Người nuôi cá tra lao đao vì nước sông Hậu đang cạn kiệt

Thứ Bảy, 27/03/2010, 13:10
Từ trước đến giờ, người ta chỉ biết chuyện sông Hồng ở miền Bắc mỗi khi vào mùa khô bị cạn kiệt nước, lội bộ được ngang qua lòng sông, chứ mấy khi nói sông Hậu cạn bao giờ…

Nghe người nuôi cá vùng thượng nguồn sông Cửu Long than họ đang khổ vì nước sông Hậu cạn kiệt từng giờ, dẫn đến rất nhiều hệ lụy,… vậy là từ Cần Thơ, bất chấp cái nắng rát của những ngày cuối tháng 3, tôi vọt một mạch đến "điểm nóng". Đến nơi, tôi mới cảm nhận hết điều mà người nuôi cá tra đang lo âu.

Không cần lần lên tới khu vực biên giới của huyện An Phú, tỉnh An Giang, vừa tới thành phố Long Xuyên, tôi đã nghe người ta lo ngại và bàn tán chuyện sông Hậu đang bị cạn đến mức đáng ngại. Tôi nhảy đò ngang sang cù lao Ông Hổ - quê hương Bác Tôn, rồi tiếp tục thêm một bận đò ngang nữa để sang huyện cù lao Chợ Mới. Mặt nước trong và sóng nhỏ lăn tăn giống như mặt hồ. Đây là nơi lý tưởng cho nghề nuôi cá tra phục vụ cho các nhà máy chế biến xuất khẩu. Người đưa đò kể cho tôi nghe, đất cù lao nằm cặp sông Hậu hiện có giá khoảng 70 - 80 triệu đồng/công (1.000m2). Giá này là không cao nhưng người mua đất để nuôi cá tra mấy tháng nay đang lo đến phát sốt vì chuyện sạt lở.

Tôi bước lên đất của Xí nghiệp Nuôi trồng thủy sản thuộc Công ty cổ phần Thủy sản Gentraco đặt tại ấp Nhơn Hòa, xã Nhơn Mỹ. Phó Phòng kinh doanh của Công ty - anh Dương Thành Thái cho biết: "Thực trạng nước sông Hậu cạn kiệt diễn ra từ đầu năm 2010 nhưng lúc đó, ai cũng nghĩ đây là diễn biến theo quy luật thường niên vào mỗi mùa khô. Năm nay thì dữ dội nhất". Chỉ tay tôi xem con kênh xẻ dọc vào hệ thống các hầm nuôi rộng đến 22ha, anh Thái cho biết: "Thường thì rất hiếm khi con kênh này bị trơ đáy như thế. Nhưng từ hơn tháng nay, tình trạng này xảy ra. Và do mực nước trong hầm nuôi với ngoài mặt sông chênh lệch nhau đến khoảng 4m, trong khi đất ở cù lao này là đất cát nên đã hình thành những lỗ mọi. Ban đầu chỉ là mọi nhỏ nhưng nếu mình không phát hiện, trám kịp thời thì nó sẽ là nguyên nhân chính làm cho bờ bao mình bị bể, sạt…".

Sông Hậu bị cạn đang là nỗi lo lắng của người dân nuôi cá tra vùng ĐBSCL.

Hướng dẫn tôi xem đoạn bờ bao dài khoảng 50m vừa được đắp mới lại, anh Thái cho biết, chân bờ bao này trước khi bị sạt lở rộng khoảng 40m, mặt bờ bao 15 - 20m. Khi phát hiện bờ bao bị sạt lở, anh em chỉ biết đứng ngó chứ chẳng thể làm gì khác. Trước đó 1 tháng, hầm cá rộng 1ha này đã được thả khoảng 520.00 con giống. Hậu quả của vụ sạt lở đã làm gần như toàn bộ cá trong hầm thoát ra sông Hậu. Tính luôn chi phí làm lại bờ bao và giá trị số cá thoát ra sông, Công ty bị thiệt gần 500 triệu đồng.

Trên đường di chuyển dọc theo cù lao huyện Chợ Mới, tôi được nghe kể chuyện nhiều người dân cù lao từng đổ xô nhau xuống sông đi kéo lưới bắt cá tra mỗi khi nghe có hầm của ai đó chẳng may bị sạt. Hàng trăm tấn cá sổng hầm thoát ra sông Hậu nên có những đoạn kênh, góc sông, cá tra tụ tập lại gần như đặc nước. Để hạn chế thất thoát cá nếu chẳng may hầm cá bị sạt lở, một số chủ hầm đã phải tốn chi phí để xây dựng hàng rào bằng lưới kẽm ngăn ngoài đầu kênh…

Tại Xí nghiệp Nuôi trồng thủy sản của Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc, chúng tôi tận mắt chứng kiến nỗi khổ của người nuôi cá tra khi nước sông Hậu bị kiệt. Chiếc ghe chở thức ăn cá của Xí nghiệp này có tải trọng chỉ 25 tấn cặp bến từ lúc 2h sáng. Chủ ghe cho biết, trước đây, khoảng 2 - 5 tiếng đồng hồ sau là toàn bộ lượng thức ăn này được chuyển lên bờ. Nhưng hôm nay, cả chủ và hàng chục nhân viên bốc vác phải ngồi chờ tới gần 12h trưa mới đem lên được một nửa chỉ vì trước đó, nước quá cạn nên ghe không thể tiếp cận được cầu cảng. 

Anh Nguyễn Thành Trung - người của Xí nghiệp này, kể: "Cũng chịu cảnh khổ chung giống như giới nuôi cá ở Chợ Mới này, giờ thức ăn nhập về hay xuất cá đi đều phụ thuộc vào cầu cảng chung nằm ngoài mặt sông Hậu chứ trước đây, ghe theo hệ thống kênh công cộng vô tận phía ngoài của từng hầm nuôi. Chính vì vậy, chi phí vận chuyển giờ cứ tăng lên theo tỷ lệ thuận với quãng đường di chuyển tính từ cầu cảng"...

Sinh hoạt và sản xuất của người dân miền Tây phụ thuộc rất nhiều vào dòng Cửu Long. Và khi mực nước của dòng sông này bị cạn kiệt, người dân nuôi cá tra là những nạn nhân đầu tiên. Xem ra, công tác quy hoạch vùng nuôi cá tra nói riêng và ngành Thủy sản của cả vùng châu thổ Cửu Long nói chung, có gắn với những dự báo về biến đổi khí hậu, dòng chảy,… vẫn đang là chuyện bức thiết

Thái Bình
.
.
.