Người thanh niên bước ra từ bóng tối

Thứ Hai, 05/05/2014, 10:41
Biến sai lầm trong quá khứ thành động lực để vươn lên ở hiện tại, anh Phạm Công Khai - người đã từng phải chấp hành án 6 năm tù ngày trước đã vượt qua khó khăn thử thách trở thành điển hình nông dân làm kinh tế giỏi của tỉnh Nghệ An nhiều năm liền, xứng đáng làm tấm gương cho nhiều phạm nhân đang chấp hành án tại các trại giam nói riêng và nhiều người nói chung học tập noi theo.

Trong căn nhà mới khang trang, vợ chồng anh Phạm Công Khai ở xóm Phú Tập, xã Khánh Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) đón một niềm vui bất ngờ. Kể từ ngày ra trại đến nay, anh mới có dịp gặp lại người thầy đặc biệt của mình - người quản giáo năm xưa đã giúp anh vượt qua mặc cảm tội lỗi, cải tạo tốt, sớm hoàn lương trở về đến thăm. Trong câu chuyện của ngày hôm nay, Thượng tá Tô Văn Thành, cán bộ quản giáo Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An hết mực vui mừng trước những kết quả mà vợ chồng anh Khai đạt được. 

Sinh năm 1971 tại quê lúa Khánh Thành, Yên Thành, trong một gia đình đông anh em, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn khiến anh và các chị em phải sớm bươn chải cùng bố mẹ. Sớm lăn lộn buôn bán làm ăn, dần dần anh Khai mở rộng thị trường, không chỉ đủ tiền trang trải cuộc sống mà anh đã có vốn để làm ăn. Những tưởng cuộc sống của anh cứ thế bình lặng phát triển theo con đường đã lựa chọn. Nhưng ham muốn làm giàu nhanh khiến anh đã có bước đi sai lầm và phải trả bằng cái giá khá đắt: 6 năm tù về tội buôn bán trái phép chất ma túy. Quá trình cải tạo tại Trại tạm giam - Công an tỉnh Nghệ An, được sự giáo dục, cảm hóa của các cán bộ quản giáo, anh đã nhận thức được sai lầm của mình và quyết tâm cải tạo tốt. Sau 4 năm chấp hành án, do cải tạo tốt, anh Phạm Công Khai được đặc xá tha thù trở về quê hương. 

Anh Phạm Công Khai bên người mẹ đã cho anh niềm tin để làm lại cuộc đời.

Trở về, bắt đầu lại bằng con số không, nhưng với ý chí làm giàu để chứng minh mình vẫn còn nhiều giá trị với cuộc đời, anh và vợ đã bàn nhau đầu tư mua máy xay xát lúa, vừa phục vụ bà con trong xóm, vừa để chế biến nguyên liệu phục vụ chăn nuôi lợn. Lúc bấy giờ, trong tay anh mới có khoảng chục con lợn để tận dụng cám từ máy xay xát. Tuy nhiên, do còn thiếu kinh nghiệm trong chăn nuôi, nên kinh doanh rất thất thường.

Năm 2005, vợ chồng anh Khai mạnh dạn vay ngân hàng để mua giống về nuôi. Lúc này do có được kinh nghiệm trong việc ngăn ngừa và phòng dịch bệnh nên chỉ sau một thời gian ngắn vợ chồng anh đã lấy lại được vốn, thanh toán hết các khoản nợ. Vợ chồng anh Khai có ý tưởng dời đàn lợn xa khu dân cư, mở rộng quy mô chăn nuôi thành trang trại. Giữa lúc đang ấp ủ ý tưởng xây dựng mô hình chăn nuôi trang trại, chính quyền xã Khánh Thành lại đang có cuộc vận động xây dựng mô hình sản xuất trang trại xa khu dân cư nên vợ chồng anh đã thuyết phục bà con chòm xóm đổi đất cho mình, dùng đất hoang hóa chuyển đổi mục đích sử dụng thành trang trại nuôi lợn, kết hợp với phát triển thủy sản.

Hơn một năm dày công khai khẩn, cùng với các khoản đầu tư lớn, như xây dựng cơ sở hạ tầng, làm mới hệ thống ao chuồng, hệ thống xử lý biogas, vợ chồng anh Phạm Công Khai đã biến vùng đất hoang hóa thành trang trại chăn nuôi quy mô lớn.

Tổng thu nhập của gia đình anh Khai sau khi trừ tất cả các chi phí hằng năm mang lại nguồn lợi trên 500 triệu đồng. Không những làm tốt công việc kinh doanh của mình, vợ chồng anh còn nhiệt tình giúp đỡ, tư vấn cho nhiều hộ dân đang có ý định làm mô hình kinh doanh giống mình.

Với những thành tích đó, nhiều lần vợ chồng anh Khai được huyện Yên Thành chọn đi báo cáo điển hình sản xuất nông thôn cấp tỉnh và được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Nông dân sản xuất giỏi tỉnh Nghệ An” giai đoạn 2010 – 2012. Các con anh không vì vết đen trong quá khứ của bố mà hư hỏng, luôn ngoan ngoãn, chăm chỉ học tập và đều tốt nghiệp đại học.

Quá khứ buồn đã lùi xa. Giờ đây nhân dân trong xã đã dành cho anh Phạm Công Khai cái nhìn khác, thân thiện và nhiều cảm phục vì ý chí vươn lên làm giàu chính đáng

Minh Tâm
.
.
.