Người phụ nữ và "cuộc chiến" cứu hài nhi

Chủ Nhật, 25/05/2008, 14:30
Những nơi đón hài nhi sinh ra hay những nơi nạo phá thai nhi vẫn tồn tại song hành. Mỗi thai nhi thực sự là những số phận. Chúng có thể được sinh ra hay không thể có mặt trên đời vì nhiều lý do. Có một người phụ nữ gần như cả đời tiếp xúc với những hài nhi này.

Câu chuyện của người có thâm niên sẽ khiến chúng ta rùng mình, rơi lệ. Đó là bác sĩ Trần Thị Thành - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Tư vấn sức khỏe sinh sản Trung ương.

Một "cuộc chiến" thành công

Bác sĩ Trần Thị Thành là một người phụ nữ nhân hậu, vui vẻ và hết mình với công vịêc. Mỗi ngày của bà ở Trung tâm tại trụ sở 100 Cửa Bắc đều đầy ắp tâm trạng. Ở đó, bà phải tiếp xúc với nhiều người, ở những lứa tuổi khác nhau và có thai với những lý do khác nhau, người ở trường hợp hết sức ly kỳ, cô ở tình thế nếu nói ra khiến người khác cười rơi nước mắt.

Công việc của bà khi có người tìm đến Trung tâm để xin làm dịch vụ nạo hút là tìm hiểu một cách tế nhị về nhân thân, hoàn cảnh gia đình, lý do và gợi ý những giải pháp để giữ lại thai nhi.

Bà nói: "Đối tượng đến rất nhiều, có người đang có gia đình, người ở tuổi vị thành niên, người không muốn có con, người quan hệ bồ bịch có thai ngoài ý muốn. Nhiều cô gái mang tâm trạng bức xúc, họ nói bậy khủng khiếp, và thường chửi rủa đàn ông đã gây ra cho họ tai họa. Chúng tôi làm nhiệm vụ là giúp họ bình tĩnh lại".

Ngồi với bà cả ngày cũng chẳng hết chuyện, nhưng công việc này rất bận, đòi hỏi phải kiên nhẫn, không được nóng nảy. Qua đây, tôi được biết một trường hợp rất lâm ly bi đát, nhưng sóng gió đã không  làm gì nổi họ. Đó là Trần V., một chàng trai trẻ ở Hà Tây, yêu một cô tên Hoa ở Trường ĐH Sư phạm. Hai người say đắm yêu nhau, có thai mới xin gia đình cho cưới. Nhưng cả hai gia đình đều không đồng ý và muốn Hoa phá thai. Khi hai người đưa nhau đến Trung tâm của bác sĩ Thành thì thai nhi đã ở tháng thứ 4. Sau khi khám, bác sĩ khuyên đôi này nên về nhà, thuyết phục gia đình cho cưới.

Thời gian không ai đợi ai, cái thai cứ ngày một to lên. Trở lại lần sau thì thai nhi đã ở tháng thứ 8. Đôi này đưa nhau đến Trung tâm nhờ giúp đỡ, họ nói với bác sĩ Thành rằng đã nói "hết nước hết cái" mà bố mẹ đôi bên vẫn không đồng ý, đòi phá cho bằng được thai nhi.

Sau khi bác sĩ khám thai nhi xong, bà gọi hai người vào phòng khuyên: "Hai cháu không thấy tiếc sao? Đứa trẻ này có tội tình gì mà không được sinh ra trên cõi đời này. Hãy về nói với bố mẹ đôi bên rằng, chúng con cương quyết cưới và sẽ sống với nhau hạnh phúc. Hai cháu phải làm sao cho gia đình đôi bên tin rằng nếu cưới nhau sẽ có hạnh phúc. Cô nghĩ chẳng có gì khó khăn đến nỗi hai người phải phá cái thai nhi này đi...".

Cô gái khóc lóc, có vẻ nghe ra, gật đầu. Chàng trai đưa bạn về, được nửa đường cô gái đòi quay lại, khóc lóc, xin bác sĩ giúp "giải quyết" để cái thai ra. Với kinh nghiệm của bác sĩ Thành, việc "giải quyết" để thai nhi ra không có gì khó khăn, nhưng giữ lại được nó mới là quan trọng. Bác sĩ thực sự khó xử ở trường hợp này. Trong đời bà, nhiều trường hợp đã được bà giúp giữ lại con, và họ đã sống với nhau hạnh phúc.

Ở đôi bạn trẻ này, bà cũng muốn họ có một kết thúc có hậu. Bà làm cứng: "Không có cơ sở nào phá được cái thai to thế này đâu. Gia đình không cho cưới thì hai bạn cứ đẻ ra mà nuôi". Đôi này thất vọng kéo nhau về. Quả nhiên về nhà "giời không chịu đất thì đất phải chịu giời". Bố mẹ đôi bên bắt buộc phải tổ chức cho đôi bạn trẻ.

Họ trở lại cảm ơn bác sĩ, nếu không có bác sĩ cương quyết không phá thì thêm một thai nhi nữa không được sống trên đời, và chắc gì đôi nay trẻ này đã lấy được và sống hạnh phúc với nhau.

Bác sĩ Trần Thị Thành.

Cứu giúp được một số phận, một hoàn cảnh bác sĩ Thành mừng lắm. Bà luôn mong trên đời này, không có những thai nhi phải chịu chết vì nhiều lý do. Cuộc chiến của bà mỗi ngày một quyết liệt và nhiều ám ảnh, khi mà lối sống của con người ngày càng buông thả.

Nỗi niềm người tư vấn

Là người có thâm niên và kinh nghiệm trong nghề. Trước đây bà từng là Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, nay đã về hưu được 2 năm. Bà liền đảm nhiệm Trung tâm Dịch vụ Tư vấn sức khỏe sinh sản. Bà nói rằng, đời bà là một nỗi ám ảnh dài vì phải giải quyết nạo phá cho hàng vạn ca. Từ khi ra làm ở Trung tâm, bà đã cứu nhiều thai nhi thoát chết. Tuy nhiên, có những người mang thai ngoài ý muốn, hay đối tượng mang thai là trẻ vị thành niên thì bà phải nhắm mắt nhắm mũi vào làm.

Xã hội xảy ra những điều không thể ngờ được. Có những bậc làm cha làm mẹ, đưa con đến nhờ giải quyết khi con mình mới ở tuổi 15. Con cái họ lại khăng khăng khẳng định mình không thể mang thai được, có em ngây ngô nói: "Cháu chẳng làm gì cả, chỉ có anh ở trên tầng 5 mở phim và rủ cháu xem cùng. Xem xong bảo cháu làm giống như phim, cháu làm có 4 lần. Có phải là vợ chồng đâu mà có thai".

Đau đớn hơn đối với những trường hợp trẻ vị thành niên nạo hút thai ở những trung tâm không đảm bảo đã dẫn đến việc không thể có con nữa khi xây dựng gia đình. Đến khi tìm đến bác sĩ để biết nguyên nhân và tìm phương pháp chữa trị thì đã quá muộn.

Bác sĩ Thành từng là mẹ, từng là bà nội, qua chuyện sinh nở. Cho nên, bà thực sự thấy đau lòng khi chứng kiến những thai nhi phải chết, và bản thân bà rất áy náy khi tự tay nạo phá những cái thai. Bà cho rằng, việc giáo dục kiến thức cho trẻ em vị thành niên, giáo dục việc quan hệ an toàn cho mọi người là cực kỳ cần thiết.

Có những vị học hành nhiều nhưng chẳng hiểu gì về sức khỏe sinh sản cả. Hậu quả vì thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm thì ai cũng rõ rồi, mà việc quan hệ thì chẳng thể nào cấm được. Những người đến với Trung tâm của bà, đều nhận được sự chia sẻ, cảm thông và những lời khuyên bổ ích.

Bà khẳng định với mọi người rằng, không phải bà mong cho mọi người nạo hút thai thật nhiều để Trung tâm có việc làm, có thu nhập. Nhìn vào một cô gái vừa ở phòng lưu đi ra, chân còn run, mặt tái mét, bà lắc đầu xót xa: "Rất nhiều trường hợp sau nhiều lần nạo hút thai đã không thể có con được nữa, đó là hậu quả rất đang tiếc. Tôi không biết có phải do yếu tố tâm linh không, rằng trời trừng phạt những người ác đã giết đứa con nhỏ trong bụng mình".

Làm sao hạn chế "người không nên có mặt"?

Một điều phải mà bất kỳ trung tâm tư vấn, hay cơ sở nạo hút thai cũng khẳng định rằng: nạo hút thai góp phần giảm sự ra tăng dân số, nhưng không phải là biện pháp KHHGĐ. Với những người tâm huyết, việc quan hệ an toàn không có nghĩa là cứ phải sử dụng bao cao su. Việc kìm hãm gia tăng dân số và KHHGĐ phải được làm triệt để, phổ biến rộng rãi.

Vậy, vì sao chúng ta phải né tránh mà không tuyên truyền, phổ biến những kiến thức cơ bản để tránh có thai ngoài ý muốn và việc quan hệ được an toàn. Nạo phá thai ngoài vấn đề đạo đức ra còn để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, dẫn đến sự vô sinh cho những cặp vợ chồng đang muốn có con. Đó không chỉ là tâm nguyện của bác sĩ Trần Thị Thành mà còn là của rất nhiều người.

Bà cũng nói trước khi chia tay với tôi rằng: "Trung tâm của tôi sẽ còn phải giải quyết nhiều trường hợp đau lòng nữa, vì không phải một sớm một chiều mà điều chúng ta muốn đã thành hiện thực"

Tiểu Nhi
.
.
.