Người thầy một tay

Thứ Ba, 24/12/2019, 08:31
Mất đi một cánh tay bởi súng đạn của giặc Pháp nhưng người thương binh, thầy giáo Trịnh Ngọc Trình vẫn không ngừng học tập, làm việc và cống hiến. Ông là một hình tượng, một tấm gương sáng giữa đời thường.


Hình tượng “Em Ngọc”

Đầu năm 1947, thực dân Pháp đánh chiếm Ninh Bình, lúc đó Trịnh Ngọc Trình đang làm liên lạc cho Tiểu đoàn 62, Trung đoàn 34, em được chỉ huy đơn vị giao nhiệm vụ chuyển công văn xuống Đại đội 10, thuộc Tiểu đoàn 62 ở Thành Mỹ (huyện Hoa Lư) để thông báo địch chuẩn bị tập kích.

Khi phát hiện ra Trịnh Ngọc Trình ở gần khu vực nhà thờ thị xã Ninh Bình, ba tên lính Pháp đuổi theo, nổ súng bắn chéo “cánh sẻ” chặn đường để bắt sống Trình lấy tài liệu.
Thầy Trịnh Ngọc Trình.

Cậu bé liên lạc chạy thục mạng qua cánh đồng lúa và bị trúng đạn gần như đứt lìa cánh tay trái. Dù cánh tay cứ lủng lẳng, những Trình cố nén đau vượt qua con kênh gặp đơn vị bộ đội bàn giao công văn xong cậu được 4 đồng chí bộ đội khiêng đi cấp cứu ở bệnh xá tiền phương.

Bác sĩ Nguyễn Trinh Cơ đã cắt cánh tay trái nhưng do lăn lộn dưới ruộng bùn nên bị nhiễm trùng và sài uốn ván nguy hiểm đến tính mạng. Phải hơn một tháng sau, bằng sự kiên trì và tâm huyết của bác sĩ Nguyễn Trinh Cơ, Trình được trở về đơn vị tiếp tục chiến đấu.

Cảm phục trước nghị lực phi thường và sự gan dạ, dũng cảm của cậu bé liên lạc Trịnh Ngọc Trình, bác sĩ Nguyễn Trinh Cơ đã viết câu chuyện với tựa đề “Em Ngọc” và đăng trên Báo Vui sống năm 1947. Câu chuyện “Em Ngọc” nhanh chóng lan tỏa khắp cả nước, các trường học, các địa phương phát động phong trào yêu nước noi gương “Em Ngọc” lên đường tòng quân ra trận đánh giặc, cứu nước. Tác phẩm “Em Ngọc” được Bộ Giáo dục đưa vào sách tiếng Việt cấp tiểu học giai đoạn 1954-1975.

Trong tác phẩm có đoạn viết cảm động: “Khuỷu tay em đã dập nát, không cách gì cứu chữa được... Ngọc giãy giụa mạnh và nói to: “Thực dân liệu hồn! Sao chúng mày bắn gãy tay ông... Nước đang còn đánh nhau với nó kia mà! Để tay cho tôi, để tôi đánh nó, đuổi nó đi! Đuổi hết chúng nó đi!”.

Người khởi xướng phong trào “Ba sẵn sàng”

Sau một thời gian làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mường Lay (Lai Châu), năm 1962, thầy giáo Trình được điều về làm Bí thư Đoàn Thanh niên Lao động Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Trong giai đoạn này, khi cả nước sục sôi phong trào chống Mỹ, cứu nước, Bí thư Đoàn Trịnh Ngọc Trình đã có sáng kiến phát động phong trào “Tam bất kỳ”, tiền thân của phong trào “Ba sẵn sàng”.

Tối ngày 30-4-1964, hàng nghìn sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tập hợp tại Nghĩa trang Mai Dịch, trong tay rực sáng ngọn đuốc, trước anh linh các liệt sĩ, hàng ngàn tiếng hô vang “Xin thề! Xin thề! Xin thề!”. Ngay sau lễ phát động phong trào “Ba sẵn sàng”, ngày 1-5-1964, nhiều đoàn viên, sinh viên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã trích máu viết quyết tâm thư xin nhập ngũ. Hàng nghìn thầy giáo, sinh viên xếp bút nghiên lên đường ra trận chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Phong trào “Ba sẵn sàng” tạo khí thế ngút trời trên phạm vi cả nước, mang tầm vóc lịch sử, thể hiện tinh thần bất khuất của dân tộc và mốc son chói lọi, truyền thống vẻ vang của Đoàn thanh niên. “Đi bất kì nơi đâu Tổ quốc cần; Làm bất kì việc gì Tổ quốc giao phó; vượt qua bất kì khó khăn gian khổ nào để hoàn thành nhiệm vụ”. Hào khí đó vẫn còn tuôn chảy đến cả hôm nay và mai sau. Thầy giáo Trịnh Ngọc Trình là người khởi xướng và là tấm gương tiêu biểu cho tinh thần ấy.

“Ông HEDO”

Tôi gặp thầy giáo Trịnh Ngọc Trình khi ông và đoàn công tác vừa trở về sau chuyến đi bồi dưỡng 100 cô đỡ thôn bản ở thị trấn Đông Khê, huyện Thạnh An, tỉnh Cao Bằng. Thầy Trình cho biết, đây là hoạt động nằm trong chương trình của Tổ chức Hỗ trợ phát triển giáo dục miền núi, viết tắt là HEDO (Highland Education Development Organization).

HEDO ra đời vào ngày 28-3-1990, với mục tiêu phục vụ sự nghiệp “Phát triển kinh tế, xã hội của các tỉnh miền núi và dân tộc thiểu số” của Việt Nam theo Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị và Quyết định số 72 của Chính phủ. Người chỉ đạo thành lập HEDO là Thượng tướng Đàm Quang Trung, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. HEDO được sự bảo trợ của ba cơ quan là Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế và Viện Khoa học Việt Nam. Thầy giáo Trịnh Ngọc Trình được chỉ định làm Giám đốc HEDO.

Gần 30 năm qua, trên cương vị Giám đốc HEDO, Thầy giáo Trịnh Ngọc Trình hoạt động say sưa, không ngừng nghỉ. Bây giờ đã bước sang tuổi 86, với một bên tay áo buông thõng, nhưng “ông HEDO” vẫn đều đặn đi đến các tỉnh, thành trong cả nước để góp phần vào sự nghiệp phát triển giáo dục, xóa đói giảm nghèo, chăm lo sức khỏe cộng đồng ở miền núi.

Nhiều lần gặp tai nạn khi leo núi, vượt đèo và phải nằm viện những ông vẫn không nản chí. Đến nay, HEDO đã vận động và thực hiện thành công hơn 200 chương trình, dự án phục vụ người dân ở những vùng miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thuộc 43 tỉnh thành từ miền Bắc, miền Trung đến Tây Nguyên và Nam Bộ.

HEDO bỏ nhiều công sức giúp phát triển giáo dục miền núi như xây trường nội trú, bán trú, trường mẫu giáo, xưởng nghề, trung tâm xóa mù chữ, trung tâm dạy nghề, thư viện, phòng thí nghiệm, vườn trường, trung tâm văn hóa dân tộc, giữ gìn và và phát triển tiếng nói và chữ viết dân tộc…

Hỗ trợ học sinh, sinh viên miền núi về học chuyên ngoại ngữ tại Hà Nội và Đại học Y tỉnh Thái Bình; mời giáo viên từ Anh, Đan Mạch sang dạy tiếng Anh miễn phí cho cán bộ của các tỉnh miền núi. Phối hợp đào tạo hàng trăm tiến sĩ, thạc sĩ người dân tộc thiểu số. Đồng thời, HEDO triển khai các dự án về xóa đói giảm nghèo, như: Mời các nhà khoa học về hướng dẫn bà con cách chăn nuôi, trồng trọt; chăm lo sức khỏe cộng đồng bằng việc đào tạo hàng nghìn cô đỡ thôn bản, huấn luyện cho các bác sĩ về phòng chống HIV/AIDS, xây dựng trạm xá chữa bệnh phong...

Hiên nay, HEDO đã có quan hệ và hợp tác với hơn 100 tổ chức chính phủ và phi chính phủ, các viện nghiên cứu, các trường đại học, bệnh viện lớn trên 50 quốc gia. Ngày 15-10-2010, HEDO được kết nạp làm thành viên chính thức của mạng lưới Hiệp ước toàn cầu Liên hợp quốc, tự nguyện thực hiện 10 nguyên tắc của Hiệp ước và 8 mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.

Tôi hỏi động lực nào để ông miệt mài làm việc không ngừng nghỉ? Ông cười hiền từ rồi nhỏ nhẹ: "Sinh ra trong gian khổ ai cũng có động lực. Với tôi từ nhỏ đã chiến đấu và được vào sách vở. Đặc biệt hơn vào năm 1957, trong một lần về Hà Nội tham gia hội nghị giáo viên cốt cán miền Bắc, tôi cùng nhiều đồng nghiệp vinh dự được đón Bác tới thăm và nói chuyện.

Bác nhận ra tôi bị mất một cánh tay và tiến lại gần, hỏi thăm. Sau đó, tôi được Bác khen ngợi và động viên tôi trước mọi người. Tôi hứa với Bác là sẽ phấn đấu hết mình dù bất cứ ở nơi đâu và thời gian nào”.

Chí Dũng
.
.
.