"Người rừng" sống tách biệt 40 năm, nhưng vẫn liên hệ với người thân

Thứ Bảy, 10/08/2013, 19:05
Sáng 9/8, Đảng uỷ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi đã cử đoàn công tác đến thăm, tặng gạo, các nhu yếu phẩm và 5 triệu đồng tiền mặt cho hai cha con ông Hồ Văn Thanh (82 tuổi) và Hồ Văn Lang (41 tuổi), được giải cứu từ rừng sâu về lại làng sau 40 năm sống biệt lập.

Đoàn công tác cũng trao đổi với chính quyền xã Trà Phong, huyện Tây Trà, về việc làm hồ sơ, truy tìm các tài liệu, hồ sơ cũ để nhanh chóng giải quyết chế độ chính sách cho ông Thanh, vì ông Thanh là bộ đội chính quy của Quân khu 5 trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đóng quân tại khu Tây, Quảng Ngãi.

Ông Trương Ngọc Đông, Chủ tịch UBND xã Trà Phong, cho biết, nhờ các y, bác sĩ Trung tâm Y tế huyện chăm sóc tận tình nên sức khỏe của ông Thanh đã dần hồi phục; anh Lang cũng đã bắt đầu hòa nhập với người thân. Theo anh Hồ Minh Lâm (44 tuổi), là anh con bác ruột Hồ Văn Lang cho biết, hai cha con ông Thanh sống trên núi cao A Pon, cách thôn Trà Kem, xã Trà Xinh, huyện Tây Trà, hàng chục cây số đường rừng.

Ở đỉnh núi A Pon khí hậu khắc nghiệt, mùa đông sương mù phủ kín, lạnh thấu xương. Để tránh thú dữ, ông Thanh dựng ngôi nhà của họ giống như một tổ chim treo lơ lửng trên thân cây cổ thụ, cách mặt đất chừng 6m; vách làm bằng nứa, mây và lá dứa. Tuy chỉ rộng chừng 3m2 nhưng đó là “tổ ấm” mà hai cha con nương tựa nhau suốt hàng chục năm qua.

Để có lương thực, ông Thanh phát rừng làm rẫy và làm bẫy săn bắt thú rừng. Hiện nay cha con ông Thanh có gần 5 sào đất rẫy lúa, mì, mè. Để có thêm dụng cụ sản xuất, sinh hoạt, từ số vỏ nhôm, sắt... nhặt được trong lúc đi làm, ông Thanh đã mài và tạo ra rựa, dao, chén...

Ông Thanh đang được chăm sóc sức khỏe tại Trung tâm Y tế huyện Tây Trà.

Ông Thanh còn lấy miếng nhôm mỏng mài rũa làm dao cắt tóc và lược chải đầu. Hai cha con ông Thanh cũng đốt tranh làm muối ăn. Với những con thú rừng dính bẫy, hay con cá trên suối, cha con phơi khô dự trữ ăn. Còn quần áo thì làm bằng lá chuối để bện thành khố. Ngoài ra, họ còn làm cả áo mưa bằng vỏ cây. Nhưng, không phải hai cha con ông Thanh không tiếp xúc với người thân, vì ông Lâm đã nhiều lần vào thăm, ngồi lại chòi lá chuyện trò với họ.

“Mỗi khi vào thăm cha con chú Thanh, tuy thấy lương thực lúa thóc, thịt thú rừng dự trữ nhiều, nhưng cảnh sống nơi xa xôi, hiểm trở, thiếu thốn trăm thứ nghĩ mà thương. Tui có vận động theo tôi về nhưng ông Thanh dứt khoát không đồng ý”, anh Lâm kể.

Điều kì lạ, dù sống kham khổ, song sức khỏe của 2 cha con ông Thanh vẫn bình thường. Ngần ấy năm họ chưa bị đau ốm lần nào. Khi đưa 2 cha con ông Thanh ra khỏi rừng, các bác sĩ Trung tâm Y tế Tây Trà kiểm tra sức khoẻ cho thấy, họ không mắc chứng bệnh gì. Ông Thanh do tuổi cao, ăn uống thiếu chất và thay đổi môi trường đột ngột nên bị suy nhược mà thôi.

Ông Hồ Anh Ngọc, Chủ tịch huyện Tây Trà, cho biết: Huyện đang tính việc nhập hộ khẩu hai cha con ông Thanh vào nhà anh Hồ Minh Lâm; đồng thời cấp đất, làm nhà cho họ. Trước mắt, huyện hỗ trợ cho cha con ông Thanh 2 triệu đồng, gạo để ổn định cuộc sống

Trà Câu – Hoàng Thuyên
.
.
.