Người thầy tận tâm của trẻ em nghèo

Thứ Sáu, 05/04/2013, 09:53
Mặc dù chưa tốt nghiệp sư phạm, nhưng gần 23 năm qua, ông Hà Cảnh Lượm vẫn là người thầy giáo đáng kính của các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở làng La Chữ, phường Hương Chữ, (Hương Trà, Thừa Thiên Huế). Từ sự ần cần truyền đạt kiến thức của ông Lượm, hầu hết các em thi vào các trường cấp III đỗ điểm cao...

Thuở học tiểu học, trung học, cậu bé Lượm đã nổi tiếng học giỏi. Sau ngày đất nước giải phóng, Lượm theo gia đình rời TP HCM về Huế, tiếp tục con đường học vấn và đã là người đỗ đầu trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại một trường THPT danh tiếng trên đất Cố đô. Suốt 3 năm học phổ thông, Lượm luôn đạt thành tích xuất sắc.

Đến năm 1978, cậu bé Lượm gầy gò ngày nào đã trở thành chàng thư sinh điển trai, vui mừng nhận được giấy báo trúng tuyển vào Khoa Toán Trường Đại học Tổng hợp Huế. Nhưng rồi, vì lý do sức khỏe nên ước mơ vào giảng đường đại học không thành, Lượm buồn bã trở về làng, sau đó lập gia đình, làm công việc đồng áng để lo cơm, áo nuôi vợ con. “Song, tai họa vẫn không buông tha tôi, sinh được 4 người con thì vợ tôi đột ngột ra đi, do bị điện giật. Và, từ ấy tôi sống với cảnh gà trống nuôi con...”.

Bằng chất giọng trầm buồn, ông Lượm kể tiếp rằng, lận đận với công việc hàng ngày để nuôi con ăn học nên ông không có ý định mở lớp dạy học nhưng thấy mấy đứa cháu của mình học yếu môn toán, ông mới dạy kèm. Từ những kiến thức về môn Toán khá vững của mình, cộng với phương pháp giảng dạy phù hợp chẳng mấy chốc mà học lực của những đứa cháu ông khá lên.

Lớp học của “thầy giáo” Lượm.

Tiếng lành đồn xa, thế là các bậc phụ huynh trong làng và các xã lân cận đem con đến gặp ông để “tầm sư học chữ”. Trong số đó cũng có không ít người là giáo viên, cán bộ ở các xã được mệnh danh là vùng đất học như Hương Chữ, Hương An...

Vì xuất thân gia đình nghèo nên ông thấu hiểu được nỗi lòng ham học của những học sinh nghèo. Đó cũng là lí do mà ông không quan trọng chuyện học phí. “Coi như tùy tâm, các em thương mình vất vả thì gửi trả học phí bao nhiêu cũng được. Tôi không có quy định. Thậm chí có nhiều em khó khăn quá, tôi chẳng bao giờ đề cập chuyện học phí với các em cả...”.

Ông Lượm nói tiếp: “Với tôi, chỉ mong sao các em học giỏi để sau này có thể phụ giúp gia đình thoát nghèo, trở thành người hữu ích cho xã hội là quý lắm rồi !...”. Chưa từng qua một lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm nào nhưng với tinh thần ham học hỏi, ông Lượm đã tự mày mò, bỏ tiền ra mua rất nhiều sách nâng cao, tìm đọc nhiều phương pháp giải toán mới trên mạng Internet để truyền đạt cho trò của mình nhiều kiến thức chuyên sâu về phương pháp giải toán.

Học trò của ông, ai thiếu sách gì ông đều có cho mượn để tìm hiểu thêm. Nhờ vậy mà đa số các em được ông bồi dưỡng kiến thức đều thi đỗ vào các trường cấp III danh tiếng ở Huế như, Trường THPT chuyên Quốc học, Hai Bà Trưng...

Ông Lê Đình Lanh, Phó Chủ tịch UBND phường Hương Chữ trân trọng: “Thầy Lượm là một tấm gương sáng trong công tác khuyến học của phường. Năm nay cũng đã gần 60 tuổi nhưng thầy vẫn tận tụy với công việc dạy học cho con em trong làng.

Mỗi dịp 20-11, những ngày Tết đến, căn nhà nhỏ của thầy luôn rộn vang tiếng cười đùa nói chuyện của các thế hệ học sinh đã thành đạt về thăm lại thầy”...

Văn Hạnh
.
.
.