Người nữ thương binh và mái ấm tình người

Chủ Nhật, 20/10/2013, 17:15
Cả cuộc đời cống hiến cho cách mạng, ở tuổi 75, đáng ra phải an hưởng tuổi già nhưng hơn mười năm nay người nữ thương binh 4/4 mà mọi người hay gọi thân mật là má Mười (tên thật Trần Thị Cẩm Giang, ngụ tại huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) hằng ngày vẫn cặm cụi chăm sóc đàn con không lành lặn.

Chúng tôi đến thăm mái ấm Thiện Duyên của má Mười ở ấp Phú Hòa, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi vào một buổi sáng giữa tháng 10/2013. Đón chúng tôi với nụ cười hiền hậu, má Mười nói không ngờ chúng tôi đến sớm thế, má và các chị vừa mới cho tụi nhỏ ăn sáng xong và đang tất bật chuẩn bị bữa trưa cho hơn 120 người đang cư ngụ tại mái ấm.

Ngồi trò chuyện với chúng tôi chỉ trong vòng chưa đầy một giờ đồng hồ nhưng má Mười không lúc nào yên bởi đàn con nhỏ nũng nịu bên cạnh má. Đứa đòi má chải cho mái tóc, đứa nhờ má mở giùm hộp sữa, đứa lon ton đi theo méc anh chị lấy đồ chơi… rộn rả cả mái ấm. Cạnh đó, trên những chiếc giường sắt những đứa trẻ bị bại não, liệt tay, chân không đi lại được, nhìn thấy má cũng ú ớ gọi theo. Trên gương mặt ngây ngô, thánh thiện của những đứa trẻ nơi đây, má là người mẹ duy nhất mà chúng biết trên đời.

Má Mười và những đứa trẻ trong mái ấm.

Nói về “cơ duyên” đến với những đứa trẻ này, má Mười kể, sau khi nghỉ hưu vào năm 1990 (má Mười nguyên là Chủ tịch UBND phường 23, quận Tân Bình, nay là phường 10, quận Tân Bình), má quay về quê hương Củ Chi sinh sống. Thấy hoàn cảnh nhiều đồng đội ngày nào (từng chiến đấu chung trong chiến tranh chống Mỹ) quá khó khăn, má nhận nuôi 3 đứa con của họ bị nhiễm chất độc da cam. Không ngờ, nhiều người thấy vậy tiếp tục đem đến gửi những đứa trẻ không lành lặn nhờ má chăm sóc hộ…

Khi đón thành viên thứ 10 của mái ấm, má quyết bán nhà, bán đất ở Tân Bình lấy tiền về đầu tư xây cất mái ấm ngày nay. Nuôi một đứa trẻ bình thường đã khó, chăm sóc những đứa trẻ tật nguyền càng khó hơn, vậy mà trong mái ấm có tới 70 em là trẻ bị nhiễm chất độc da cam, phần lớn là bại não, phải nằm một chỗ hoặc đi lại rất khó khăn. Còn những em lành lặn bị bỏ rơi, má đem về nuôi nấng, đến tuổi đi học, các em đều được đến trường đến lớp.

 Mười mấy năm gắn bó với mái ấm này, má đã nuôi nấng và dạy dỗ nhiều em nên người, cưới vợ gả chồng cho 4 thành viên từng lớn lên trong mái ấm. Không chỉ thế, má còn mua đất cất nhà, tạo công ăn việc làm cho gia đình nhỏ của các con.

Chăm lo cho cho đàn con phần lớn là bệnh tật đã khó, vậy mà gần hai năm nay má lại đưa thêm về mái ấm những người già neo đơn, bệnh tật không có nơi nương tựa. “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng…” nhưng tấm lòng má thật bao la, rộng mở. Chia tay với má khi mặt trời vừa lên đỉnh, trên đường về, lòng tôi vẫn còn vấn vương những lời của má: “Điều má mong bây giờ là các con má đủ ăn đủ mặc, mạnh giỏi, đủ điều kiện học hành đến nơi đến chốn. Có như vậy, rủi may qua đời má cũng yên tâm”

A.Huy
.
.
.