Người phụ nữ Thái giúp 9 người trong làng “hết” nghiện

Thứ Ba, 23/12/2008, 09:51
Kể chuyện về Lô Văn Khun, chị Xên Thị Lan, ở làng Thái, xã Ea Kuếh, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắc Lắc, hồ hởi: "Nay thì thằng Khun nó khá rồi, cai nghiện xong nó sinh thêm 1 con gái nữa, cả nhà nó hạnh phúc lắm, nó mở cái quán sửa máy cày to nhất làng Thái đấy. Thấy nó ăn nên làm ra, mình cũng vui lây"…

Trong Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch 01 giữa Bộ Công an và Hội LHPN Việt Nam về "Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội" của tỉnh Đắk Lắk mới được tổ chức vừa qua, bài phát biểu tham luận của một phụ nữ đã gây được sự chú ý đặc biệt của các đại biểu. Đó là chị Xên Thị Lan, ở làng Thái, xã Ea Kuếh, huyện Cư M'gar.

Chị Lan quê ở một xã miền núi xa xôi huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, năm 1994, vì hoàn cảnh khó khăn, gia đình chị cùng nhiều gia đình người Thái khác đã phải rời bỏ quê hương để vào Đắk Lắk xây dựng kinh tế mới. Những năm đầu tiên với bao khó khăn vất vả của cuộc mưu sinh trên mảnh đất lạ lẫm, với vài chục nóc nhà, ăn sắn ăn khoai trừ bữa, đến nay họ đã lập nên một làng Thái khang trang bề thế với nhiều nhà khá giả, không những đủ ăn mà còn sắm sửa được nhiều vật dụng đắt tiền.

Thế nhưng, từ khi có của ăn của để, một số thanh niên trong làng Thái lại bắt đầu lười lao động, tập tành ăn chơi và lại sa vào con đường nghiện ngập ma tuý. Lúc này, chị Lan đang là Chi hội trưởng phụ nữ làng Thái.

Vẫn thường được nghe các số liệu thống kê tình hình người nghiện ma tuý ở các thôn bản do Công an huyện thông báo, chị rất đau lòng khi con số ấy cứ ngày một tăng lên ở làng mình. Phải tìm cách giúp họ thôi! Và hành trình đầy nhân văn của chị Lan bắt đầu với những cố gắng không mệt mỏi để tiếp cận những con nghiện trong làng.

Được một số chị em tâm huyết trong làng giúp sức, bất kể ngày đêm, lúc lên nương hay trong lúc rảnh rỗi, chị Lan đã đến từng nhà, tìm cách gặp gỡ, trò chuyện với từng người để động viên, thuyết phục bằng những tình cảm gần gũi và chân thành nhất. Gian nan nhất phải kể đến trường hợp của anh Lô Văn Khun. Gia đình anh Khun thuộc loại khá giả trong làng, khi anh Khun lấy vợ, gia đình anh còn cho nhà và đất để làm ăn, kinh tế rất vững.

Tuy nhiên, đến năm 2002, khi đứa con gái đầu lòng ra đời cũng là lúc anh rơi vào con đường nghiện ma tuý. Từng đồ đạc, của cải trong nhà lần lượt đội nón ra đi, gia đình Khun sa sút hẳn, thậm chí vợ Khun còn đòi ly dị vì không chịu nổi người chồng nghiện ngập.

Lúc này, chị Lan đã cùng chị em trong làng đến giúp đỡ động viên và nhờ sự cố gắng của chị, Khun đã cai nghiện. Tuy nhiên, đến năm 2005, không thắng được chính mình, Khun tái nghiện. Lần này, Khun giấu biệt mọi người và thường tránh mặt chị Lan.

Lại phải nhiều ngày đêm vất vả tiếp cận, chị mới thuyết phục được Khun chấp nhận quay lại tiếp tục cai nghiện. Và kể từ đó, chị và các chị em khác trong làng thường xuyên đến nhà Khun chơi để động viên an ủi, bản thân chị thì luôn có mặt bên Khun và vợ con anh mỗi khi anh đói thuốc.

Hiểu được tấm lòng của chị nên Khun đã quyết tâm cai nghiện và đến nay anh đã hoàn toàn đoạn tuyệt với ma tuý. Kể chuyện về Khun, chị Lan hồ hởi: "Nay thì thằng Khun nó khá rồi, cai nghiện xong nó sinh thêm 1 con gái nữa, cả nhà nó hạnh phúc lắm, nó mở cái quán sửa máy cày to nhất làng Thái đấy. Thấy nó ăn nên làm ra, mình cũng vui lây"…

Noi gương Khun, được sự giúp đỡ động viên tận tình của chị Lan, 8 người nghiện khác trong làng cũng đã đoạn tuyệt thành công với ma tuý, trở về làm ăn với gia đình. Đến nay, trong làng Thái không còn người nào dính vào ma tuý nữa. Có được điều đó là nhờ công rất lớn của chị Xên Thị Lan.

Những nỗ lực không mệt mỏi của chị đã được các cấp, các ngành trong tỉnh ghi nhận, biểu dương. Tuy nhiên, đối với chị thì phần thưởng lớn và ý nghĩa nhất chính là đã góp được công sức nhỏ bé cho làng Thái thân yêu của mình thêm bình yên

Viết Nghĩa
.
.
.