Xung quanh khiếu kiện của người nhà bệnh nhân đối với Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội):

Người nhà bệnh nhân gây khó cho bệnh viện

Thứ Năm, 03/04/2014, 11:58
Lần đầu tiên tại Bệnh viện Nhi Trung ương, một gia đình bệnh nhi đã ở lì trong bệnh viện suốt cả tháng trời, không hợp tác với các bác sỹ, dùng sức khỏe của con mình để gây sức ép, đòi hỏi vô lý với bệnh viện. Đó là trường hợp của bố mẹ bệnh nhân Nguyễn Đức Chung, 18 tháng tuổi, ở phường Gia Viên, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng.

Dùng con gây sức ép cho bác sỹ

Theo phản ánh của Bệnh viện Nhi Trung ương (TW), bệnh nhân Nguyễn Đức Chung (Trung, SN 14/9/2012) mắc bệnh khe hở môi - vòm toàn bộ. Tháng 3/2013, cháu đã được mổ chữa tạo hình môi do chuyên gia Mỹ phẫu thuật. Biết tin có đoàn chuyên gia Mỹ đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tháng 3/2014, bố mẹ của bệnh nhân Chung là Nguyễn Đức Thắng và Đặng Thu Trang đã đưa con lên Bệnh viện Nhi TW để chữa khe hở vòm.

Ngày 24/2, cháu được làm các xét nghiệm chuẩn bị cho đợt phẫu thuật của bệnh viện thực hiện cùng chuyên gia phẫu thuật tạo hình Mỹ - Giáo sư Joseph Rosen. Ngày 5/3, bệnh nhân được chuyển lên phòng mổ và khám trước khi bước vào gây mê, phẫu thuật. Bác sỹ chuyên khoa gây mê hồi sức khám trước mổ phát hiện tình trạng bệnh nhân ho, có đờm, sốt nhẹ, “phổi rải rác ran ẩm”. Vì lý do an toàn cho bệnh nhân, bác sỹ gây mê đã hội chẩn cùng bác sỹ phẫu thuật quyết định hoãn cuộc mổ và đã giải thích cho bố bệnh nhân về lý do hoãn mổ. Bố bệnh nhân đã đồng ý và yêu cầu tuần sau chuyên gia Mỹ mổ.

Ngày 10/3, chuyên gia Mỹ khám lại và kết luận hoãn mổ, bệnh nhân chỉ được phẫu thuật sau 1 tháng. Suốt thời gian cháu Chung nhập viện cho đến nay, cháu vẫn được các bác sỹ điều trị, theo dõi và nằm tại Khoa Tai mũi họng - Mắt. Khi sức khỏe cháu ổn định, đủ điều kiện phẫu thuật khe hở vòm thì bố mẹ cháu không đồng ý cho cháu mổ tại viện, yêu cầu cháu phải mổ ở một bệnh viện khác và Bệnh viện Nhi TW sẽ phải chịu toàn bộ chi phí.

Phản ứng trước việc hoãn mổ của con, chị Trang cho rằng bệnh viện cố tình hoãn cuộc mổ của cháu và có phản ứng tiêu cực, gây mất an ninh trật tự tại bệnh viện. Trong nội dung khiếu kiện, chị Trang còn thắc mắc về việc tiêm thuốc cho cháu Chung trước phẫu thuật, không được phản hồi sau khi gọi điện đến đường dây nóng của bệnh viện.

Để giải quyết khiếu nại của chị Trang, ngày 28/3, Giám đốc Bệnh viện Nhi TW thành lập Hội đồng tư vấn chuyên môn, thành lập Hội đồng chuyên gia xác định tình trạng bệnh và yêu cầu trị bệnh đối với cháu Chung. Kết quả xác minh cho thấy, bác sỹ, nhân viên y tế không vi phạm quy định, loại thuốc tiêm cho cháu trước khi phẫu thuật là kháng sinh Tarefoksym. Việc dùng thuốc kháng sinh dự phòng trước phẫu thuật được thực hiện như quy trình phẫu thuật thông thường khác tại Việt Nam. Y lệnh tiêm kháng sinh dự phòng này đã được ghi trong hồ sơ bệnh án, bố bệnh nhân đã được giải thích và ký vào tờ công khai thuốc theo quy định.

Quá trình xác minh lại quy trình từ khi cháu Chung nhập viện, tổ xác minh nhận thấy có sai sót khiến gia đình cháu Chung hiểu lầm là do “khi tiếp xúc với người bệnh ban đầu, bác sỹ Thơm giải thích chưa rõ ràng dẫn đến hiểu lầm là bác sỹ Thơm để bệnh nhân lại để phẫu thuật”. Bên cạnh đó, “việc hội chẩn giữa bác sỹ gây mê Phạm Thị Hiền Hòa và kíp mổ chỉ được thực hiện bằng miệng mà không ghi vào hồ sơ bệnh án”.

Bệnh nhi Nguyễn Đức Chung phải ở Bệnh viện Nhi TW hơn 1 tháng nay vì khiếu kiện của mẹ.

PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi TW cho biết: “Bệnh viện đã đưa ra các phương án để chữa bệnh cho cháu Chung theo hướng: Sức khỏe của cháu ổn định thì các bác sỹ của bệnh viện sẽ phẫu thuật cho cháu. Nếu gia đình muốn chuyên gia Mỹ mổ thì đợi 1 năm sau đoàn chuyên gia đó sẽ quay lại. Qua email, Giáo sư Rosen cũng đã hứa sẽ mổ cho cháu. Trường hợp gia đình muốn đưa cháu điều trị ở nơi khác hoặc về nhà thì bệnh viện sẽ giới thiệu và hỗ trợ chi phí đi lại cho mẹ con cháu trong chừng mực. Bệnh viện không có sai sót nên không có chuyện bồi thường”.

TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi TW khẳng định: “Mục đích hoãn mổ cho cháu Chung là vì sự an toàn cho cháu. Những bệnh lý như của cháu Chung, bác sỹ Việt Nam hoàn toàn có thể làm tốt. Chúng tôi chia sẻ, thông cảm với bệnh nhân và những vất vả của gia đình bệnh nhân nhưng chúng tôi không thể chấp nhận đòi hỏi vô lý của người nhà bệnh nhân”.

Cảnh báo hành vi gây mất an ninh trật tự tại bệnh viện

Chiều 1/4, tôi đến phòng cháu Chung và chị Trang đang ở suốt cả tháng qua tại Khoa Tai mũi họng – Mắt. Chị Trang vẫn cho rằng bác sỹ trì hoãn, gây khó khăn cho gia đình bệnh nhân và đổ lỗi cho mũi tiêm không rõ ràng khiến sức khỏe của cháu Chung bị giảm sút, việc hoãn mổ ảnh hưởng đến tương lai của cháu. Thậm chí, chị còn cho rằng bác sỹ “tiêm vi khuẩn” vào người cháu (?!). Trong cuộc nói chuyện với tôi, chị Trang kể rằng chị bị “đầu gấu” đe dọa (?!)… Tuy nhiên, chị Trang cũng khẳng định, các bác sỹ ở đây không đòi hỏi tiền nong mà chỉ gây khó khăn trong việc chữa bệnh cho cháu. Chị Trang nói: “Bệnh viện phải chịu trách nhiệm chi phí cho con tôi đi điều trị ở nơi khác”.

Những ngày qua, chị Trang đã ôm con đi nhiều nơi để khiếu nại. Nhìn cháu bé bị bệnh, lại yếu ớt so với tuổi, tôi hiểu cháu đã phải vất vả đi theo hành trình của người mẹ như thế nào. Việc chị Trang bắt cháu ở trong môi trường bệnh viện lâu ngày như vậy sẽ có nguy cơ bị nhiễm trùng chéo, bất lợi cho sức khỏe của cháu. Sức khỏe cháu đã ổn định, có thể xuất viện nhưng gia đình không cho cháu về. Bệnh viện đã phải cử lực lượng bảo vệ làm công tác giữ gìn trật tự để tránh xảy ra đáng tiếc khi người nhà cháu Chung có hành động quá khích.

Trung tá Lê Tiến Dũng, Trưởng Công an phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, Công an phường đã cử một tổ công tác giữ gìn an ninh trật tự tại bệnh viện. “Đối với người nhà bệnh nhi Chung, chúng tôi đã lập biên bản ngăn chặn hành động gây rối. Từ vụ việc này cho thấy, cần phải cảnh báo về một thủ đoạn, phương thức mới, gây rối làm mất an ninh trật tự trong bệnh viện nhằm mục đích cá nhân không chính đáng”.

Việt Hà
.
.
.