Người nông dân Khmer hiến đất xây trường học

Thứ Ba, 27/10/2009, 15:12
Nhiều người dân nghe tin anh Kiên Thương hiến đất vừa ngạc nhiên vừa thán phục bởi một nông dân Khmer, gia đình cũng chỉ mới vượt qua hoàn cảnh khó khăn nhưng sẵn sàng hiến và nhượng lại giá rẻ cho trường học tới 10.000m2 đất.

Năm học 2009-2010, nhiều người dân ở huyện Kế Sách (Sóc Trăng) rất phấn khởi khi ngành Giáo dục huyện chính thức đưa vào sử dụng trường THCS Dân tộc nội trú của huyện (giai đoạn 1). Ngôi trường khang trang với qui mô một dãy phòng học 10 phòng, 2 dãy nhà khu hành chính 6 phòng, nhà ăn, nhà vệ sinh đầy đủ, phục vụ cho nhu cầu học tập của học sinh với kinh phí khoảng 3 tỉ đồng. Có được niềm vui đó, nhiều người dân ở địa phương nhắc nhiều đến gia đình anh Kiên Thương (ấp Tập Rèn, xã Thới An Hội, Kế Sách, Sóc Trăng), người đã hiến và nhượng lại 10.000m2 đất đang trồng cây ăn trái của gia đình mình để xây trường học.

Anh Kiên Thương lập gia đình năm 1984, được cha mẹ hai bên cho 5.000m2 đất, từ đó làm ăn tiết kiệm đến nay, anh chị đã mua được khoảng 30.000m2 đất, trong đó có khoảng 18.000m2 đất trồng lúa, 12.000m2 đất trồng cây ăn trái như nhãn, măng cụt và khoảng 2.500m2 đất ở. Cuộc sống thoát cảnh vất vả, vợ chồng anh quan tâm đến việc học hành cho con cái cũng như của xóm ấp.

Khi huyện Kế Sách được ngành GD&ĐT tỉnh đầu tư xây dựng mới trường THCS dân tộc nội trú nhưng không có đất đủ diện tích như thiết kế, anh Kiên Thương đã chủ động gặp lãnh đạo Phòng Giáo dục huyện trình bày nguyện vọng hiến 5.000m2 đất và nhượng thêm 5.000m2 với giá 22.000 đồng/m2. Theo thời giá hiện tại ở địa phương, khu đất của anh với vườn cây ăn trái đặc sản có giá khoảng trên 1 tỉ đồng.

Nhiều người khi nghe tin anh Kiên Thương hiến đất vừa ngạc nhiên vừa thán phục bởi giữa lúc tấc đất tấc vàng, nhiều người chỉ vì tấc đất mà mất đi tình cảm ruột rà máu mủ, mất đi tình làng nghĩa xóm, có người chỉ vì đất mà phải rơi vào vòng lao lý… Còn anh Kiên Thương, một nông dân Khmer, gia đình cũng chỉ mới vượt qua hoàn cảnh khó khăn nhưng sẵn sàng hiến và nhượng lại giá rẻ cho trường học tới 10.000m2 đất.

Vợ chồng anh Kiên Thương bên ngôi trường được xây dựng trên đất của gia đình hiến và nhượng cho ngành Giáo dục huyện.

Anh Kiên Thương tâm sự: "Vợ chồng tôi có 4 đứa con nay đã và đang học ở địa phương, có cháu đã ra công tác tại trường tiểu học của xã nhà. Các con tôi được học hành là nhờ Nhà nước quan tâm mở trường lớp ở vùng sâu. Vì thế, tôi hiến đất cho nhà trường coi như là một chút đóng góp để con em đồng bào Khmer ở địa phương có nơi học hành tốt hơn".

Anh Kiên Thương còn cho biết thêm: "Con tôi học ở Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, mỗi lần đi thăm, thấy con mình và các cháu học sinh học trường nội trú được Nhà nước lo chu đáo từ chỗ ăn nghỉ cho tới việc học hành nên tôi ước ao con em đồng bào Khmer ở địa phương mình cũng có trường dân tộc nội trú để được học hành đầy đủ hơn. Nhiều gia đình người Khmer biết tầm quan trọng của sự học nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn nên con cái phải chịu cảnh thiệt thòi. Nay có trường rồi, gia đình tôi và bà con vui lắm".

Thầy Thạch Sô Si Phan, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kế Sách, cho biết: "Những năm qua, nhiều người dân ở huyện Kế Sách đã hiến hàng chục ngàn mét vuông đất xây trường học, trong đó có rất nhiều hộ có hoàn cảnh gia đình chưa phải là khá giả lắm, nhiều hộ là người Khmer. Ngành chúng tôi ghi ơn những người đã hiến đất xây trường, góp phần giải quyết khó khăn về cơ sở vật chất của ngành Giáo dục, tạo điều kiện cho con em được đến trường học tốt hơn. Nói thật, nếu không có những người như anh Kiên Thương hiến đất, ngân sách ngành Giáo dục khó mà kham nổi chuyện mua đất xây trường".

Dẫn chúng tôi ra ngôi trường mới, anh Kiên Thương phấn khởi: "Ước muốn của người dân chúng tôi nay đã thành hiện thực, ngày ngày nhìn các cháu học sinh đi học, tôi vui lắm. Nói thật với nhà báo, bán đất thì có nhiều tiền nhưng tiền đó xài rồi cũng hết, còn hiến đất xây trường thì các cháu học sinh ở đây sẽ có trường học lâu dài để nâng cao kiến  thức, mai này trở về xây dựng quê hương giàu đẹp hơn. Được như vậy là tôi mãn nguyện lắm".

Anh Kiên Thương cũng bật mí thêm: "Nếu ngành Giáo dục cần thêm đất để xây trường học, gia đình tôi cũng sẵn sàng thôi".

Ngôi trường mới đã hoàn thành, tuy nhiên, nhiều thầy cô giáo và phụ huynh mong muốn cần phải xây hàng rào bảo vệ và làm sân chơi cho học sinh chứ bốn phía trống trải quá, khó đảm bảo an toàn tài sản của nhà trường, các em học sinh không có sân chơi sau giờ học.

Thầy Thạch Sô Si Phan cho biết thêm: Sắp tới ngành sẽ triển khai xây dựng giai đoạn 2 là xây sân bãi, hàng rào, nhà ở nội trú… cho học sinh, tổng cộng kinh phí xây dựng của trường khoảng 16 tỉ đồng

N.Thơ - X.L.
.
.
.