Người phụ nữ bại liệt đi lên bằng trí tuệ

Thứ Năm, 30/11/2006, 08:24
Bị bại liệt từ nhỏ. Cần mẫn học dưới hầm những năm Mỹ bắn phá miền Bắc, rồi học trong khó khăn, thiếu thốn, chật vật, Phương Liên chưa bao giờ nghĩ mình bỏ cuộc. Có tấm bằng đại học trong tay, và... không nơi nào nhận vào làm việc, chị lại tiếp tục những bước đi thầm lặng, kiên quyết để đi đến thành công.

Thỉnh thoảng, Trần Phương Liên lại bay từ Huế ra Hà Nội làm phiên dịch cho những giáo sư, những đoàn khách Nhật về những dự án đầu tư vào Việt Nam. Mặc dù, có nhiều người để họ cần cho công việc ấy, nhưng có giáo sư người Nhật bảo, ông chọn Trần Phương Liên bởi ông tìm thấy một nghị lực rất Việt Nam trong con người của chị.

Chưa bao giờ mặc cảm

Cách đây một tháng, Phương Liên ra Hà Nội. Tranh thủ chút thời gian rảnh rỗi, chị tụ tập bạn bè từ thời học cấp I. Họ là những người đã cõng chị trên vai để đến trường giữa bom đạn, mưa gió trước đây. Những người bạn ấy, cũng như chị, là con em của những cán bộ công an, sống cùng khu tập thể Ngõ Trạm (Hà Nội) những năm đất nước chưa thống nhất.

Anh Bùi Minh Chính, trước đây từng công tác trong ngành công an nhớ lại những ngày cõng cô bạn cùng lớp đi học ở nơi sơ tán, nói: “Liên bảo, chân Liên bị ốm, phải nhờ chân bạn, nhưng Liên không để người khác phải hiểu sai về cái đầu của Liên, chân yếu thì đầu phải khỏe. Và Liên học rất khá, sống rất  chan hòa nên bạn bè ai cũng yêu quý. Cõng bạn trên lưng, tôi luôn thấy học được ở Liên nghị lực vươn lên”.

Phương Liên người gốc Huế. Trước đây ba chị là bộ đội, năm 1954 ông tập kết ra Bắc và thời gian sau chuyển sang ngành công an và công tác ở Bộ Công an. Từ khi chị còn bé, ba chị đã tranh thủ dạy chữ cho chị. Càng dạy, chị càng tha thiết đòi được đi học. Dù đã có lúc lưỡng lự vì đôi chân của con không tự đi được đến trường, nhưng với sự quyết tâm của Liên, ông đã đưa con đến trường.

Học được 1 tháng, máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc, Liên cùng bạn bè đi sơ tán ở Chương Mỹ (Hà Tây). Thời gian sơ tán cũng tính đến hàng năm, khi bạn bè cõng chị đến lớp, khi thì thầy cô giáo, cũng mũ rơm trên đầu và túi thuốc trên vai. Cứ có máy bay là cô trò cùng nhau chạy xuống hầm.

Qua hai đợt sơ tán 1964-1968 và 1972-1973, đối mặt với cảnh chạy bom, cô bé tật nguyền ấy đã thấu hiểu hết cái cơ cực của một người chân yếu. Nhưng bù lại, tình cảm của thầy cô, bạn bè dành cho, Phương Liên thấy rằng nếu bỏ học, là có lỗi.

Sau khi ở nơi sơ tán về, ba mẹ nhận công tác xa, nhà lại có em nhỏ nên Phương Liên học trường bổ túc văn hóa và ngày ngày mượn vở bạn để học thêm. Khi đất nước thống nhất, chị theo ba mẹ về Huế. Có bạn bè mới, trường lớp mới, lúc đầu ba mẹ đưa chị đến trường, thời gian sau những người bạn mới lại tiếp tục cõng Liên.

Đã không ít lần Liên khóc trên lưng bạn trong cơn mưa vì thương bạn, thương mình. “Nhưng mặc cảm thì không. Tôi luôn đặt câu hỏi rằng mình phải phấn đấu như thế nào để mình có thể bình đẳng với mọi người. Bạn bè hiểu và thông cảm, động viên nhiều” - Phương Liên nhớ lại.

Viết thư cho bác Phạm Vặn Đồng để... xin việc

Một người bạn khác của chị nhớ lại, thời gian anh công tác ở nước ngoài, đọc trên mạng thấy có những dòng viết về cô bạn học ngày xưa, anh rất xúc động. Những dòng viết ấy đã động viên tinh thần cho anh và những người bạn đồng hương nơi đất khách quê người tiếp tục vươn lên trong học tập.

Người bạn ấy từng học cùng nhóm với Phương Liên thời sinh viên ở Huế. Sau khi ra trường, anh nhận công tác xa, ít liên lạc hơn với bạn. Anh vẫn biết Phương Liên sống rất cực khi ra trường, không xin được việc làm phải bán thuốc lá, rồi cần mẫn đan len để lấy tiền mưu sinh. Anh có dịch một số tài liệu về các mẫu đan len và gửi về cho bạn.

Thời gian đó, những sản phẩm của chị nổi tiếng khắp thành phố Huế với những mẫu mã hiện đại và hợp thời trang. Nhưng rồi, hàng làm ra, dù đẹp và lạ vẫn phải cạnh tranh về giá với hàng chợ và hàng giá rẻ nhập từ Trung Quốc. Cố gắng bao nhiêu cũng không lại, đan ít đan nhiều rồi cũng chỉ là thu nhập thêm chứ không thể đủ để sống được.

Rồi công việc bận, anh và bạn gián đoạn liên lạc. “Một thời gian tôi có nghe phong thanh Liên học tiếng Nhật nhưng không ngờ Liên học nhanh và nỗ lực đến thế và trở thành một cô giáo dạy tiếng Nhật nổi tiếng sau một thời gian chỉ có vài ba năm là điều tôi khó tưởng tượng” - anh nói.

Trần Phương Liên kể tiếp câu chuyện mà bạn đang nói dở. Khi ra trường, chị nộp đơn xin việc ở một vài chỗ. Họ đồng ý nhận chị, nhưng bảo phải chờ. Chờ mãi, chờ mãi... Cuối cùng, chị đánh bạo viết thư cho bác Phạm Văn Đồng, với những lời tâm huyết rằng muốn được làm việc như bao người bình thường khác. Bức thư có hồi âm về Tỉnh ủy Thừa Thiên  - Huế, đề nghị tạo điều kiện giúp đỡ Trần Phương Liên.

Chính quyền địa phương cấp cho chị một lô đất ở chợ Đông Ba. Đơn giản, sau khi “khảo sát”, thấy chị đang bán thuốc lá tạm bợ, thì việc có một kiốt là điều thực tế nhất. Chị không nhận tấm lòng ấy bởi vì cái chị cần là một công việc phù hợp với chuyên ngành lịch sử đã học chứ không phải là một quầy hàng để buôn bán. Mọi việc tưởng lại rơi vào bế tắc nhưng cô gái tật nguyền này vẫn nuôi một niềm hy vọng và chờ đợi tiếp.

Thời điểm ấy, các chuyên gia người Nhật có mở một lớp dạy tiếng Nhật ở Huế, chị đăng ký thi tuyển. Một vài người làm công tác đào tạo không tuyển dụng chị vì họ cho rằng, một cô gái bị liệt hai chân thì không thể làm việc được. Chị buồn, nhưng không muốn bỏ qua cơ hội này. Chị vẫn cần mẫn mua sách tự học và cố gắng theo đuổi những buổi học ngoại khóa. Một số thầy giáo người Nhật thấy hoàn cảnh chị như vậy mà vẫn kiên nhẫn, đã đến tận nhà dạy riêng cho chị. Ấy là vào năm 1993.

Chị dành nhiều thời gian để học mặc dù vẫn đan len và bán thuốc lá. Các thầy rất hài lòng vì Phương Liên tiếp thu rất nhanh, nhớ từ rất tốt. Được 3 năm, nhiều bạn bè đến gửi con cái cho chị dạy. Với sự nhiệt tình sẵn có và số học sinh đến ngày một nhiều, nghiễm nhiên chị trở thành cô giáo. Và đã 14 năm qua, chị vẫn kiên trì dạy, và vẫn tiếp tục học để nâng cao. Vừa dạy tiếng Nhật cho người Việt, chị kết hợp cả việc dạy tiếng Việt cho người Nhật. Đối tượng “học sinh” thứ hai này đa số là những giáo sư, tiến sĩ, những chuyên gia Nhật đang công tác tại Việt Nam.

Với khả năng sư phạm sẵn có từ việc được đào tạo ngành sư phạm chính quy, cô giáo Trần Phương Liên có riêng một giáo trình dạy tiếng Nhật do mình tự soạn bên cạnh những sách giáo khoa ngoại ngữ bắt buộc. Còn giáo trình tiếng Việt cho người Nhật thì sẵn có trong đầu, dạy với phương pháp liên tưởng. Từng học qua ngành lịch sử, chị thường giới thiệu về văn hóa, về lịch sử Việt Nam nên những “học sinh” người Nhật rất khâm phục. Họ hiểu về văn hóa, về lịch sử Việt Nam nói chung và cố đô Huế nói riêng qua những buổi dạy của cô gái Việt Nam đặc biệt ấy. Bây giờ, song hành với việc dạy và học, chị còn là ủy viên BCH Hội Hữu nghị Việt - Nhật. Thi thoảng chị lại bận rộn với những buổi họp và những chuyến bay đến xứ sở hoa anh đào để làm việc. Đôi bánh xe lăn đã lăn một cách tự tin trên đường phố Tokyo.

“Của để dành” của chị

Hiện chị sống cùng cha mẹ. Chị có một cô con gái xinh xắn, học rất giỏi, hiện đang du học ở Nhật. Cô bé tên Hoài Giang, kết quả của một tình yêu tội nghiệp mà giờ chị không muốn nhắc lại. Chỉ biết rằng, thời chị sinh Hoài Giang cũng là lúc chị bán thuốc lá. Khi học tiếng Nhật, có những lần con lên cơn sốt, co giật, chị thức trắng đêm nhưng sáng dậy vẫn kiên trì học. Thầy giáo thấy mệt mỏi khuyên chị nghỉ buổi học ấy, chị kiên quyết không.

Hoài Giang càng lớn học càng giỏi. Ông ngoại của bé ngày ngày vẫn đưa cháu đi học, rồi đón cháu về. Từ nhỏ, Hoài Giang đã hiểu được hoàn cảnh của mẹ, bé chỉ có một cách để mang lại hạnh phúc cho những người thân là học. Năm lớp 12, Hoài Giang đạt giải học sinh giỏi toàn quốc và được tuyển thẳng vào Học viện Quan hệ Quốc tế và là sinh viên trẻ tuổi nhất ở ngôi trường này được kết nạp Đảng. Em đã từng đoạt giải Nhì cuộc thi Nét đẹp nữ sinh ngoại giao, được bà Tôn Nữ Thị Ninh gặp gỡ và căn dặn rằng phải luôn giữ gìn bản sắc của người Huế.

Trong đợt thi tìm hiểu các nước ASEAN, em được giải Nhất tại Thái Lan và được trao một suất học bổng đi du học ở Nhật. Hiện Hoài Giang là sinh viên Trường đại học Châu Á - Thái Bình Dương ở Nhật. Món quà Giang dành cho mẹ năm học vừa rồi là kết quả học tập cao nhất toàn khóa ở trường. Cách đây chưa lâu em có về Việt Nam làm phiên dịch cho một giáo sư Nhật Bản đi điều tra số liệu về các ngân hàng Việt Nam để đầu tư.

Họa sĩ Đào Anh Khánh, một người bạn của Liên nói: “Liên như một sợi dây kết nối bạn bè. Điều tôi khâm phục là chưa bao giờ Liên mặc cảm, thậm chí có những người bạn nhìn vào Liên để nhận một nghị lực sống và khi có chuyện không vui thì tìm đến Liên để chia sẻ. Tôi cũng vậy, cũng nhiều khi rất yếu lòng. Những lúc như thế, tôi thường nghĩ đến Liên để có nghị lực vươn lên”

Hoàng Nguyên Vũ
.
.
.