chưa nói gì đến ăn những sản phẩm an toàn và có chất lượng.

Có những nơi ở vùng sâu vùng xa, dân quê cả tháng không được cầm đến tờ báo nên cũng cũng chẳng biết đâu là thực phẩm độc hại, sử dụng như thế nào là vệ sinh, người bán cứ bán người ăn cứ ăn. Hậu quả là người tiêu dùng lãnh đủ.

Khiếu kiện không dễ

Trao đổi với phóng viên CAND Online về vấn đề quyền lợi của người tiêu dùng đang bị xâm hại, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình (Văn phòng Luật sư Hồng Hà - Hà Nội) cho biết: Trước hết, NTD cần sử dụng “quyền được khiếu nại và bồi thường”, phải khiếu nại trực tiếp đến người bán hoặc nhà sản xuất.

Trong trường hợp khiếu nại không được giải quyết hoặc giải quyết không thoả đáng, NTD có thể gửi khiếu nại cho Văn phòng Khiếu nại của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Trung ương hoặc địa phương, hoặc có thể phản ánh cho Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Thương mại). Bên cạnh đó, NTD cũng có thể gửi đơn kiện lên Toà án các cấp theo thủ tục Tố tụng dân sự.

Khi gửi đơn khởi kiện, NTD cần nêu rõ đối tượng bị kiện (Nhà sản xuất), chứng minh thiệt hại do việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ kém phẩm chất, chất lượng, yêu cầu bồi thường hoặc các yêu cầu khác, các chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện… Đơn khởi kiện gửi đến Tòa án cấp quận, huyện nơi nhà sản xuất đóng trụ sở.

Nước tương bày bán tràn lan.

Với không nhiều những đơn vị sản xuất được thanh kiểm tra về chất lượng an toàn thực phẩm và phát hiện ra những vi phạm thì những người tiêu dùng như Ông Tường còn có "cơ sở" để kiện.

Còn với những mặt hàng tự do, đường phố đồng thời là những tác nhân chính gây ngộ độc thực phẩm thì lại không được ai kiểm tra, không ai chịu trách nhiệm. Khi xảy ra sự cố, ngộ độc thậm chí nguy hại đến tính mạng người tiêu dùng muốn đi kiện cũng phải bó tay.

"Việc ông Tường đứng lên kiện các cơ sở sản xuất nước tương và đòi bồi thường 30 tỉ đồng là một bước tiến quan trọng trong thái độ của người tiêu dùng với quyền lợi của họ", luật sư Bình nói.

Tuy nhiên theo ý kiến của ông Bình thì vụ kiện chỉ có ý nghĩa về mặt xã hội, tạo cho NTD Việt Nam một thói quen đòi quyền lợi. Còn để được giải quyết, hành trình khá gian nan bởi ông Tường sẽ phải đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu của Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS).

Theo Thạc sĩ Phạm Thanh Bình (Văn phòng Luật sư Hồng Hà - Hà Nội), việc NTD kiện nhà sản xuất là chuyện bình thường ở nước ngoài nhưng ở Việt Nam thì còn khá xa lạ, mặc dù không phải là chưa xảy ra.

Việc “ít” xảy ra những vụ kiện loại này có nhiều nguyên nhân, trong đó việc người tiêu dùng thiếu thông tin là một nguyên nhân chính.

Ngoài ra, quy trình tố tụng để khởi kiện và giải quyết vụ kiện hiện nay còn quá dài và phức tạp, cũng như tâm lý “dĩ hòa vi quý” của người tiêu dùng Việt Nam cũng là những nguyên nhân khiến ít xảy ra những vụ kiện loại này.

Theo quy định của pháp luật, ông Tường cần có được sự ủy quyền hợp lệ của NTD (có địa chỉ cụ thể) bị thiệt hại do đã sử dụng nước tương có chất 3-MCPD vượt quá tiêu chuẩn quy định của một doanh nghiệp cụ thể, phải thu thập và xuất trình được những chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình; phải nộp án phí trên cơ sở số tiền đòi bồi thường…

Đồng thời, việc phải đưa ra những chứng cứ để chứng minh được thiệt hại mà các nhà sản xuất đã gây ra cho những NTD là một vấn đề cực khó, nếu không nói là không thể trong điều kiện NTD thiếu thông tin như hiện nay.

Đồng quan điểm với luật sư Bình, ông Đỗ Gia Phan - Phó Chủ tịch Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam - nói cụ thể hơn: Điểm yếu của NTD Việt Nam là chưa thực sự biết bảo vệ mình.

Trao đổi với phóng viên CAND Online về vấn đề này, ông Phan "nhắc" NTD trước hết cần chủ động phát hiện và khiếu nại về các hành vi gây ảnh hưởng đến quyền lợi của mình; biết tự bảo vệ mình trong tiêu dùng, nâng cao ý thức về quyền và trách nhiệm của mình và đấu tranh cho quyền và lợi ích hợp pháp đó. "Những trường hợp như ông Tường là rất đáng hoan nghênh và ủng hộ".

Vị lãnh đạo Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam này, tâm sự, mặc dù Hội có quyền thay mặt người tiêu dùng đứng lên khởi kiện nhưng cũng đành “lực bất tòng tâm” trong hoàn cảnh hiện nay.

Theo ông Phan, có quá nhiều nguyên nhân không cho phép theo đuổi vụ kiện như: không có người, không có kinh phí… Và trên thực tế thì Hội cũng chỉ là một tổ chức quần chúng, mọi việc vẫn phụ thuộc phần lớn vào các cơ quan chức năng

Xuân Quỳnh
.
.
.