Dự thảo đổi nghị định 55/2007 về kinh doanh xăng dầu:

Người tiêu dùng phải được tham gia giám sát về giá

Thứ Năm, 30/07/2009, 13:58
Hội thảo góp ý cho dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2007 về kinh doanh xăng dầu diễn ra trọn ngày 29/7 tại Hà Nội (do Liên Bộ Tài chính - Công thương chủ trì) đã bùng phát những tranh luận khá gay gắt, thậm chí trái ngược nhau của đại biểu đến từ các hiệp hội ngành nghề, các nhà khoa học… với đại diện cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp…

Thông tin về Dự thảo (lần 4) của Nghị định, ông Nguyễn Tiến Thỏa (Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính) cho biết: Từ nay, "giá cơ sở" sẽ được xác lập để hình thành nên "giá bán lẻ xăng dầu". Mọi biến động của mức giá này sẽ được coi là căn cứ để doanh nghiệp (DN) tăng hay giảm giá bán lẻ xăng dầu trên thị trường. Như vậy, khi "giá cơ sở" giảm từ trên 3 đến 12%, DN phải giảm giá bán lẻ với mức không thấp hơn 50% của mức giảm giá cơ sở. Ngược lại, nếu giá cơ sở tăng từ trên 3 đến 12%, DN cũng được đề xuất tăng giá bán lẻ với điều kiện không vượt quá 50% của mức tăng giá cơ sở.   

Lâu nay, dư luận luôn đặt nghi vấn về sự minh bạch của cơ chế tính giá bán lẻ xăng dầu. Ông Nguyễn Khánh Toản - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng: Dù có đến 11 DN tham gia nhập khẩu nhưng trên thực tế, cả nước vẫn chỉ áp một loại giá cho xăng dầu bán lẻ. Đây là điều thậm vô lý, chứng tỏ, ngành kinh doanh xăng dầu chưa thực sự được điều hành theo cơ chế thị trường như định hướng của Chính phủ. Người tiêu dùng (NTD) vẫn chưa có quyền được lựa chọn và luôn luôn bức xúc, mỗi khi giá dầu thế giới tăng, DN vội vàng tăng ngay giá bán lẻ. Mặc dù, lúc buộc phải giảm giá, DN lại giảm nhỏ giọt, từ từ.

Đông đảo người dân luôn quan tâm tới cơ chế điều hành xăng dầu.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú lên tiếng: Trong vòng 2 năm trở lại đây, dù tăng giá hay giảm giá bán lẻ xăng dầu, DN đều lỗ. Mức lỗ đó Nhà nước phải gánh, riêng năm 2008 mấy chục nghìn tỷ. NTD luôn được mua xăng dầu dưới giá. Đó là lý do vì sao khi tăng giá lại tăng nhanh, còn giảm thì giảm từ từ!?

Tuy nhiên, ông Nguyễn Khánh Toản "phản biện": Chưa có sự rõ ràng trong cách tính giá bán lẻ nên người dân có quyền nghi vấn: Khi lãi DN được hưởng. Ngược lại nếu lỗ, Nhà nước, NTD chia nhau chịu. Điều này khiến DN chưa năng động để tự mình xoay xở trên thị trường. Theo ông Toản, Nghị định mới phải tạo cơ hội thúc đẩy DN thực sự lao vào cuộc cạnh tranh lành mạnh mà tránh ỷ lại vào Nhà nước. Ông Toản cũng đề xuất: Quỹ bình ổn xăng dầu chỉ theo sự điều chỉnh của Bộ Tài chính là chưa đủ mà cần có đại diện NTD, đại diện các Hiệp hội Ngành nghề tham gia để thực hiện chức năng giám sát.

Góp ý cho Dự thảo, nhiều đại biểu lại quay ra "mổ xẻ" vai trò "độc quyền" của Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam, coi như đây là một yếu tố thúc đẩy cạnh tranh. Cố tránh không dùng từ "độc quyền", Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú nhấn mạnh: Không có "độc quyền" trong cạnh tranh xăng dầu bởi quy mô DN chưa quyết định được gì...

N.H.S.
.
.
.