Người nước ngoài sẽ được mua và sở hữu nhà ở Việt Nam trong 70 năm

Thứ Sáu, 11/04/2008, 09:11
Sáng qua 10/4, lãnh đạo Bộ Xây dựng đã trình Ủy ban Kinh tế của Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về "Chính sách cho phép người nước ngoài được mua và sở hữu nhà có thời hạn tại Việt Nam". Trong đó, cho phép 7 loại đối tượng là người nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam. Người nước ngoài cũng có quyền sở hữu và thế chấp đối với nhà họ mua.

7/10 nhóm người nước ngoài được phép mua nhà

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, từ năm 2004 đến hết 2007 đã có hơn 80 ngàn người nước ngoài vào Việt Nam sinh sống, làm ăn và học tập thuộc 10 loại đối tượng: Những người đang làm việc trong các cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam; các tổ chức quốc tế, phi chính phủ và Liên hợp quốc; những người nước ngoài đầu tư tại Việt Nam; những người kết hôn với công dân Việt Nam và hiện đang sinh sống ở Việt Nam; các nhà khoa học, chuyên gia; các vận động viên; công nhân người nước ngoài; những người được Chủ tịch nước công nhận là công dân danh dự của Nhà nước Việt Nam và các học sinh, sinh viên đang theo học tại các cơ sở đào tạo tại Việt Nam.

Hầu hết những đối tượng này đều đang sinh sống, học tập, làm việc tại các thành phố lớn và các địa phương có nhiều dự án đầu tư.

Qua thống kê sơ bộ, hiện nay tại Hà Nội có hơn 220.000m2 nhà ở tương ứng với hơn 1.300 căn hộ và nhà đang cho người nước ngoài thuê. TP Hồ Chí Minh có hơn 660.000m2, tương ứng với gần 4.000 nhà ở và căn hộ cho người nước ngoài thuê. Mức giá thuê nhà bình quân ở Hà Nội là khoảng 700 - 1.000 USD/tháng, ở TP Hồ Chí Minh là khoảng 1.000 - 1.500 USD/tháng.

"Cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở Việt Nam sẽ góp phần thu hút nhiều hơn nữa vốn đầu tư, công nghệ, kinh nghiệm quản lý từ nước ngoài vào Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế" - Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam nhấn mạnh.

Theo dự thảo Nghị quyết về vấn đề này sẽ được trình Quốc hội vào tháng 5 tới, sẽ có 7 đối tượng được mua nhà và sở hữu nhà tại Việt Nam. Những đối tượng này cũng phải thỏa mãn các điều kiện như: Đối với doanh nghiệp phải có giấy chứng nhận đầu tư do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

Đối với cá nhân phải đang sinh sống tại Việt Nam và được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy phép cư trú từ 1 năm trở lên. Những đối tượng này sẽ được mua căn hộ trong nhà chung cư, trong các dự án phát triển nhà ở thương mại và không thuộc khu vực hạn chế hoặc cấm người người ngoài cư trú, đi lại.

Việc mua bán nhà ở cũng được yêu cầu phải được lập thành hợp đồng với hai ngôn ngữ Anh - Việt và chỉ có UBND cấp tỉnh mới có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho người mua. Dự thảo cũng quy định chủ sở hữu nhà (bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và thân nhân người nước ngoài) chỉ được sở hữu căn hộ chung cư trong thời hạn tối đa 70 năm, trừ trường hợp được Nhà nước Việt Nam gia hạn thêm.

Cần quy định rõ về vấn đề thừa kế, ủy quyền giao dịch

Nhận xét về các nội dung trên trong dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền cho rằng, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này đáp ứng nhu cầu thực tế và thể hiện thiện chí hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Ngoài những nội dung đã được thể hiện, theo ông Hà Văn Hiền, dự thảo Nghị quyết cũng cần có quy định cụ thể về chính sách đối với đối tượng là những người nước ngoài có công trong việc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa, Ủy viên ủy ban Kinh tế của Quốc hội lưu ý phía cơ quan soạn thảo cần có quy định nhằm ngăn ngừa được tình trạng đầu cơ nhà ở của các đối tượng này. Một đại biểu khác kiến nghị Bộ Xây dựng cần sớm ban hành chuẩn mực về chung cư, làm tiêu chí phân loại nhà chung cư.

Một số ý kiến cũng đề nghị cần làm rõ những quy định liên quan đến quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, nhất là quy định về thừa kế, ủy quyền thực hiện các giao dịch. Trước những vấn đề đặt ra, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết: Bộ Xây dựng đang soạn thảo quy định về xây dựng nhà ở xã hội cho đối tượng là công nhân các khu chế xuất, khu công nghiệp, công nhân các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với tinh thần khuyến khích chủ doanh nghiệp mua nhà cho công nhân ở.

Sắp tới, Bộ sẽ ban hành quy định về phân hạng nhà chung cư, làm tiêu chí xác định, phân loại nhà ở loại này. Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam nêu lại quan điểm của cơ quan soạn thảo là người nước ngoài mua nhà có quyền sở hữu, thế chấp nhà.

Về vấn đề thực tế nhiều Đại sứ và người đứng đầu các tổ chức của Liên hợp quốc sau khi kết thúc nhiệm kỳ có thể có nhu cầu mua nhà ở Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết sẽ xem xét đưa vào dự thảo...

Tại kỳ họp thứ ba diễn ra vào tháng 5 tới, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Nghị quyết này để chủ trương cho người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam sớm trở thành hiện thực

Đinh Tuấn-QV
.
.
.